Theo quy hoạch phát triển giao thông cùng với tiến độ thực hiện các công trình dự án giao thông như hiện nay, thì đến năm 2020 TP.HCM sẽ trở thành “thành phố mở”
Theo quy hoạch phát triển giao thông cùng với tiến độ thực hiện các công trình dự án giao thông như hiện nay, thì đến năm 2020 TP.HCM sẽ trở thành “thành phố mở”, nối liền các khu đô thị mới, các đô thị vệ tinh, các khu công nghiệp, các công trình đầu mối giao thông liên vùng, gắn kết chặt chẽ với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Đây là nội dung chính trong bản Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 tầm nhìn sau năm 2020 đã được thành phố trình bộ Giao thông vận tải.
Ông Bùi Xuân Cường, phó giám đốc sở Giao thông vận tải TP.HCM cho hay: Ngoài hai tuyến đường sắt đô thị số 1, 2, dự án đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – vành đai ngoài, vành đai 2, các dự án mở rộng đường khu vực trung tâm, cửa ngõ sẽ hoàn thành trước năm 2020, thì nhân tố mang tính quyết định để TP.HCM trở thành “thành phố mở” chính là những tuyến cao tốc, một số đường vành đai mang tính đối ngoại được đưa vào sử dụng.
Theo quy hoạch, TP.HCM sẽ được nối liền khu vực Đông-Tây TP bằng cao tốc và đại lộ. Cụ thể, tuyến đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây trị giá 20.400 tỉ đồng cũng được các đơn vị liên quan cam kết hoàn thành vào năm 2014.
Theo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) - Chủ xây dựng ba gói thầu xây lắp thuộc dự án thành phần 1, nối đường cao tốc với đại lộ Đông Tây: Từ nay đến cuối năm 2014, tất cả các gói thầu thi công tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây sẽ đồng loạt hoàn thành và đưa vào sử dụng. Khi hoàn thành tuyến cao tốc này sẽ cho xe lưu thông với tốc độ lên đến 120 km/h với sáu làn xe được chia làm hai đoạn.
Tổng giám đốc VEC- ông Mai Tuấn Anh cho hay, khi đưa vào sử dụng tuyến đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây thì một dải từ đông sang tây sẽ được nối bằng đường cao tốc và đại lộ. Theo đó, muốn đi từ đông sang tây chỉ cần theo đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây – đại lộ Đông Tây – đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương – tuyến giao thông hiện đại nối Đồng Nai, TP.HCM với Long An dài tròn 100km.
Đi trên tuyến đường này sẽ rút ngắn hành trình từ TP.HCM và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đi Vũng Tàu khoảng 20km, rút ngắn hành trình từ TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu đi ra các tỉnh phía Bắc và ngược lại so với việc đi theo các tuyến đường hiện hữu, với ưu thế về tiêu chuẩn kỹ thuật, tốc độ và điều kiện an toàn giao thông. Bên cạnh đó, tuyến cao tốc khi hoàn thành sẽ đẩy nhanh sự ra đời của cảng Hàng không quốc tế Long Thành – sân bay được thiết kế có quy mô lớn vào bậc nhất nhì Đông Nam Á.
Cũng theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải của TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau 2020 thì các tuyến đường vành đai đóng vai trò cực kỳ quan trọng, giúp mở bung cánh cửa của TP.HCM đi ra các tỉnh, trong đó đặc biệt là các tuyến đường vành đai 3 và vành đai 4.
Hệ thống các đường vành đai nối liền các cao tốc cũng sẽ góp phần giảm tình trạng ùn tắc giao thông khu vực nội đô, tạo điều kiện phát triển dịch vụ vận tải liên vùng mà trong đó hạt nhân là TP.HCM.
Theo như quy hoạch chi tiết, tuyến đường vành đai 3 sẽ đi qua địa giới hành chính của tám quận/huyện thuộc bốn tỉnh/thành phố là TP.HCM, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương, tỉnh Long An với tổng chiều dài khoảng 89,3km.
Đường Vành đai 4 đi qua địa giới hành chính của 12 huyện thuộc năm tỉnh/thành phố: tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương, TP.HCM, tỉnh Long An với tổng chiều dài tuyến đường vành đai 4 khoảng 197,6km.
Đường vành đai 3 và vành đai 4 có quy mô là đường cao tốc với mặt cắt ngang 6 – 8 làn xe, cao tốc có đường song hành hai bên và các hành lang để bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật, dự trữ mở rộng. Tổng chiều rộng mặt cắt ngang lớn nhất khoảng 121,5m.
Về tiến độ thực tế của hai tuyến đường vành đai này, ông Bùi Xuân Cường cho biết, hiện tại cả hai dự án đã được duyệt quy hoạch chi tiết và đang kêu gọi vốn nhà tài trợ. “Thực tế kêu gọi vốn tài trợ thì tuyến đường vành đai 3 khả quan hơn”, ông Cường cho hay. Và cũng theo ông Cường thì trước năm 2020 tuyến đường vành đai 3 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Khi tuyến đường vành đai 3 hoàn thành sẽ nối vào đường cao tốc liên vùng phía Nam tại khu vực huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai – khu vực ngã ba đường Tân Vạn – đường vành đai thành phố Biên Hoà (theo quy hoạch chung thành phố Biên Hoà) – thị trấn Búng, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương – phía bắc thị trấn Hóc Môn – đường Thanh Niên (dọc kênh An Hạ, gần nông trường Nhị Xuân, nông trường Lê Minh Xuân, TP.HCM) – đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương, nối vào điểm đầu đường cao tốc liên vùng phía Nam tại khu vực huyện Bình Chánh… sẽ góp phần giảm tình trạng ùn tắc giao thông khu vực nội đô, tạo điều kiện phát triển dịch vụ vận tải liên vùng.
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)