Tại nhiều sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn thành phố, lượng khách Việt ở nước ngoài về tìm mua nhà ngày một nhiều. Đa số kiều bào thích đầu tư vào nhà và đất ở các đô thị lớn phía Nam, điển hình là tại TP HCM.
Tại nhiều sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn thành phố, lượng khách Việt ở nước ngoài về tìm mua nhà ngày một nhiều. Đa số kiều bào thích đầu tư vào nhà và đất ở các đô thị lớn phía Nam, điển hình là tại TP HCM.
Trong quý I, sàn giao dịch bất động sản Hoàng Quân, đã có 10 khách hàng là Việt kiều, bằng tổng giao dịch cùng loại trong nhiều năm qua. Họ chủ yếu tìm kiếm nhà biệt thự ven sông hoặc ven đô. Tương tự, công ty TNHH Xây dựng, Đầu tư và Phát triển Lĩnh Phong Conic, cho biết, khách hàng Việt kiều của doanh nghiệp chiếm 10%, tỷ lệ cao nhất từ trước tới nay.
Trước nhu cầu đang tăng, nhiều dự án nhà biệt thự tại TP HCM đã đặc biệt chú trọng đến thị phần căn hộ bán cho kiều bào nhưng dường như không đủ. Chẳng hạn, khu dân cư Intresco gần khu đô thị Nam Sài Gòn gồm 121 căn biệt thự, có 28 biệt thự Việt kiều đã được bán hết từ lâu.
Trợ lý Phó tổng giám đốc công ty địa ốc Hoàng Quân, ông Đoàn Minh Trị Quốc nhận định, số kiều bào giao dịch nhà đất thành công rất khiêm tốn trên tổng số hàng trăm giao dịch trong nhiều năm qua, nhưng tiềm năng này sẽ được phát triển trong tương lai nếu điều kiện mua nhà cho Việt kiều ngày một dễ hơn.
Tính đến nay, theo thống kê của Trung tâm thông tin Tài nguyên Môi trường TP HCM có 70 trường hợp bán cho Việt kiều, con số lớn nhất trong cả nước.
Khác với TP HCM, tại Hà Nội hầu như vẫn chưa có Việt kiều mua nhà. Theo bà Nguyễn Thị Tường Loan, Phó giám đốc Văn phòng đăng ký Nhà và Đất thuộc Sở Tài nguyên môi trường và Nhà đất Hà Nội, trong vài năm trở lại đây, trên địa bàn thành phố chỉ có 2 trường hợp Việt kiều mua nhà. Hàng năm nay, bà chưa nhận được hồ sơ mua nhà nào của kiều bào.
Ngay các khu đô thị lớn như Ciputra hay The Manor, có rất nhiều người nước ngoài sinh sống, song không hề có khách hàng là Việt kiều. Dự án Làng Việt kiều Châu Âu được khởi công mới đây tại thành phố Hà Đông, Hà Tây, lượng khách hàng cũng chủ yếu là người trong nước.
Một trung tâm môi giới nhà đất tại Hà Đông cho hay, lượng vốn bỏ ra đầu tư Làng chủ yếu từ cộng đồng Việt kiều, nhưng người dân trong nước lại tranh nhau nhảy vào tìm mua do có vị trí đẹp và kiến trúc Pháp, hứa hẹn nhiều giá trị trong tương lai. Cũng theo trung tâm này, do diện tích Làng tương đối nhỏ (12,8 ha), số lượng nhà có hạn nên càng khiến nhiều người nôn nóng muốn mua.
Một chủ đầu tư khu căn hộ cao cấp khác tại Hà Nội cho hay, nhiều Việt kiều muốn mua nhà nhưng không đủ điều kiện như Luật quy định nên đã nhờ người nhà đứng tên, song số lượng này cũng rất hạn hẹp.
