Trong khi đường phố ngày càng kẹt cứng do lượng xe tăng quá nhanh thì các dự án xây dựng hạ tầng giao thông tại TPHCM cũng “chết đứng” vì vướng khâu giải phóng mặt bằng.
Trong khi đường phố ngày càng kẹt cứng do lượng xe tăng quá nhanh thì các dự án xây dựng hạ tầng giao thông tại TPHCM cũng “chết đứng” vì vướng khâu giải phóng mặt bằng.
Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, số phương tiện giao thông cá nhân trên địa bàn TP tiếp tục tăng mạnh trong năm 2011 (cụ thể tăng hơn 636.000 xe, tương đương 13% so với năm 2010) gây nên tình trạng quá tải của hệ thống giao thông đô thị.
Tính đến hết năm 2011, tổng số phương tiện giao thông trên địa bàn TP là hơn 5,5 triệu xe (xe ô tô là gần 500.000 xe; xe mô tô, gắn máy là hơn 5 triệu xe), chưa kể hàng ngày có trên 1 triệu xe mang biển số của các tỉnh thành khác tham gia giao thông trên địa bàn TP.
Trong khi đó, TP chỉ có 3.600 tuyến đường với tổng diện tích đường là 26 triệu m2. Nếu tất cả lượng xe trên đổ ra đường cùng lúc thì chỉ việc xếp xe cũng đủ chật đường chứ đừng nói đến chuyện di chuyển.
Do đó, biện pháp cơ bản mà Sở GTVT TPHCM nhắc đi nhắc lại trong các báo cáo, kế hoạch kéo giảm tai nạn và ùn tắc giao thông là phải đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông đô thị. Nhưng tình hình chung là giải pháp trên đang “sa lầy” vì quá nhiều dự án trọng điểm đang “tắc” vì vướng mặt bằng.
Đầu tiên phải kể đến dự án xây dựng tuyến Metro số 1. Tính đến nay dự án đã chậm tiến độ so với kế hoạch ban đầu khoảng hai năm do giải phóng mặt bằng mãi không xong. UBND TP đã hàng chục lần hối thúc nhưng đến nay vẫn chưa hoàn tất.
Tuyến Xô Viết Nghệ Tĩnh - cầu Bình Triệu - Quốc lộ 13 là 1 trong 2 cửa ngõ quan trọng nhất của TPHCM. Dự án mở rộng QL 13 đã được đề ra cách đây 10 năm nhằm tăng năng lực lưu thông trên tuyến đường này. Thế nhưng, sau nhiều lần đổi chủ, đến nay dự án mới rục rịch khởi động thì chủ đầu tư đã than khó vì vướng khâu giải phóng mặt bằng, việc chính thức khởi công thực hiện dự án chưa biết đến bao giờ.
Ngày 21/2 vừa qua, khi đoàn đại biểu HĐND TP giám sát dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội, chủ đầu tư dự án cũng than vãn về tiến độ bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công quá chậm. Khi báo cáo với đoàn giám sát về thời gian hoàn thành bất cứ hạng mục nào của dự án, chủ đầu tư đều ghi chú thêm một câu “với điều kiện được bàn giao toàn bộ mặt bằng vào tháng…”.
Thậm chí, dự án xây dựng nút giao thông Thủ Đức là một dự án trọng điểm của TP nhằm kéo giảm ùn tắc ở khu vực cửa ngõ TP, đã được Sở GTVT kêu gọi đầu tư lâu nay nhưng chưa có nhà đầu tư nào tham gia. Lý do là nhà đầu tư nào cũng ngán công tác giải phóng mặt bằng.
Rõ ràng giải phóng mặt bằng là nguyên nhân cốt yếu gây ra “ùn tắc” các dự án xây dựng công trình hạ tầng giao thông đô thị. Nguyên nhân này đã được chẩn đoán ra từ hàng chục năm trước nhưng đến nay vẫn chưa có phương thuốc đặc trị. Và cùng với đó là vấn nạn ùn tắc giao thông ngày càng trầm trọng cũng đeo đẳng suốt 10 năm qua.
(Theo Dân trí)