Hà Nội đã có kế hoạch tham vọng là đến đầu năm 2008 xây dựng một hệ thống hơn 126 chợ mới trên nền chợ cũ. Đồng thời xóa dần toàn bộ chợ cóc, chợ tạm. Tuy nhiên, cách giải bài toán chợ của Hà Nội vẫn khá rối.
Hà Nội đã có kế hoạch tham vọng là đến đầu năm 2008 xây dựng một hệ thống hơn 126 chợ mới trên nền chợ cũ. Đồng thời xóa dần toàn bộ chợ cóc, chợ tạm. Tuy nhiên, cách giải bài toán chợ của Hà Nội vẫn khá rối.
Sáng 6/11, tại chợ Hàng Da, khu chợ sắp bị đập bỏ để xây dựng một trung tâm thương mại hiện đại kết hợp với chợ truyền thống. Theo lịch dự kiến, nơi đây sẽ được khởi công vào quý 2/2008, nhưng đến nay hầu hết tiểu thương tại chợ vẫn còn lơ mơ bởi họ không nắm được thông tin liên quan đến việc tái bố trí kinh doanh, phương án đầu tư, góp vốn xây dựng chợ... Một số hộ kinh doanh hoang mang vì đã đổ hàng chục lượng vàng mới thuê được một kiôt tại chợ, sau này chợ mới hoàn thành không biết “số phận” mình sẽ ra sao.
Không chỉ tiểu thương tại chợ Hàng Da, nhiều chủ kinh doanh ở các khu chợ sắp được cải tạo lại như chợ Mơ, chợ Hôm - Đức Viên… cũng lo lắng không biết quyền lợi của mình có được đảm bảo sau khi chợ mới xây dựng hoàn thành. Theo nhiều hộ kinh doanh tại các chợ nói trên, đa số tiểu thương đều thống nhất việc xây mới, cải tạo các chợ. Tuy nhiên, việc xây chợ thành các trung tâm thương mại hay siêu thị hiện đại cần xem xét kỹ lưỡng bởi thực tế cho thấy quá nhiều chợ hiện đại, khang trang nhưng bỏ không vì không thuận tiện cho việc buôn bán, kinh doanh. Chẳng hạn như Trung tâm thương mại Ô Chợ Dừa xây mới to, đẹp nhưng vắng hoe vì tiểu thương không muốn vào kinh doanh.
Ông Nguyễn Mạnh Hoàng, giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, cho biết việc nâng cấp chợ cũ thành trung tâm thương mại được tiến hành theo chủ trương xã hội hóa của thành phố. Tức là thay vì bỏ tiền thành phố sẽ kêu gọi các chủ đầu tư bỏ vốn xây dựng khai thác chợ. Bỏ tiền đầu tư, chủ doanh nghiệp sẽ phải chọn phương án đầu tư có lợi nhất cho mình như kết hợp xây chợ với trung tâm thương mại hoặc hệ thống văn phòng cho thuê để phục vụ nhu cầu thị trường.
Tuy nhiên, đây chính là rắc rối bởi theo yêu cầu của thành phố, chủ đầu tư phải bố trí cho các hộ kinh doanh tại tầng một và tầng hai khi chợ mới xây xong. Song hầu hết các chợ cần xây dựng mới trên địa bàn thì kinh doanh thập cẩm, ngoài quần áo và một số hàng hóa dễ chấp nhận khi ở gần văn phòng cho thuê, còn lại toàn các quầy bán thịt, cá, rau... rất lạc điệu với mô hình “chợ kết hợp với văn phòng cho thuê”. Đây là yếu tố khiến doanh nghiệp không mấy mặn mà với việc đầu tư xây chợ. Ngoài ra, những phát sinh giữa chủ đầu tư và các hộ dân kinh doanh tại tầng một và hai sẽ rất khó giải quyết. Vì phần lớn các hộ kinh doanh tại chợ cũ đều có nhiều năm gắn bó. Chợ mới xây lên, chỗ ngồi khác đi, giá thuê ki-ốt cũng khác, sẽ nảy sinh mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và tiểu thương.
Theo Sở Thương mại Hà Nội, đến đầu năm 2008 Hà Nội sẽ có 126 chợ được đầu tư nâng cấp thành các trung tâm thương mại theo chủ trương xã hội hóa. Riêng năm 2007, Hà Nội đã triển khai 27 dự án đầu tư xây dựng, cải tạo chợ, với tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng. Trong đó, chợ Cửa Nam sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2009; chợ 19/12, chợ Hàng Da sẽ khởi công vào quý 2/2008; chợ Đuôi Cá, chợ Mơ dự kiến khởi công vào quý 1/2008… Trong tổng số 126 chợ được đầu tư, nội thành có 65 chợ, ngoại thành 61 chợ. | |
Chính vì những khó khăn trên, vừa qua UBND thành phố đã phê duyệt 13 dự án đầu tư xây dựng nâng cấp chợ cũ thành chợ mới để tổ chức mời doanh nghiệp đấu thầu. Tuy nhiên, đến thời điểm này tiến độ chuẩn bị công tác đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư còn lúng túng, mặc dù hầu hết cơ sở hạ tầng các khu chợ cũ trên địa bàn thành phố đã xuống cấp nghiêm trọng, không đáp ứng được yêu cầu về văn minh thương mại, vệ sinh môi trường và phòng chống cháy nổ.
Theo Sở Thương mại Hà Nội, từ đầu năm 2007 đến nay Hà Nội đã giải tỏa được 25 chợ cóc, chợ tạm. Tuy nhiên cứ giải tỏa chỗ này thì chỗ kia lại phình ra, nhiều chợ tạm chưa được xóa triệt để. Để xóa bỏ triệt để chợ cóc, chợ tạm, Sở Thương mại Hà Nội đã vạch hàng loạt phương án như đưa hộ buôn bán nhỏ lẻ về các khu chợ mới cải tạo; nâng cao hiệu quả của các trung tâm thương mại, chợ mới xây… Tuy nhiên, tất cả phương án trên hiệu quả đều chưa cao. Cụ thể như một số chợ mới, trung tâm thương mại xây mới từ chợ cũ như: chợ đầu mối Đền Lừ, chợ đầu mối Hải Bối, chợ đầu mối Bắc Thăng Long, Trung tâm thương mại Ô Chợ Dừa… đang vắng hoe vì không thu hút được các hộ kinh doanh do địa điểm không thuận lợi, qui hoạch và thiết kế không hợp lý.
Bài toán chợ của Hà Nội vẫn đang rối như mớ bòng bong vì chợ cóc, chợ tạm chờ chợ mới. Chợ mới vắng khách, còn hàng loạt trung tâm thương mại sắp xây mới từ nền chợ cũ vẫn chưa thu hút được chủ đầu tư.
(Theo Tuổi Trẻ)