Xe để dưới lòng đường, trên vỉa hè, hàng rong bán lấn chiếm vỉa hè,
người đi bộ phải len lỏi qua xe cộ đỗ theo kiểu "ngẫu hứng"… Đó là hình
ảnh xuất hiện không ít trên các tuyến phố được treo biển "tuyến phố văn
minh đô thị". Khảo sát thực tế, chúng tôi nhận thấy phần lớn các tuyến
phố văn minh đô thị không đáp ứng đúng tiêu chí đã đề ra.
Xe để dưới lòng đường, trên vỉa hè, hàng rong bán lấn chiếm vỉa hè, người đi bộ phải len lỏi qua xe cộ đỗ theo kiểu "ngẫu hứng"… Đó là hình ảnh xuất hiện không ít trên các tuyến phố được treo biển "tuyến phố văn minh đô thị". Khảo sát thực tế, chúng tôi nhận thấy phần lớn các tuyến phố văn minh đô thị không đáp ứng đúng tiêu chí đã đề ra.
Nhếch nhác ở tuyến phố văn minh
Tuyến phố Hàng Gai, Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm là hai trong số rất nhiều tuyến phố được gắn biển tuyến phố văn minh đô thị. Buổi sáng, mấy chiếc xe đạp bán hàng rong vẫn thủng thẳng dạo trên phố. Thỉnh thoảng người ta bắt gặp những chiếc xe máy dựng dưới lòng đường. Trong các cửa hàng mặt phố, một nửa chiếc xe máy đặt ở vỉa hè, một nửa đầu xe nằm phía bên trong cửa hàng.
Nhìn rộng ra toàn tuyến phố, ai cũng nhìn thấy cảnh lộn xộn, không đảm bảo yếu tố mỹ quan cho một tuyến phố văn minh đô thị. Trong khi đó, tiêu chí tuyến phố văn minh đô thị là phải đảm bảo các tiêu chí về hạ tầng giao thông đô thị và hoạt động kinh doanh thương mại. Cụ thể, trên các tuyến phố này không để xe đạp, xe máy, lấn chiếm vỉa hè kinh doanh, bán hàng rong, đeo bám khách, vứt rác bừa bãi ra đường phố. Hằng ngày, trên các tuyến phố này đều có lực lượng Công an và dân phòng đi kiểm tra, xử lý vi phạm. Tuy nhiên, khi lực lượng này đi khỏi thì người dân lại tái phạm.
Tuyến đường Hàng Ngang, Hàng Đào là khu vực buôn bán sầm uất, khách mua buôn, mua lẻ luôn nhộn nhịp cả con phố. Cũng bởi tính chất đặc trưng ấy mà đây cũng là tuyến phố có lượng người vi phạm cao. Tình trạng để xe dưới lòng đường, trên vỉa hè để tranh thủ mua bán diễn ra khá nhiều. Thậm chí, những người bán hàng rong, bán đồ ăn còn ngồi tại vỉa hè tiếp giáp lòng đường, gây mất thẩm mỹ cho tuyến phố. Lực lượng Công an, dân phòng cũng thường xuyên đi kiểm tra, xử lý vi phạm. Nhưng việc xử lý chỉ như ném đá ao bèo. Khi lực lượng Công an đi qua, khách hàng mới đến lại vi phạm. Bởi vậy mà hàng ngày lực lượng Công an phường phải tuần tra nhiều lần để giữ gìn trật tự tại khu vực này.
Phố Sơn Tây có nhiều cửa hàng bán hàng thời trang. Đây là điểm thu hút khá nhiều khách tới mua hàng. Dù không được để xe trên vỉa hè, dưới lòng đường nhưng nhiều cửa hàng vẫn hướng dẫn khách để xe trên vỉa hè.
Đường Xuân Thủy thuộc quận Cầu Giấy đã có quy định cấm đỗ xe dưới lòng đường, vỉa hè. Nhưng, để tiện lợi, người dân vẫn tranh thủ để xe trên vỉa hè hoặc dừng tạm dưới lòng đường. Đây là lỗi vi phạm chủ yếu tại các tuyến phố này. Tuyến đường này cũng là nơi thường xuyên xuất hiện người bán hàng rong. Khi lực lượng chức năng có mặt để xử lý vi phạm thì người bán hàng rong chuyển vào các ngõ nhỏ. Sau đó, họ lại tràn ra lòng đường, vỉa hè bán hàng.
