Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM đã chủ trì hội thảo "Các ngành công nghiệp thành phố - Vai trò và tiềm năng phát triển" vào ngày 6/12 vừa qua.
Tham gia hội thảo, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, ông Nguyễn Phương Đông cho hay, trong tổng sản lượng công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giá trị gia tăng công nghiệp TP.HCM chiếm khoảng 32,3% và chiếm tầm 16% quy mô sản xuất công nghiệp trên cả nước.
Thế nhưng, so với tiềm năng hiện có thì việc phát triển các ngành công nghiệp trọng yếu tại TP.HCM chưa tương xứng. Bởi lẽ, đa số các doanh nghiệp sản xuất vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nguyên phụ liệu nhập khẩu; công nghệ, thiết bị còn hạn chế; sức cạnh tranh, giá thành cũng như hàm lượng giá trị gia tăng trong hàng hóa, sản phẩm chưa cao.
Mặt khác, kinh phí đầu tư cho sản xuất công nghiệp trên địa bàn TP ngày càng gia tăng. Cùng với đó, xu hướng đầu tư ra các tỉnh của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp cũng tăng mạnh. So với nhu cầu của doanh nghiệp, quỹ đất công nghiệp chưa phù hợp, chưa đáp ứng được. Ngoài ra, tính liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất công nghiệp các ngành, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước với nhà sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh, doanh nghiệp có vốn đầu tư ngoại còn hạn chế.
|
Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Đỗ Thắng Hải; Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong và Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tham quan
các gian hàng tại hội thảo. |
Theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, hội thảo này là phù hợp và thiết thực vì đây là dịp để nhìn nhận một cách toàn diện về ngành công nghiệp của TP, từ đó mở ra hướng phát triển mới trong tương lai gần.
Lãnh đạo TP cho hay: "Chúng ta đã xác định rõ vấn đề đặt ra là trong giai đoạn tới, cần có các giải pháp phát triển công nghiệp một cách tập trung hơn và hiệu quả hơn. Chúng ta đều biết, nguồn lực phát triển công nghiệp có giới hạn nên cần phải xác định những ngành công nghiệp nào là trọng tâm để tập trung đầu tư ưu tiên phát triển cho phù hợp".
Ông Phong cho rằng, việc lựa chọn đúng ngành được xem là giải pháp chiến lược. Ngành công nghiệp TP.HCM chắc chắn sẽ phát triển nếu có định hướng đúng đắn. Thế nên, nếu lựa chọn các ngành không phù hợp sẽ không mang lại hiệu quả, tạo rào cản đối với sự phát triển, gây lãng phí lớn về kinh phí lẫn công sức.
Bàn về quỹ đất cho sản xuất công nghiệp, Chủ tịch UBND TP.HCM thông tin, theo lộ trình từ nay tới năm 2021, TP được Chính phủ cho phép chuyển trên 30.000 ha đất nông nghiệp sang đất khác. Cụ thể, TP sẽ dành tới 1.999 ha đất để phát triển công nghiệp. Ông Phong khẳng định: "Ưu tiên sắp tới là có chính sách mời gọi các nhà đầu tư, mặt khác có chính sách tạo ra môi trường sản xuất kinh doanh và môi trường đầu tư thuận lợi".
Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, vấn đề phát triển công nghiệp được cả chính quyền, Đảng bộ và doanh nghiệp TP.HCM quan tâm. Ông Nhân nhấn mạnh: "Những hạn chế hiện nay là do cơ cấu quản lý công nghiệp chưa tối ưu. Bài học sắp tới là phải tăng cường đối thoại với doanh nghiệp nhiều hơn để nắm bắt doanh nghiệp muốn gì, cần gì để từ đó tiến tới hình thành chương trình phát triển công nghiệp TP".