Có đến 12 cụm công nghiệp đang hoạt động trong tình trạng “ba không”: không chủ đầu tư, không quy hoạch chi tiết, không hệ thống xử lý chất thải.
Có đến 12 cụm công nghiệp đang hoạt động trong tình trạng “ba không”: không chủ đầu tư, không quy hoạch chi tiết, không hệ thống xử lý chất thải.
Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn TP.HCM hiện có 14 cụm công nghiệp không chủ đầu tư. Trong đó, có đến 12 cụm đang hoạt động trong tình trạng “ba không”: không chủ đầu tư, không quy hoạch chi tiết, không hệ thống xử lý chất thải.
Dù là cụm công nghiệp chuyên sản xuất các mặt hàng có nguy cơ gây ô nhiễm cao như cao su, chế biến thuỷ sản, với 31 công ty, cơ sở hoạt động từ đầu những năm 2000 cụm công nghiệp Hiệp Thành thuộc phường Hiệp Thành, quận 12, TP.HCM vẫn không bị kiểm soát.
Không ai kiểm soát
Các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp Hiệp Thành, cho biết năm 2004, UBND TP.HCM đã có quyết định giao công ty Dịch vụ và phát triển đô thị quận 12, làm chủ đầu tư cụm công nghiệp Hiệp Thành. Tuy nhiên năm 2007, không biết vì lý do gì công ty này bỏ cuộc.
Tại thời điểm đó, UBND quận 12 cũng đã chấp thuận để tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam tiếp cận hồ sơ dự án cụm công nghiệp Hiệp Thành. Đến tháng 10.2007, đơn vị này cũng đã có văn bản gởi UBND quận 12 về việc xin chấp thuận làm chủ đầu tư xây dựng cụm công nghiệp và khu dân cư phường Hiệp Thành.
Tuy nhiên, từ đó đến nay đã hơn hai năm mà các thủ tục pháp lý về việc chuyển đổi chủ đầu tư dự án cụm công nghiệp Hiệp Thành vẫn chưa thực hiện xong và cũng chưa có văn bản chính thức nào về việc thay đổi chủ đầu tư dự án.
14 cụm công nghiệp “vô chủ”
Hiệp Bình Phước (Thủ Đức), Hiệp Thành, Tân Thới Nhất (quận 12), Phú Mỹ (quận 7), Bình Đăng (quận 6), Tân Quy A, Tân Quy B, Bàu Trăn, Phạm Văn Cội (Củ Chi), Đông quốc lộ 1A (Bình Tân), Tân Hiệp B (Hóc Môn), Long Thới (Nhà Bè), Tân Túc, Trần Đại Nghĩa (Bình Chánh). |
Cũng trong năm 2004, chính quyền thành phố chọn xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi để di dời các trại chăn nuôi, các cơ sở chế biến thức ăn gia súc, chế biến thực phẩm cho ngành nông nghiệp từ nội thành ra. Đến nay, cụm công nghiệp Phạm Văn Cội đã có gần chục doanh nghiệp hoạt động.
Cũng giống như cụm công nghiệp Hiệp Thành, qua sáu năm thành lập cụm này vẫn chưa có chủ đầu tư chung, chưa xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống thoát nước, hệ thống xử lý chất thải.
Tương tự, cụm công nghiệp Hiệp Bình Phước ở phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, nơi tập trung các doanh nghiệp chuyên sản xuất bánh, kẹo, cơ khí, dệt, dù đã có hàng chục doanh nghiệp đi vào hoạt động từ nhiều năm nay nhưng đến bây giờ các doanh nghiệp này vẫn tự do xả thải.
Theo sở Công thương TP.HCM, trên địa bàn thành phố hiện có 14 cụm công nghiệp trong tình trạng “vô chủ”. Lý do, đây là các cụm công nghiệp tự phát, sau đó được sở Quy hoạch kiến trúc quy hoạch thành cụm công nghiệp. Ở những cụm công nghiệp này, hầu hết các doanh nghiệp tự thoả thuận với dân mua đất rồi tự xây dựng xí nghiệp, nhà xưởng…
(Theo SGTT)