Thông qua xây dựng cơ sở dữ liệu đô thị quốc gia, Cục Phát triển đô thị (UDA) và các địa phương trong cả nước có thể quản lý hiệu quả sự phát triển đô thị trong tương lai. Đây là vấn đề trọng tâm được thảo luận tại buổi làm việc giữa UBND TP Cần Thơ với đoàn chuyên gia của UDA thuộc Bộ Xây dựng tổ chức ngày 27/3.
Theo đó, UDA sẽ thiết kế, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị quốc gia. Đây là công cụ quan trọng để ra các quyết sách phát triển đô thị ở cấp quốc gia và địa phương. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị quốc gia thuộc dự án “Hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ Xây dựng để thực hiện chương trình nâng cấp đô thị quốc gia và điều phối dự án nâng cấp đô thị vùng ĐBSCL” do UDA chịu trách nhiệm về mặt Nhà nước và được Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ.
Tại buổi làm việc, PGS.TS Vũ Thị Vinh - Tư vấn trưởng thực hiện xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị quốc gia, cho biết hệ thống có 91 chỉ tiêu, trong đó 47 chỉ tiêu thuộc lộ trình A được thực hiện trong năm nay, 22 chỉ tiêu thuộc lộ trình B sẽ được thực hiện trong 2 năm tiếp theo sau lộ trình A, và lộ trình C có 22 chỉ tiêu, sẽ được thực hiện trong hai năm sau lộ trình B. Để thực hiện đầy đủ bộ chỉ tiêu này phải mất 5 năm nữa”.
Các chỉ tiêu của lộ trình A gồm mật độ dân số khu vực nội thành (người/km2), diện tích đất đô thị (km2), tỷ lệ diện tích đất giao thông/diện tích đất đô thị, tỷ lệ thu ngân sách so với chi ngân sách trên địa bàn, tỷ lệ người có việc làm/lực lượng lao động của đô thị, tỷ lệ thất nghiệp của đô thị, diện tích nhà ở bình quân đầu người...
Trong số 47 chỉ tiêu của lộ trình A sẽ có 27 chỉ tiêu có thể thu thập được từ số liệu thống kê cấp tỉnh và huyện. Đối với các chỉ tiêu còn lại của lộ trình A, có những chỉ tiêu mới liên quan đến quản trị đầu tư, môi trường và về mặt biến đổi khí hậu…, có thể gặp khó khăn trong thu thập dữ liệu.
Theo bà Vinh, sau TP Cần Thơ, UDA tiếp tục khảo sát, thu thập dữ liệu ở các địa phương còn lại để đạt con số 20 đô thị. Sau khi khảo sát và thu thập dữ liệu ở 20 đô thị này (lộ trình A), bộ chỉ tiêu sẽ được xem xét lại một lần để tìm ra tính chất chung của tất cả các đô thị được khảo sát thí điểm. Từ kết quả đánh giá này, sẽ có hướng nhân rộng ứng dụng bộ chỉ tiêu quản lý đô thị quốc gia trên phạm vi cả nước.
Về phía địa phương, bà Võ Thị Hồng Ánh - Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ, yêu cầu các sở ngành của địa phương phải cung cấp thông tin dữ liệu chính xác. Theo bà, việc cung cấp dữ liệu rất quan trọng, bởi đây là bộ khung để những năm tiếp theo cập nhật số liệu, đánh giá và là cơ sở để ra các quyết định, chứ nếu không sẽ dẫn đến việc ra các quyết định sai lệch.