Quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP.HCM vừa được UBND TP ban hành. Kể từ ngày 12/12 tới, quy chế này chính thức có hiệu lực thi hành.
Theo quy chế mới ban hành, ngoại trừ các công trình bí mật nhà nước; công trình quốc phòng, an ninh thì tất cả các công trình trên địa bàn TP.HCM ngay từ khi khởi công xây dựng tới khi hoàn thành, đưa vào sử dụng đều phải được giám sát, kiểm tra chặt chẽ.
Các cơ quan chức năng cần phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý kiên quyết đối với mọi hành vi vi phạm hành chính ngay từ khi mới phát sinh. Cùng với đó, cần khắc phục tất cả hậu quả do vi phạm hành chính gây ra.
|
Có tới hàng nghìn công trình vi phạm xây dựng, sai quy hoạch tại TP.HCM được phát hiện,
xử lý mỗi năm. |
Bên cạnh đó, cần đảm bảo minh bạch, công khai, công bằng, đúng luật trong việc xử lý công trình vi phạm xây dựng; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cơ quan, người dân cùng tham gia giám sát.
Chính quyền TP.HCM yêu cầu kiểm tra, xử lý mọi thông tin phản ánh về công trình vi phạm trật tự xây dựng. Thông tin cá nhân và thông tin liên quan tới người cung cấp thông tin công trình vi phạm cần được đảm bảo bí mật.
Trách nhiệm của UBND cấp huyện, cấp xã là kiểm tra và xử lý những vi phạm trong hoạt động xây dựng trên địa bàn. Trong khi đó, nhiệm vụ của Sở Xây dựng là kiểm tra, thanh tra những công trình đặc thù, công trình lớn, phức tạp và thanh tra công tác quản lý trật tự xây dựng tại các huyện, quận.
Tùy tính chất và mức độ vi phạm, các cá nhân, tổ chức, đơn vị, cơ quan bị xử lý kỷ luật về công chức, cán bộ hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ, buông lỏng quản lý, bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm xây dựng.
Theo Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM, ông Lý Thanh Long, tình trạng vi phạm xây dựng diễn biến phức tạp, phổ biến trong thời gian qua, đặc biệt là tại các huyện/quận có tốc độ đô thị hóa nhanh.
Số liệu thống kế cho biết, có tới hàng nghìn công trình xây dựng sai phép, không phép, sai quy hoạch tại TP.HCM được phát hiện, xử lý mỗi năm. Lượng công trình sai phạm năm 2017 là 2.856 công trình (7,8 vụ /ngày); năm 2018 là 2.419 công trình (6,6 vụ/ngày). Trong nửa đầu năm nay có tới 1.550 công trình vi phạm (8,5 vụ/ngày), so với cùng kỳ năm ngoái tăng 28%.
Thực tế cho thấy, các công trình vi phạm xây dựng đang hình thành nhà xưởng, khu dân cư tự phát, gây ô nhiễm môi trường và phá vỡ quy hoạch. Sở dĩ thời gian qua có nhiều công trình vi phạm xây dựng sai phép, không phép là do sự phối hợp giữa các đơn vị quản lý còn yếu kém, nhất là quản lý trật tự đô thị địa phương và Thanh tra Sở Xây dựng.