Việc phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp (KKT,
KCN, CCN) tới đây sẽ bị siết chặt hơn. Thủ tướng Chính phủ sẽ có riêng
một chỉ thị về vấn đề này.
Việc phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp (KKT, KCN, CCN) tới đây sẽ bị siết chặt hơn. Thủ tướng Chính phủ sẽ có riêng một chỉ thị về vấn đề này.
Hiện tại, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của các KKT, KCN, CCN vẫn đang trong quá trình dự thảo. Tuy nhiên, theo ông Vũ Đại Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý các KKT (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), một trong những giải pháp mạnh tay để lập lại kỷ cương với hoạt động của các KKT, KCN, CCN, đó là sẽ tạm dừng việc bổ sung quy hoạch, thành lập và mở rộng các KKT, KCN, CCN trong cả nước.
“Chúng tôi cũng đề xuất bao gồm cả việc tạm dừng chuyển đổi các CCN thành các KCN. Thời gian vừa qua, chuyện này được thực hiện tràn lan, không kiểm soát được”, ông Thắng nói và cho biết, việc “tạm dừng” là cần thiết để có thể rà soát, đánh giá toàn diện hoạt động của các KKT, KCN, CCN đã thành lập và có phương án xử lý các KKT, KCN, CCN không hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả, gây lãng phí đất đai và ô nhiễm môi trường. Phương án rút giấy phép, chuyển đổi chủ đầu tư, giảm diện tích hoặc loại bỏ khỏi quy hoạch đối với các KKT, KCN, CCN dạng này là điều đã được tính tới.
Điều quan trọng hơn, theo ông Thắng, sau rà soát, sẽ kiến nghị Thủ tướng để điều chỉnh quy hoạch phát triển các KKT cả nước đến năm 2020 theo hướng tập trung phát triển một số KKT có tiềm năng, lợi thế để sớm phát huy hiệu quả; điều chỉnh diện tích, phân bố lại không gian các KKT phù hợp hơn với yêu cầu, điều kiện phát triển của địa phương và khu vực. Trong khi đó, sẽ loại bỏ, cắt giảm diện tích của các KCN không còn phù hợp với điều kiện thực tế; phát triển KCN theo từng giai đoạn, phù hợp với khả năng thu hút đầu tư; không phát triển KCN trên các khu vực đất trồng lúa năng suất cao, ổn định.
Đề xuất này của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngay lập tức đã nhận được sự đồng thuận của các bộ, ngành. Thậm chí, trước một số ý kiến quan ngại rằng, có nên tạm dừng toàn bộ việc quy hoạch, thành lập các KKT, KCN, CCN, chuyển đổi các CCN thành KCN hay không, bởi điều này có thể “chặn” dòng đầu tư, đại diện của Bộ Tài nguyên và Môi trường còn cho rằng, nên dành hẳn năm 2012 để rà soát lại toàn bộ các KKT, KCN, CCN.
“Kinh tế năm 2012 còn khó khăn, năng lực đầu tư cũng có hạn, do vậy, nên tạm dừng quy hoạch, thành lập các KKT, KCN, CCN hẳn 1 năm để rà soát lại. Rà soát xong thì mới có thể đưa ra định hướng để phát triển tiếp”, vị đại diện này nói.
“Chúng ta sẽ tạm dừng việc thành lập mới các KKT, KCN, CCN trong cả nước để rà soát, đánh giá lại trên tất cả các góc độ, từ không gian kinh tế, quy mô đất, đến liên kết vùng, liên kết ngành…”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung một lần nữa khẳng định quan điểm này và cho biết, việc xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ một phần xuất phát từ những băn khoăn gần đây của dư luận về việc các KKT, KCN, CCN phát triển nhanh về số lượng, dẫn tới một số kết quả không mong muốn, như hiệu quả sử dụng đất không cao, gây ô nhiễm môi trường…
Tuy nhiên, dẫn câu chuyện trong một lần đi khảo sát các KCN tại Dung Quất, rằng có những vùng đất phải mất 80 gánh nước mới được một gánh khoai, và rằng, hầu hết các dự án FDI trong lĩnh vực sản xuất đều tập trung trong các KCN, Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung một lần nữa khẳng định những mặt được của các KKT, KCN sau 20 năm thành lập.
Tất nhiên, với đề xuất này, cả Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài nguyên và Môi trường đều có ý loại trừ 2 KCN chuyên sâu của Nhật Bản, dự kiến được thành lập tại Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu.
“Chỉ trừ trường hợp đặc biệt này, còn lại, phải có thông điệp rõ ràng, để tất cả các bộ, ngành, địa phương được biết, không xem xét, đề xuất việc bổ sung quy hoạch, thành lập mới các KKT, KCN, CCN”, vị đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường thẳng thắn bày tỏ quan điểm và cho rằng, cùng với việc “thiết quân luật” với việc quy hoạch, thành lập các KKT, KCN, CCN, phải tăng cường hơn nữa công tác bảo vệ môi trường tại đây.
Theo vị này, các chủ đầu tư phải tuyệt đối tuân thủ và đảm bảo hoạt động đầy đủ như nội dung đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. “Phải xử lý cương quyết các vi phạm về bảo vệ môi trường”, vị này nói.
Quan điểm của cơ quan quản lý về tài nguyên và môi trường đã nhận được sự đồng thuận rất lớn từ các bộ, ngành khác. Theo các bộ này, các văn bản pháp lý hiện hành đã đủ để có “vòng kim cô” cho các KKT, KCN, CCN hoạt động, vấn đề là thực thi như thế nào mà thôi. Và rằng, chỉ cần thực hiện nghiêm túc Nghị định 29/2008/NĐ-CP thì cũng đủ để lập lại kỷ cương đối với việc quy hoạch, thành lập, cũng như quản lý các KKT, KCN, CCN.
Bên cạnh đó, việc quản lý các dự án đầu tư vào KKT, KCN, CCN cũng sẽ được thắt chặt hơn trong thời gian tới. Phương án thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án không triển khai, hoặc triển khai xây dựng nhà xưởng chậm tiến độ, xin gia hạn nhiều lần; đôn đốc đã được đề xuất. Tương tự như vậy là các biện pháp xử lý kiên quyết các dự án hoạt động kém hiệu quả, không tuân thủ quy định của pháp luật.
(Theo VIR)