Trong 3 thập niên trở lại đây, nhiệt độ trung bình nhiều năm tại TPHCM đang có xu hướng tăng nhanh rõ rệt và ngày càng nới rộng khoảng cách với các khu vực lân cận.
Trong 3 thập niên trở lại đây, nhiệt độ trung bình nhiều năm tại TPHCM đang có xu hướng tăng nhanh rõ rệt và ngày càng nới rộng khoảng cách với các khu vực lân cận.
Điều này đang khiến thành phố ngày càng trở nên nóng nực và oi bức hơn. Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính xuất phát từ quá trình đô thị hóa thiếu kiểm soát khiến TPHCM đang nóng lên và chịu ảnh hưởng của hiệu ứng “đảo nhiệt đô thị”.
Đêm vẫn còn nóng
TPHCM đang bước vào cao điểm nắng nóng nhất trong năm. Thời gian vừa qua, nhiệt độ trung bình luôn ở mức 36 - 37 độ C, nhiệt độ ngoài trời lên đến 38 - 39 độ C đang biến TPHCM thành “lò lửa”, người dân luôn phải chịu cảm giác nóng nực và oi bức. Những ngày này, TPHCM nóng như “đổ lửa”, người dân bước ra đường đều phải ăn mặc kín mít để tránh nắng, các mảng xanh ít ỏi khu vực trung tâm đều được người dân tận dụng để hóng mát. Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ (KTTV), đợt cao điểm nắng này tại TPHCM bắt đầu từ tháng 3 và có thể kéo dài đến giữa tháng 5. Người dân TP còn phải chống chọi với thời tiết nắng nóng ít nhất là 1 tháng nữa.
Bà Lê Thị Xuân Lan - chuyên viên Đài KTTV - cho biết, hiện nay nhiệt độ buổi trưa vào khoảng 36 độ C và còn lên 37 - 38 độ C (nhiệt độ đo trong lều khí tượng), còn như tại xa lộ Hà Nội hay QL1A nhiệt độ còn có thể lên 39 độ C. Ông Nguyễn Minh Giám - PGĐ Đài KTTV - cho rằng, TPHCM đang bị bêtông hóa quá nhanh, trong khi lượng cây xanh quá ít làm tăng cảm giác nắng nóng và oi bức. Chưa kể nguồn nhiệt rất lớn cộng hưởng từ máy lạnh, động cơ xe và ô nhiễm khói bụi. “TPHCM lúc nào cũng duy trì ở mức 36 - 37 độ C, thậm chí ban đêm vẫn có cảm giác nắng nóng. Nóng nhất là các quận trung tâm TP như: Q.1, Q.3, Q.4, Q.5, Q.10, Q.11 do có rất ít diện tích cây xanh” - ông Giám cho biết thêm.
Theo một kết quả nghiên cứu về nhiệt độ TBNN của Đài KTTV, trong vòng 30 năm qua, nền nhiệt độ TBNN tại TPHCM đã tăng gần 1 độ C, trong khi các vùng lân cận như ĐBSCL, Xuân Lộc (Đồng Nai)... nền nhiệt độ TBNN tăng rất chậm. "Điều đó cho thấy, nguyên nhân nhiệt độ tại TPHCM tăng nhanh là do bản thân của TPHCM là chính chứ không phải do biến đổi khí hậu” - bà Lan cho biết.
Biến thành “lò lửa” do đô thị hóa
Theo các chuyên gia, quá trình đô thị hóa thiếu kiểm soát đang khiến TPHCM bị “hâm nóng” từng ngày. Hậu quả là TPHCM đang phải chịu tác động mạnh của hiện tượng “đảo nhiệt đô thị”. Diện tích bêtông bề mặt quá nhiều trong khi diện tích mặt nước, các mảng xanh ngày càng ít đi khiến lượng nhiệt “đổ bộ” xuống TPHCM không được hấp thu mà bị dội ngược trở lại. Không những thế, đây còn là nguyên nhân khiến những cơn mưa nhiệt đới tập trung xuống TPHCM ngày càng tăng về số lượng và quy mô.
TS Lưu Đức Cường - Viện Kiến trúc quy hoạch đô thị - nông thôn, Bộ Xây dựng cho biết, bêtông hóa tại TPHCM đang gây ra hiệu ứng đảo nhiệt đô thị và làm gia tăng nhiệt độ trong không khí và gia tăng các trận mưa. Diện tích bêtông hóa bề mặt của TP đang tăng mạnh. Đô thị hóa trong vòng 14 năm trở lại đây tại TPHCM đã dẫn tới sự biến mất của 47 con kênh với tổng diện tích 16,4ha, san lấp 7,4ha hồ Bình Tiên. Đến nay, toàn bộ diện tích công viên, vườn hoa và cây xanh dải phân cách trên địa bàn TP chỉ còn khoảng 535ha - giảm gần 50% so với năm 1998. “Đô thị hóa một cách thiếu kiểm soát đang là nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp gây ra tình trạng ngập lụt tại TPHCM” - ông Cường cho biết.
Theo các chuyên gia, việc dân số gia tăng đang kéo theo gia tăng các phương tiện giao thông, các loại máy lạnh, tủ lạnh khiến lượng khí nóng thải ra ngày càng nhiều cũng là nguyên nhân khiến TPHCM vừa nóng, vừa nực.
Tăng mảng xanh làm “mát”
Theo ông Giám, để làm “nguội” đô thị, TP thì cần tăng diện tích và chất lượng các mảng xanh đô thị, đặc biệt là trồng và bảo quản các cây xanh lâu năm có nhiều bóng mát. Ông Trần Chí Dũng - GĐ Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP - cho biết, về vấn đề này, TP đã có định hướng quy hoạch trong đồ án quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025 được Thủ tướng phê duyệt đầu năm 2010. Để tăng mảng xanh trước mắt sẽ giữ gìn, cải tạo các công viên cây xanh hiện hữu (khoảng 235ha), đồng thời khai thác cảnh quan dọc sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và các sông, kênh rạch lớn khác; hình thành các công viên cây xanh, công viên chuyên đề cấp khu vực; tạo các hồ chứa nước có chức năng điều hòa, điều tiết...
Ngoài ra, Sở GTVT cũng đang thực hiện nhiều biện pháp giảm lượng xe cá nhân trong nội thành, thay thế bằng các phương tiện giao thông công cộng; chuyển đổi xe chạy bằng khí hóa lỏng cho xe buýt, xe taxi và sử dụng năng lượng khác cho các loại xe khác... để giảm nhiệt độ trong TP và còn giúp giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu.
Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, trong tháng 4/2012, nhiệt độ tiếp tục nóng hơn nữa và có thể lên cao thêm 1 - 2 độ C. Đặc biệt, thời gian nắng nóng kéo dài liên tục từ 10 - 12 tiếng/1 ngày với mức 35 - 37 độ C. Nhiệt độ lúc 7 giờ sáng đã là 30 độ C và chiều từ 17 giờ - 19 giờ vẫn còn trên 30 độ C. |
(Theo Lao động)