Rất nhiều hộ dân ở xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng vay tiền để xây, cơi nới nhà mong được đền bù khi giải tỏa nhưng đùng một cái, chính quyền thay đổi địa điểm xây dựng dự án khu công nghệ cao khiến nhiều người đứng trước nguy cơ nợ ngập đầu.
Rất nhiều hộ dân ở xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng vay tiền để xây, cơi nới nhà mong được đền bù khi giải tỏa nhưng đùng một cái, chính quyền thay đổi địa điểm xây dựng dự án khu công nghệ cao khiến nhiều người đứng trước nguy cơ nợ ngập đầu.
Vài tháng gần đây, rất nhiều hộ dân ở ba thôn Phước Hậu, Phước Thuận và Hòa Khương Đông (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) cấp tập xây, cơi nới nhà để chờ giải tỏa, đền bù khi chính quyền TP triển khai xây dựng dự án khu công nghệ cao ở xã Hòa Nhơn. Thế nhưng, đùng một cái, địa điểm xây dựng dự án thay đổi khiến những hộ nói trên mất ăn mất ngủ.
Đua nhau xây nhà, dựng cổng
Hòa Nhơn là xã nghèo, hẻo lánh của huyện Hòa Vang. Những ngày qua, khắp nơi ở ba thôn Phước Hậu, Phước Thuận và Hòa Khương Đông, nhà nhà xây rào, người người dựng cổng, trông rất hoành tráng. Nhiều nhà mới thay nhau mọc lên. Có khoảng 20 hộ ở thôn Phước Hậu, 17 hộ ở thôn Phước Thuận và 17 hộ ở thôn Hòa Khương Đông xây dựng nhà mới trái phép; 80% hộ ở ba thôn cơi nới nhà. Số hộ xây hàng rào, cổng ngõ, ao cá... thì không đếm xuể, hầu như nhà nào cũng làm.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sở dĩ người dân đua nhau xây nhà, rào, cổng là để chờ giải tỏa, đền bù khi triển khai dự án khu công nghệ cao. Theo quy hoạch, dự án này nằm trên diện tích đất của ba thôn Phước Hậu, Phước Thuận và Hòa Khương Đông. Khi biết tin UBND TP Đà Nẵng phê duyệt quy hoạch dự án (ngày 13-2-2009), nhiều hộ dân nằm trong diện bị giải tỏa liền bắt tay thực hiện các công trình nói trên để kiếm càng nhiều tiền đền bù càng tốt!
Thế nhưng, mới đây, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Huỳnh Minh Nhơn đã kiến nghị UBND TP Đà Nẵng dời dự án khu công nghệ cao qua xã Hòa Liên vì xét thấy địa bàn xã Hòa Nhơn không bảo đảm các điều kiện cần thiết để thực hiện dự án. Đến nay, dù chưa có quyết định chính thức về việc chọn địa điểm mới để xây dựng dự án nhưng nhiều khả năng ba thôn Phước Hậu, Phước Thuận và Hòa Khương Đông của xã Hòa Nhơn sẽ không nằm trong diện quy hoạch nữa. Thông tin này đã khiến những hộ dân đã lỡ xây như ngồi trên lửa.
Cả làng ôm nợ
Hầu hết các hộ dân ở ba thôn Phước Hậu, Phước Thuận và Hòa Khương Đông đều thuộc diện nghèo nhưng có hộ lại xây tới 3, 4 căn nhà mới, tường rào dài tít tắp bao quanh vườn. Bà Nguyễn Thị Nghĩa, ngụ ở thôn Phước Thuận, cho biết bà đã phải bỏ ra khoảng gần 10 triệu đồng cho căn nhà mới xây. Để có số tiền này, bà đã bán trâu bò, hoa màu... nhưng không đủ nên chạy vạy, vay mượn thêm. Trường hợp của hộ gia đình ông Hùng Cường - bà Lê Thị Mai ở cùng thôn còn bi thảm hơn.
Dù là một hộ nghèo, được nhận trợ cấp hằng tháng, ông bà đã già yếu, người con trai bị tật nguyền lại cưới thêm người vợ bị mù nhưng sau khi nghe tin nhà sẽ bị giải tỏa để làm dự án khu công nghệ cao, con trai ông Cường đã vay mượn một số tiền lớn để xây nhiều căn nhà; đồng thời sửa sang, cơi nới lại căn nhà cũ đã dột nát. Bây giờ, tiền nợ nhà ông Cường phải gánh đã gần 50 triệu đồng, không biết làm cách nào để trả.
Còn có rất nhiều hộ khác thiếu tiền, song vẫn nhắm mắt vay mượn để xây, sửa nhà. Bi đát hơn, hiện không ít gia đình có người bị bệnh nhưng chỉ biết nằm chờ chết vì không có tiền chạy chữa bởi trước đó, bao nhiêu tiền có được họ đã trút vào các công trình “đón gió” đền bù.
Chính quyền bó tay
Theo ông Nguyễn Văn Lô, thôn trưởng thôn Phước Thuận, 17 hộ trong thôn Phước Thuận xây nhà chỉ để chất củi hoặc bỏ không vì nhu cầu về nơi ở rất thấp. Tình trạng này không chỉ xảy ra ở thôn Phước Thuận. Trao đổi vấn đề này, ông Nguyễn Dự, Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn, cho biết chính quyền xã đã nhiều lần khuyến cáo người dân không chạy đua xây, sửa nhà để “đón lõng” tiền đền bù nhưng dân không nghe. “Chính quyền cũng đã từng cưỡng chế tháo dỡ nhưng họ xây như “chạy giặc” nên đành bó tay” - ông Dự nói.
(Theo NLĐ)