Thủ tục - rào cản khiến kiều bào ngại mua nhà
Không thông qua sàn giao dịch, năm 2003, một Việt kiều 60 tuổi từ Đức về, đã mua 5 căn hộ tại chung cư Mỹ Thuận, quận 8, TP HCM. "Đó là khoản tiền dành dụm bấy lâu và tôi đã quyết định mua bất động sản với hy vọng sau này bán đi để lấy tiền an hưởng tuổi già. Tuy nhiên, hiện giờ, 5 căn nhà này vẫn chưa có sổ hồng và tôi vẫn phải đi về giữa Đức và Việt Nam".
Trên thực tế, nhiều khách hàng Việt kiều đứng tên hợp đồng mua nhà hiện nay chưa có giấy hồng. Hiện nay, Việt kiều muốn mua bất động sản tại quê hương phải xác nhận nguồn gốc là người Việt Nam. Sau đó sẽ xem xét có thuộc 4 đối tượng: về đầu tư lâu dài tại Việt Nam; người có công đóng góp với đất nước; nhà văn hóa, nhà khoa học có nhu cầu về hoạt động thường xuyên tại Việt Nam và người có nhu cầu về sống ổn định tại Việt Nam. Nếu không thuộc 4 đối tượng nêu trên, Việt kiều muốn mua nhà phải cư trú 6 tháng/năm trở lên. Theo các kiều bào, khó khăn lớn nhất là bị hạn chế về số lượng nhà được mua và quy trình cấp sổ hồng quá lâu.
Để tránh những thủ tục rườm rà, nhiều Việt kiều không mua hẳn sản phẩm bất động sản mà chọn phương án làm hợp đồng thuê lại. Chẳng hạn như công ty Bitexco áp dụng phương án ký hợp đồng cho Việt kiều thuê lại căn hộ với thời gian 50 năm.
Trưởng phòng kinh doanh tiếp thị Bitexco khu vực phía Nam, ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết, nếu khách hàng là Việt kiều sẽ ký hợp đồng thuê căn hộ dài hạn chứ không giao dịch mua bán. Hơn nữa giới kiều bào lại chuộng hình thức này vì không ràng buộc thủ tục giấy tờ. Theo Bitexco, số lượng kiều bào thuê nhà dài hạn như trên chiếm gần 50% thị phần căn hộ cao cấp. Họ đầu tư với nhiều mục đích khác nhau, để ở, cho người nước ngoài thuê lại hoặc mở văn phòng. Nhưng mục đích cho người nước ngoài thuê ngắn hạn là nhiều nhất.
Một Việt kiều sống và làm việc tại Việt Nam, đang lãnh đạo một tập đoàn kinh doanh môi giới bất động sản lớn tại TP HCM nhận định: "Kiều bào rất quan tâm đến bất động sản tại quê nhà và vô cùng mong mỏi có cơ hội trở về kinh doanh, đóng góp. Tuy nhiên, trên thực tế, tâm lý e ngại vẫn là rào cản rất lớn do luật của chúng ta thường hay điều chỉnh. Chính vì thế, giới Việt kiều vẫn ưa chuộng thuê bất động sản dài hạn hơn là mua để đảm bảo an toàn mà không nhùng nhằng về thủ tục".
Giám đốc Trung tâm thông tin Tài nguyên Môi trường và đăng ký nhà đất TP HCM, ông Phạm Ngọc Liên cho biết: "Trên thực tế nhu cầu kiều bào về Việt Nam mua nhà vô cùng lớn. Tuy nhiên để hoàn tất thủ tục này họ phải xác minh và làm rất nhiều loại giấy tờ khác. Điều này làm hạn chế số lượng Việt kiều mua nhà tại TP HCM cũng như các tỉnh thành khác trong cả nước".
Theo ông Liên, nếu đợt điều chỉnh một số nghị định mới thoáng hơn thì trong tương lai làn sóng Việt kiều mua nhà thậm chí là đầu tư vào bất động sản sẽ tăng lên đáng kể.
Vũ Lê - Ngọc Châu