TP.HCM đang chịu ảnh hưởng của đợt triều cường cao nhất từ trước đến nay khiến nhiều tuyến đường ngập nặng, đê bao bị vỡ.
TP.HCM đang chịu ảnh hưởng của đợt triều cường cao nhất từ trước đến nay khiến nhiều tuyến đường ngập nặng, đê bao bị vỡ.
Ngập khắp nơi
Từ tối 27.10, hàng loạt tuyến đường trên địa bàn TP bị ngập do triều cường, có nơi ngập sâu hơn nửa mét. Triều cường đúng vào giờ tan tầm nên giao thông bị hỗn loạn, ùn tắc xảy ra nhiều nơi. Tại Q.Bình Thạnh, nhiều tuyến đường ngập từ 20 cm - 50 cm như Ngô Tất Tố, Nguyễn Hữu Cảnh, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Bùi Hữu Nghĩa, Đinh Tiên Hoàng. Tại Q.2, các đường Lương Định Của, Xa lộ Hà Nội, Quốc Hương ngập gần 40 cm. Tại Q.8, Q.6, Q.Bình Tân cũng có nhiều tuyến đường bị ngập gần 50 cm như Bến Phú Định, Lò Gốm, Hồ Học Lãm… Tại Q.7, các đường Lý Phục Man, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Thị Thập, Trần Xuân Soạn, đường số 10, đường số 7... nhiều chỗ bị ngập hơn nửa bánh xe gắn máy, nước tràn vào nhà dân.
Anh Nguyễn Ngọc Thành, ngụ đường Huỳnh Tấn Phát, P.Phú Mỹ, Q.7, cho biết: “Đây là đợt triều cường gây ngập nặng nhất tại khu vực này trong cả chục năm qua. Nước từ các con rạch tràn vào nhà dân từ chiều tối, đến sáng hôm sau mới rút dần”.
Ông Nguyễn Minh Giám, Phó giám đốc Đài khí tượng thủy văn Nam bộ, cho biết triều cường cuối tháng 10.2011 diễn biến rất phức tạp. Mực nước thực đo sáng 27.10 tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn 1,51m, vượt mức báo động 3 (1,50m). Đỉnh triều cuối tháng 10 có mực nước tại trạm Phú An lên cao 1,57m vào ngày 28.10, cao hơn so với đỉnh triều lịch sử năm 2009 (1,56m). Trong một diễn biến khác, ngày 27.10, triều cường đã làm vỡ một đoạn bờ bao thuộc nhánh sông Sài Gòn đoạn qua P.Linh Đông, Q.Thủ Đức. Theo UBND P.Linh Đông, đoạn đê bao bị vỡ dài 3m khiến hàng chục căn nhà bị ngập gần 1m. Chính quyền địa phương phải huy động các lực lượng tại chỗ tiến hành khắc phục hậu quả. Đến sáng 28.10, nhiều tuyến đường và nhà dân tại phường này vẫn còn ngập sâu.
Lắp van, huy động máy bơm
Ngày 30.10, thạc sĩ Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý thoát nước thuộc trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM, cho biết về giải pháp cấp bách trước mắt, đến nay trung tâm đã lắp đặt được 511 van ngăn triều tại các cửa xả. Trung tâm đang tiếp tục rà soát các cửa xả thuộc những dự án mới hoàn thành để lắp van đồng bộ. Trung tâm đã xây dựng các bờ kè, tường ngăn triều tại những khu vực trũng thấp, có nguy cơ nước tràn gây ngập như khu vực đường Huỳnh Tấn Phát, quốc lộ 50, Thảo Điền… Bên cạnh đó, TP đã cho vận hành 50 máy bơm cố định và di động với công suất từ 200 -4.000 m3/giờ để bơm nước xâm nhập; 2 trạm bơm cố định với quy mô lớn tại khu vực Thanh Đa (Q.Bình Thạnh) và Mễ Cốc (Q.8). Ngoài ra, cuối tháng 9, UBND Q.8 đã khởi công xây dựng bờ kè tạm để chống ngập tại P.15, P.16, dự kiến hoàn thành trong năm nay. Trung tâm sẽ thường xuyên kiểm tra các cửa van, không để kẹt rác làm hở van, nước rò rỉ xâm nhập.
Trong đợt triều cao, trung tâm đã nâng cao trình tường chắn, lắp đặt phay chặn tại các vị trí ngập do triều, cải tạo miệng thu hầm ga ngăn triều; lắp van ngăn triều tạm tại cửa xả đường Phan Đình Phùng (Q.Phú Nhuận), Bùi Hữu Nghĩa (Q.Bình Thạnh); nâng cao trình tường chắn bị tràn đường Thảo Điền, đường Quốc Hương (Q.2); lắp đặt phay chặn tại các vị trí ngập do triều trên đường Hoàng Diệu, Đoàn Văn Bơ, Vĩnh Khánh, Calmette (Q.4, Q.1); cải tạo miệng thu hầm ga ngăn triều đường Hà Huy Giáp (Q.12) để giải quyết ngập cho các hẻm dọc hai bên đường.
Tuy nhiên, theo trung tâm, công tác chống ngập do triều tại TP.HCM đang gặp nhiều khó khăn. Kênh, rạch bị xây cất lấn chiếm nhiều nơi khiến việc nạo vét không thể thực hiện được. Giải pháp lắp đặt bơm ứng cứu, xây tường chắn ngăn triều cường cho khu vực đường Phạm Thế Hiển, Huỳnh Tấn Phát… bị người dân ngăn cản.
Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân đã chỉ đạo trung tâm và các cơ quan chức năng tập trung kiểm tra, rà soát các đoạn bờ bao, cống xung yếu, các dự án thủy lợi, cải thiện môi trường, giao thông, tiêu thoát nước trên địa bàn để chủ động gia cố, hạn chế sụp lún, tràn, bể bờ bao, gây ngập úng.
(Theo Thanh Niên)