Câu chuyện xây dựng một tượng đài có quy mô lớn nhất Đông Nam Á hiện nay tại tỉnh Quảng Nam, với số tiền dự kiến khoảng trên 410 tỉ đồng (gấp 5 lần số tiền dự kiến khi lập dự án ban đầu) đang tạo ra nhiều luồng suy nghĩ, dư luận khác nhau trong xã hội.
Bên cạnh ý chí “làm bằng được” của các nhà lãnh đạo địa phương và một số nhà quản lý lĩnh vực tượng đài, vẫn còn rất nhiều băn khoăn, ưu tư theo hướng đã thực sự tối ưu chưa khi lựa chọn giải pháp ghi công trạng bằng công trình tượng đài vĩ đại nhất khu vực.
Trong tình cảnh đất nước và nhân dân còn nghèo, còn phải đối mặt với rất nhiều thách thức về kinh tế, tài chính như hiện tại thì âu lo trước con số trên 410 tỉ đồng cho một tượng đài là điều cần được trân trọng và chia sẻ.
Nhưng, có vẻ như tiền bạc tốn kém nhiều cũng chỉ mới là một phần nhỏ của nỗi âu lo, nhiều nhà chuyên môn có vị trí cao trong học thuật, giàu tâm huyết với đất nước khuyến cáo rằng, trên thế giới hiện không còn quốc gia nào làm tượng đài ngoài trời kiểu quy mô vĩ đại và nhiều công năng kết hợp như đang dự định làm ở Quảng Nam cả.
Nhiều ý kiến cho rằng không hoặc chưa nên làm tượng đài này vội, mà nên để lùi lại, cùng với thời gian và lắng nghe ý dân. Con số chỉ có 5,3% ý kiến độc giả VnExpress.net đồng ý xây tượng đài ở Quảng Nam cho thấy lòng dân lúc này. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam vẫn quyết tâm xin vốn từ trung ương, và nếu không cũng sẽ huy động nguồn lực “xã hội hoá” từ doanh nghiệp (DN) để làm tượng đài.
Chiều 26.9, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã khẳng định: “Không có vốn xây tượng mẹ anh hùng vào lúc này, trong điều kiện kinh tế khó khăn, nguồn vốn trung ương chỉ tập trung cho các công trình thực sự cấp bách, mang lại hiệu quả kinh tế; và dù đây là một công trình có ý nghĩa giáo dục, lịch sử rất quan trọng thì việc tiến hành dự án phải đúng theo quy định pháp luật về đầu tư xây dựng”. Đó là câu trả lời rõ ràng và không thể không có trong bối cảnh này.
Cách đây chừng 5 năm, lễ khởi công xây dựng một tượng đài hoành tráng bên dòng sông Thạch Hãn (Quảng Trị) đã diễn ra với số tiền hứa ủng hộ từ các DN, doanh nhân lên đến trên 100 tỉ đồng. Nhưng đến nay, công trình vẫn đang là một bãi đất hoang. Xin đừng trách các DN hứa mà không làm. Khi hô số tiền ủng hộ, họ nghĩ đến viễn cảnh được ngân hàng cho vay vốn, được địa phương “cho” công trình, dự án này nọ. Nhưng “miếng bánh” không hề dễ dàng.
Họ cũng đang phải vật lộn với bao khó khăn, thách thức trong làm ăn thời khủng hoảng, không ít người trong số đã hứa làm từ thiện khó tới mức không vay được tiền ngân hàng, phải đi vay nóng bên ngoài thị trường để nuôi người lao động cầm cự qua ngày. Bài học huy động nguồn lực DN xây dựng tượng đài bên sông Thạch Hãn tươi rói và không ít nỗi niềm.
Các cơ quan trung ương không thể để cho tình trạng xã hội hoá xây dựng tượng đài bát nháo, bất chấp quy hoạch và pháp luật về đầu tư xây dựng như hiện nay. Vì xét cho cùng, tiền từ DN đóng góp cũng là tiền của nhân dân, của đất nước.
(Theo Lao động)