Quy định thi công công trình của Singapore có phải niềm ước ao với
các nhà quản lý tại TP.HCM khi mà nhiều nhà thầu đào đường theo kiểu
chơi ‘trống bỏi”.
Quy định thi công công trình của Singapore có phải niềm ước ao với các nhà quản lý tại TP.HCM khi mà nhiều nhà thầu đào đường theo kiểu chơi ‘trống bỏi”.
Ngày 18/10, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM đã tổ chức nghiệm thu đề tài “Khảo sát điều tra, đánh giá nguyên nhân lún sụp nền mặt đường trên địa bàn TP.HCM”. Các nhà khoa học, trực thuộc nhiều cơ quan quản lý nghiên cứu đã mổ xẻ những tác nhân gây ra tình trạng “hố tử thần”.
Tái mặt vì mặt đường tái lập
Theo kết quả khảo sát đưa ra của Trung tâm Tư vấn KH&CN Cầu Đường Cảng, hầu hết các tuyến đường được đo, cường độ mặt đường, với phui đào mới tái lập dù dưới 1 năm, hay trên 1 năm, không kể lưu lượng xe lưu thông ít hay nhiều, thì trị số đo cường độ mặt đường cũng chỉ đạt khoảng dưới 50% so với trị số cường độ mặt đường hiện hữu.
Trong thời gian tiến hành nghiên cứu đề tài, nhóm ứng dụng công nghệ Georadar đã kết hợp với Phòng Quản lý hạ tầng – Sở GTVT tiến hành sử dụng máy Georadar để dò tìm và dự báo hố sụp.
Kết quả trong 94 vị trí dò tìm, đã phát hiện 74 vị trí (chiếm 77%) có hiện tượng sụp lún và đã điều động nhân lực của các Khu QLGTĐT đến để xử lý ngay nên đã hạn chế được phần lớn tình trạng lún sụp xảy ra trên địa bàn thành phố.
Kết quả dò tìm trên 17 tuyến đường từ 145 vụ lún sụp trong 14 tháng vừa qua, có đến 48 vụ là do cống thoát nước cũ bị sụp, bề, hở mối nối, 35 vụ do ống cấp nước gặp tình trạng tương tự, số còn lại do công trình hạ tầng kỹ thuật khác bị hư bể hoặc do thi công không đúng quy định làm ảnh hưởng công trình ngầm.
So với cường độ của mặt đường hiện hữu, bên ngoài phui, cường độ của mặt đường trong phui chỉ còn lại bằng khoảng dưới 50%, tức là sau khi thi công đào đường và tái lập, chất lượng mặt đường không được hoàn trả như nguyên trạng.
Đây cũng là lý do vì sao vừa qua hàng loạt tuyến đường tại TP.HCM trong và sau cơn mưa lớn đã trở thành nỗi kinh hoàng với nhiều người dân khi lưu thông.
“Ngoài nguyên nhân trực tiếp gây ra các hố sụt, ta còn thấy ở đây nguyên nhân thúc đẩy quá trình gây ra xói rỗng và xói ngầm tạo nên hố sụt”, ông Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hội cầu đường cảng TP.HCM nói.
Nhật ký hành trình khảo sát hiện tượng hố sụt trên các tuyến đường cho thấy rõ, các hố sụt xảy ra dều nằm gần hoặc kề sát các hố ga thu nước, một số nằm sát các phui đào đã được tái lập.
Nguyên nhân gây ra tình trạng trên là do khi thực hiện các công trình dù mới gây ảnh hưởng đến các công trình hiện hữu nhưng nhà thầu cũng như Tư vấn giám sát hay các đơn vị chủ quản không quan tâm kiểm tra theo dõi, quan trắc.
Mặt khác, khi chuẩn bị thực hiện một công trình có sử dụng không gian ngầm của thành phố thì chưa có một quy trình, quy định thống nhất nào cho các công tác từ lúc lập dự án cho đến khi thi công hoàn tất đưa vào sử dụng.
Do đó, đã gây ra khó khăn cho chủ đầu tư, nhà thầu trong việc thực hiện các bước của dự án và ngay cả các đơn vị quản lý Nhà nước cũng lúng túng trong việc phê duyệt dự án cũng như cấp phép thi công và kiểm tra công tác hoàn công, bàn giao công trình.
“Bắt buộc nhà thầu ký quỹ”
Đó là ý kiến thống nhất của ông Lê Toàn, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải sau khi nhiều chuyên gia đề xuất phương án khắc phục tình trạng lún sụp gây nguy hiểm cho người dân.
Theo ông Toàn, sắp tới sẽ đề xuất UBND TP.HCM bắt buộc các đơn vị đào đường phải ký quỹ để đơn vị quản lý có kinh phí khắc phục khi có sự cố, đồng thời nhà thầu bị ràng buộc trách nhiệm hơn khi thi công.
Hội cầu đường cảng đưa ra ý kiến là nên triển khai thi công theo mô hình của Singapore vì tại nước này, khi đơn vị thi công đào một mét đường đã phải ký quỹ 5000 USD. Mỗi lần chỉ cho phép đào 600 mét tránh tình trạng xáo trộn hạ tầng đô thị và chất lượng công trình kém.
Trong khi đó, phản biện lại phương pháp khảo sát vị trí lún sụp trong nghiên cứu, Phó giáo sư- Tiến sĩ Nguyễn Việt Kỳ, Trưởng khoa Địa chất- Dầu khí Đại học Bách Khoa nêu quan điểm: “Tôi thấy những vị trí chúng ta xách máy đi đo hầu như chúng ta đã nghi là có vấn đề, việc dự báo bằng phương pháp radar xuyên đất trên thực tế không mang tính dự báo cao”.
Cũng đề cao tính thực tế trong công tác ngăn ngừa tình trạng lún sụp trên địa bàn thành phố, Thạc sĩ Vũ Trung Hưng thuộc Sở Quy hoạch kiến trúc nêu ý kiến: “Thành phố nên tập trung kinh phí vào vấn đề quản lý thi công và quản lý hệ thống công trình ngầm thay vì tiếp tục đổ kinh phí vào khảo sát điều tra vừa thời gian vừa qua”.
Tại buổi nghiệm thu, hầu hết các nhà khoa học, các chuyên gia đều đồng tình với đề xuất UBND TP.HCM xem xét, phát huy vai trò của Trung tâm quản lý công trình ngầm. Trung tâm này đã thành lập từ tháng 10 do Sở xây dựng quản lý nhưng chưa thấy hoạt động, chưa phát huy được tính hiệu quả của dữ liệu về công trình ngầm trên địa bàn thành phố.
(Theo Vietnamnet)