Trong năm 2012-2013, ở TT-Huế nhiều dự án nhà ở liền kề ở các khu đô thị mới, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội... chỉ bán cầm chừng...
Trong năm 2012-2013, ở TT-Huế nhiều dự án nhà ở liền kề ở các khu đô thị mới, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội... chỉ bán cầm chừng, mặc dù giá cả nhà ở, đất ở vẫn không tăng so với năm 2011, có những dự án giảm hơn 30%. Một số lượng khách hàng có nhu cầu mua BĐS nhỏ lẻ, chủ yếu giao dịch tự phát trong dân không qua sàn.
Tồn khó nhiều căn hộ, đất nền...
Trên địa bàn tỉnh có 9 sàn giao dịch BĐS, các DN kinh doanh BĐS thời gian qua hầu như không có sản phẩm căn hộ giao dịch trên thị trường. Nhà ở thu nhập thấp ở các khu chung cư đã hoàn thành và đang trong quá trình triển khai có trên 1.000 căn hộ nhưng chưa có người đăng ký mua. Số nhà ở thương mại tại TP Huế tồn kho gần 200 căn với giá trị vốn tồn kho ước trên 300 tỷ đồng. Ngoài ra, hàng nghìn m2 đất nền của các DN chưa thể bán được.
Trong đó, ở Khu chung cư Bãi Dâu do Cty CP Kinh doanh nhà TT- Huế làm chủ đầu tư đã hoàn thành 61 căn hộ, với 4.042m2 mặt sàn đã hoàn thành gần hai năm đến nay vẫn chưa bán được. Khu ĐTM An Cựu City do Cty CP Đầu tư IMG Huế làm chủ đầu tư, hiện còn 58 căn hộ nhà ở liền kề nhưng chỉ giao dịch cầm chừng. Khu nhà ở An Đông (P.An Đông) do Cty CP Đầu tư An Đông làm chủ đầu tư xây dựng 44 căn hộ, với tổng diện tích sàn là 7.900m2 vẫn chưa bán được. Khu ĐTM Mỹ Thương do TCty CP Xây dựng Điện Ảnh Việt Nam làm chủ đầu tư đã xây dựng 28 căn hộ mới hoàn thành phần thô đã bỏ hoang gần 1 năm nay. Cty CP Xây dựng và Phát triển nhà Vicoland trong 2 năm qua chỉ bán được 201 căn hộ nhà ở thu nhập thấp tại chung cư KV4 (P.Xuân Phú, TP Huế). Ngoài ra, ở Khu ĐTM Đông Nam Thủy An do Cty CP Đầu tư và Xây dựng làm chủ đầu tư vẫn còn tồn đọng
Tiếp xúc với PV, một số DN cho rằng, việc tiếp cận nguồn vốn vay để đẩy nhanh dự án đầu tư rất khó khăn nên một số dự án tiến độ cầm chừng, tạm dừng thi công, ngoài ra người dân thiếu thông tin và khó khăn trong tiếp cận vốn vay ưu đãi mua nhà ở xã hội theo chủ trương của Chỉnh phủ. Chưa kiên quyết bố trí những đối tượng tái định cư vào các căn hộ chung cư, chưa kích thích nhu cầu mua nhà ở xã hội, nhà thương mại… đã gây ảnh hưởng đến thị trường BĐS.
Cần có chính sách giải cứu
Ông Lê Quang Dũng - Phó giám đốc Sở Xây dựng TT-Huế cho biết, để cứu thị trường BĐS, trước hết phải tạo điều kiện cho DN được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi; Tiếp tục gia hạn nộp thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng; Giãn nợ, khoanh nợ, lập quỹ tín thác BĐS; Khấu trừ thuế, miễn lệ phí trước bạ... Ngoài ra, cần rà soát các dự án phát triển nhà ở để phân loại các dự án được tiếp tục thực hiện, dự án tạm dừng, dự án cần điều chỉnh cơ cấu loại hình nhà ở, chuyển đổi sang phát triển nhà ở xã hội cho phù hợp nhu cầu thị trường nhằm giải quyết tồn động sản phẩm BĐS. Một số dự án phát triển nhà ở hầu hết mới triển khai xây dựng phần hạ tầng, nhà ở liền kề, nhà ở biệt thự chưa triển khai xây dựng nhà cao tầng, các DN cần nghiên cứu chuyển đổi một phần nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội để tiếp cận được vốn ưu đãi...
Trong cuộc họp tháo gỡ khó khăn thị trường BĐS trên địa bàn tỉnh mới đây, ông Phan Ngọc Thọ - Phó chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, cơ quan quản lý nhà nước, ngân hàng và DN cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách ưu đãi mua nhà ở xã hội, đồng thời hướng dẫn thủ tục cho người dân. Rà soát, cải cách thủ tục hành chính nhanh gọn, đầy đủ đến việc giao đất, xây dựng quy hoạch, giải phóng mặt bằng, cấp chứng nhận đầu tư, cấp chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử dụng nhà ở. Cần nghiên cứu cung cầu nhà ở xã hội trên địa bàn TP Huế để có phương án hợp lý về lâu dài. Quy hoạch vị trí nhà ở xã hội phải thuận lợi và có giải pháp quy hoạch kiến trúc phù hợp. Ngoài ra, Sở Xây dựng cần nghiên cứu đề xuất quy định bố trí những đối tượng bắt buộc phải nhận nhà ở xã hội đối với những dự án giải tỏa trên địa bàn TP Huế.
Theo Baoxaydung