Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025 do Viện Quy hoạch Xây dựng TPHCM và nhà tư vấn Nhật Bản Nikken Seikei thực hiện đã hoàn thành và đang trình các bộ, ngành thẩm định.
Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025 do Viện Quy hoạch Xây dựng TPHCM và nhà tư vấn Nhật Bản Nikken Seikei thực hiện đã hoàn thành và đang trình các bộ, ngành thẩm định.
Một trong những điểm đặc biệt của đồ án này là đề xuất lập một vành đai xanh bảo vệ cho thành phố và phát triển cây xanh dọc theo trục đường cao tốc.
Theo báo cáo của Viện Quy hoạch Xây dựng TPHCM, ngoài 3 hướng phát triển đã được đề xuất trong quy hoạch chung 1998 (là phía Đông, Nam, Bắc - Tây Bắc), đồ án lần này đề xuất thêm hướng phụ về phía Tây - Tây Nam, gắn kết với các đô thị trong vùng như Biên Hòa và Nhơn Trạch (Đồng Nai), Dĩ An (Bình Dương)... và mở ra không gian phát triển theo hướng hòa nhập, không phụ thuộc ranh giới hành chính, giảm áp lực vào trung tâm nội thành cũ.
Bên cạnh đề nghị không phát triển đô thị trong 33.000 héc ta của khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ và khu rừng đặc dụng phòng hộ trên địa bàn Bình Chánh, Củ Chi, các nhà tư vấn còn xác định việc tạo dựng không gian xanh cho TPHCM.
Ngoài khu công viên cây xanh theo quy hoạch chung 1998, đồ án còn đề xuất hình thành trục xanh cảnh quan mặt nước dọc bờ sông Sài Gòn, Đồng Nai và sông Nhà Bè; hình thành thêm tuyến vành đai xanh ở khu vực phía Bắc (thuộc huyện Hóc Môn), phía Tây (thuộc huyện Bình Chánh) và phía Nam (thuộc huyện Nhà Bè); phát triển mạng lưới cây xanh đô thị dọc theo các trục đường cao tốc.
Một số ý kiến góp ý cho đồ án là vấn đề vị trí vai trò của đô thị TPHCM với các đô thị trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương; vấn đề biến đổi khí hậu, đối mặt và giải quyết vấn đề triều cường, tạo dựng không gian xanh, định hướng hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch sử dụng đất cần đề cập hoặc đề cập sâu hơn trong đồ án.
Đồ án phân chia TPHCM thành 3 vùng, gồm khu nội thành cũ; khu nội thành phát triển và khu vực ngoại thành, đồng thời đề xuất các phương hướng và biện pháp cải tạo chỉnh trang hiện trạng khu nội thành cũ (giữ gìn di sản văn hoá, công trình kiến trúc có giá trị, sắp xếp lại mạng lưới giao thông, giải toả các khu nhà lụp xụp ven kênh rạch, di chuyển các cơ sở gây ô nhiễm…) ưu tiên phát triển khu đô thị mới đồng bộ về hạ tầng.
Hệ thống trung tâm dịch vụ được tổ chức theo hướng đa tâm, ngoài trung tâm hạt nhân và 4 khu vực (khu phía Bắc, phía Đông, phía Tây và phía Nam), còn bổ sung thêm khu đô thị khoa học Đông Bắc thành phố (thuộc quận 9 và Thủ Đức); khu đô thị cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè)… Các khu - cụm công nghiệp cũng sẽ được xem xét, bố trí lại cho phù hợp.
Ngoài định hướng phát triển hạ tầng giao thông, mạng lưới cấp điện, cấp-thoát nước và quản lý việc xử lý thải rắn, nghĩa trang… đồ án còn định hướng cho việc chuẩn bị đất xây dựng, định hướng chiều cao đất xây dựng, đưa ra các quy định về thiết kế đô thị và đánh giá môi trường.
(Theo TBKTSG)