Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM vừa báo cáo với lãnh đạo TPHCM quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2.000 khu vực trung tâm hiện hữu mở rộng của TPHCM.
Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM đã báo cáo với lãnh đạo TPHCM quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2.000 khu vực trung tâm hiện hữu mở rộng của TPHCM rộng 930ha bao gồm các quận 1, 3 và một phần quận 4, quận Bình Thạnh (gọi tắt là khu trung tâm).
Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc, đồ án quy hoạch đã chuyển tải được đầy đủ tư tưởng chỉ đạo của lãnh đạo TPHCM khi đặt vấn đề lập đồ án quy hoạch đô thị tỷ lệ 1/2.000 cho khu vực trung tâm. Các tư tưởng đó là: hạn chế tăng dân số ở khu trung tâm; hạn chế phát triển công trình cao tầng ở khu vực lõi của trung tâm, chỉ tập trung phát triển cao tầng, thu hút đầu tư vào các khu vực dọc bờ Tây sông Sài Gòn; mở không gian đô thị về phía sông Sài Gòn; nối dài một số trục đường, đặc biệt là trục đường Lê Lợi từ Nhà hát TP, qua khu Ba Son để hình thành đại lộ Lê Lợi tiếp cận với bờ sông Sài Gòn; tổ chức các loại hình giao thông công cộng; giữ lại toàn bộ khu vực Công viên 23-9; bảo tồn không gian biệt thự quận 3 và tổ chức hệ thống không gian ngầm.
Trên cơ sở những chỉ đạo này, khu vực trung tâm đã được chia thành 5 vùng đặc thù với các chỉ tiêu phát triển kinh tế kỹ thuật, cải tạo đô thị khác nhau. Khu vực thứ nhất là khu lõi thương mại, tài chính nằm gọn trong ranh giới quận 1 có diện tích 92,3ha; khu vực thứ hai là trung tâm văn hóa lịch sử cũng nằm gọn trong ranh giới quận 1 nhưng bao quanh trục đường Lê Duẩn có diện tích 212,2ha; khu thứ ba là khu bờ Tây sông Sài Gòn trải dài từ cầu Sài Gòn đến cầu Tân Thuận, thuộc một phần quận 1, quận 4, quận Bình Thạnh, có diện tích khoảng 248,34ha; khu thứ tư là khu biệt thự có diện tích khoảng 232,3ha nằm trong địa bàn quận 1 và quận 3; khu thứ năm là khu cận thương mại - tài chính có diện tích 117,5ha bao gồm một phần quận 1 và quận 4.
Tùy theo đặc tính từng khu, mật độ dân số, hệ số sử dụng đất từng khu sẽ khác nhau. Khu vực thương mại, tài chính, dân số dự kiến 32.000 người, hệ số sử dụng đất toàn khu 3,5, hệ số sử dụng đất trên đất xây dựng 6,6. Khu vực trung tâm văn hóa - lịch sử: 43.600 người, hệ số sử dụng đất toàn khu 1,8; hệ số sử dụng đất trên đất xây dựng 2,4. Khu vực biệt thự: 76.300 người, hệ số sử dụng đất toàn khu 2,3; hệ số sử dụng đất trên đất xây dựng 3,3. Khu vực lân cận khu thương mại, tài chính: 42.900 người, hệ số sử dụng đất toàn khu 2,6; hệ số sử dụng đất trên đất xây dựng 4,2. Khu vực bờ Tây sông Sài Gòn: 31.200 người, hệ số sử dụng đất toàn khu 2,5; hệ số sử dụng đất trên đất xây dựng 5,5.
Việc điều tiết dân số sẽ theo hướng hạn chế tăng ở quận 1, 3, 4 và bổ sung dân cho quận Bình Thạnh. Khu bờ Tây sông Sài Gòn sẽ có nhiều công trình cao tầng làm điểm nhấn kiến trúc, kết nối không gian với đô thị mới Thủ Thiêm. Tại đây sẽ hình thành dải công viên và khu vực công cộng dọc bờ sông Sài Gòn. Dành mặt đường Tôn Đức Thắng, đoạn từ Hàm Nghi đến công trường Mê Linh cho đi bộ và xe điện, chuyển giao thông cơ giới xuống đường ngầm bên dưới.
Ông Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc cho biết, về cơ bản, lãnh đạo TPHCM nhất trí với quy hoạch trên của Sở Quy hoạch Kiến trúc song yêu cầu sở lấy thêm ý kiến góp ý của các quận liên quan, Mặt trận Tổ quốc VN TPHCM…
(Theo SGGP)