Trung tá Nguyễn Quang Khải, Đội phó CSGT - Trật tự - Phản ứng nhanh, Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, quận Cầu Giấy có 3 tuyến phố gắn biển văn minh đô thị là Xuân Thủy, Cầu Giấy và Trần Duy Hưng. Hàng ngày các tổ công tác của Đội vẫn đi trên các tuyến phố phạt vi phạm. Lỗi vi phạm của người dân chủ yếu là để xe đạp, xe máy trên vỉa hè, đỗ ôtô dưới lòng đường. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng lại kiêm nhiệm nhiều phần việc nên không thể xử lý triệt để được.
Nên rà soát lại
Chị Lan, một khách hàng đến cửa hàng thời trang trên phố Hàng Bông dựng xe dưới lòng đường rồi chạy ào vào trong, vội vội vàng vàng xem hàng rồi lại chạy ra xe. Lý giải việc không tìm chỗ gửi xe, chị cho biết: "Tôi chỉ liếc qua một tí thôi, đi tìm chỗ gửi xe thì lâu lắm. Mà lúc nãy đi qua bãi xe cũng chật hết cả rồi".
Cách đó một đoạn, trên phố Hàng Gai có điểm đỗ xe, nhưng xe máy đã để tràn cả ra ngoài vạch sơn. Nhu cầu gửi xe quá lớn, trong khi điểm đỗ lại hạn hẹp. Một điểm đỗ xe nữa nằm trên phố Quán Sứ phía sau Bệnh viện K. Đây là nơi để xe cho một số cơ quan Nhà nước và khách vãng lai. Tuy nhiên, địa điểm đỗ xe này cũng có hạn, người đi xe lại lười đi bộ đến nơi cần giao dịch nên họ không đến gửi xe mà tranh thủ đỗ "tạm" dưới lòng đường.
Nếu điểm qua dọc tuyến phố Hàng Gai, Hàng Bông và "nhặt" xe dựng rải rác trên vỉa hè, lòng đường đưa về các điểm trông giữ xe theo quy định thì e rằng không đủ chỗ chứa xe. Đó là điểm hạn chế khi triển khai thực hiện tuyến phố văn minh đô thị.
Quyết định số 2053/QĐ-UB của UBND TP Hà Nội quy định 56 tuyến phố cấm để ôtô, xe máy trên vỉa hè, dưới lòng đường. Trong đó có 13 tuyến phố của quận Hoàn Kiếm, 10 tuyến phố quận Đống Đa, 24 tuyến phố quận Ba Đình, 3 tuyến phố quận Cầu Giấy, 2 tuyến phố thuộc quận Hai Bà Trưng và 2 tuyến phố quận Thanh Xuân. Mặc dù danh mục các tuyến phố đã được tuyên truyền sâu rộng nhưng vẫn còn tình trạng vi phạm. Cơ quan chức năng cũng chưa xử lý triệt để được do ý thức của người dân.
Nói về hiệu quả của tuyến phố văn minh đô thị, Trung tá Nguyễn Quang Khải cũng nêu quan điểm do chưa có tổng kết đánh giá nên chưa biết hiệu quả của tất cả các tuyến phố văn minh đến đâu. Thành phố nên tổ chức sắp xếp lại hợp lý các tuyến phố. Có thể quy định chặt chẽ khoảng cách giữa mép hè với điểm để xe chứ không nhất thiết phải cấm như hiện nay.
Sau một thời gian triển khai thực hiện các tuyến phố văn minh đô thị, không để xe, không kinh doanh trên vỉa hè, có nhiều tuyến phố đáng ghi nhận về sự thông thoáng cũng như đảm bảo yếu tố mỹ quan đô thị như tuyến phố Tràng Tiền, Hàng Khay…Tuy nhiên, trước tình trạng vi phạm khá phổ biến trên nhiều tuyến phố hiện nay, ngoài việc tăng cường xử lý vi phạm, TP Hà Nội cần khảo sát lại để đánh giá và sắp xếp lại cho hợp lý, để vừa thuận lợi cho người dân, đảm bảo mỹ quan đô thị và an ninh trật tự tại mỗi tuyến phố.
(Theo CAND)