Người tiêu dùng xôn xao, hoang mang về thông tin gà mổ sẵn nhuộm hóa chất độc hại. Theo phản ánh của độc giả, chúng tôi đã tìm hiểu kĩ hơn về vấn đề này.
> Cận cảnh chế biến Vịt nướng: Bẩn kinh hãi
> Rau Trung Quốc tràn lan và cách nhận biết rau “bẩn”
> Rau muống bẩn vẫn hàng ngày lên phố
Mới đây, người tiêu dùng xôn xao, hoang mang về thông tin gà mổ sẵn nhuộm hóa chất độc hại. Theo phản ánh của độc giả, chúng tôi đã tìm hiểu kĩ hơn về vấn đề này.
Đâu đâu cũng là gà nhuộm bột sắt
Khảo sát ngẫu nhiên hàng loạt chợ ở khu vực nội thành Hà Nội, chúng tôi thấy bất kì hàng bán gà mổ sẵn nào cũng bày bán gà sống vàng ươm, béo tròn trông rất bắt mắt. Các hàng thịt gà gần như lúc nào cũng đông khách mua.
Tiếp cận giới buôn thịt gà tươi sống cung cấp cho chợ đầu mối chúng tôi được biết việc lái buôn, tiểu thương mua gà mổ về rồi nhuộm màu trước khi đem ra tiêu thụ là…chuyện tất nhiên phải thế. Trước đây, tiểu thương thường dùng bột nghệ để bôi gà nhưng bột nghệ tạo màu không đẹp và dễ bị phát hiện khi người mua chà sát vào da gà. Bây giờ, người ta nhuộm gà bằng hóa chất mà dân gian quen gọi là bột sắt. Gà nhuộm bột sắt có da vàng ươm, béo ngậy, căng phồng, ai nhìn cũng muốn mua. Dùng “bột sắt” nhuộm gà sẽ không bị người mua phát hiện, bởi khi nhuộm nước màu ngấm sâu vào da gà và không phai màu cho dù có rửa sạch.
Cũng không khó lắm để mua được loại bột sắt này bởi nó được bán cả công khai lẫn không công khai ở nhiều địa chỉ khác nhau. Chúng tôi tiến hành khảo sát tại một số cơ sở kinh doanh hàng hóa chất, phụ gia và cả các cửa hàng sơn tổng hợp, sơn công nghiệp, sơn gỗ trên địa bàn Hà Nội… ở đâu cũng đều có bán loại chất này. Theo truyền miệng của giới tiểu thương buôn bán gà giết mổ sẵn thì chỉ cần mua một gói nhỏ “bột sắt” khoảng 100g với giá hơn 10.000 đồng là có thể dùng để nhuộm màu cho khoảng 4.000 con gà.
Chúng tôi tiếp tục đến khu vực bán đồ khô, thực phẩm ở chợ Đồng Xuân để hỏi mua loại bột sắt kia cùng với H. là “thổ địa” của khu vực này. Tại đây, ngoài bột sắt chúng tôi còn có thể mua nhiều loại phụ gia thực phẩm bị cấm như hàn the, đường hóa học, formaldehyde… Việc mua bán các loại phụ gia này khá cẩn trọng, thường chủ cơ sở chỉ bán cho khách, tiểu thương quen mặt.
Về vụ việc gà nhuộm bột sắt, trao đổi với báo chí TS Đàm Sao Mai, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Trường Đại học Công nghiệp TPHCM cho hay, “bột sắt” là một loại màu công nghiệp chứa chất 2,4 diaminoazobenzene hydrochloride. Chất này được dùng trong công nghiệp sản xuất polymer, thuốc nhuộm tóc, sản xuất cao su (chất chống ôxy hóa cao su), mực in... và tuyệt đối cấm sử dụng trong thực phẩm. Cũng theo TS Mai, chất bột màu này là dạng độc tố, khi tích lũy trong cơ thể con người có khả năng gây tổn hại cho gan và thận, gây ung thư da, ung thư bàng quang. Tiếp xúc thường xuyên sẽ gây viêm da nặng, kích ứng mắt và chảy nước mắt, hen suyễn, viêm dạ dày, suy thận, chóng mặt, run, co giật, và hôn mê. Triệu chứng khi nuốt phải lượng lớn: đau bụng, môi và móng tay chuyển màu xanh tím, co giật ói mửa, khó thở, buồn ngủ, lịm dần.
Luật cũng đành chờ …lương tâm
Theo quy định pháp luật, thì ở nước ta hiện nay, việc buôn bán các hóa chất phụ gia nói chung, phụ gia thực phẩm nói riêng được luật pháp cho phép chứ không cấm. Các Luật điều chỉnh liên quan đến lĩnh vực này cũng chỉ cấm việc sử dụng các phụ gia thực phẩm độc hại trong sản xuất, chế biến thực phẩm (các phụ gia nằm trong danh mục cấm) chứ không cấm người ta mua bán, các loại phụ gia này. Vì thế, việc mua bán phụ gia thực phẩm vẫn dễ như… mua rau.
Việc mua bán phụ gia thực phẩm cũng không hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát. Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội phân tích, việc kinh doanh, mua bán hóa chất phụ gia thực phẩm cũng có những quy định quản lý chặt chẽ, chẳng hạn: phụ gia thực phẩm độc hại, bị cấm, nếu bán trong các cửa hàng chuyên bán phụ gia thực phẩm thì vi phạm, hay nếu bán ở các cửa hàng hóa chất bình thường nhưng trên bao bì gói phụ gia thực phẩm độc hại đó có ghi cho phép sử dụng trong thực phẩm hoặc người bán hàng hướng dẫn, tư vấn cho khách sử dụng trong chế biến thực phẩm thì vi phạm và phải xử lý. Tương tự, nếu người dân mua các loại phụ gia độc hại nhưng với mục đích sử dụng khác được phép, không sử dụng trong thực phẩm thì họ không vi phạm, còn khi họ sử dụng để chế biến thực phẩm thì vi phạm. Bên cạnh đó, qua kiểm tra tại các cơ sở chế biến, sản xuất, kinh doanh thực phẩm mà có phát hiện các loại phụ gia thực phẩm bị cấm thì có thể xử lý vi phạm, bởi khi đó họ khó có thể biện minh một lý do khác ngoài lý do mua các phụ gia độc hại ấy nhằm sử dụng chế biến thực phẩm…
Dẫu vậy, có thể thấy ranh giới giữa việc mua bán, sử dụng các loại phụ gia độc hại vào thực phẩm là vi phạm hay không vi phạm rất mong manh và khó quản lý được. Bởi muốn tránh tình trạng lạm dụng hóa chất phụ gia độc hại trong chế biến thực phẩm như hiện nay thì có lẽ chỉ biết trông vào… lương tâm và ý thức của người kinh doanh.
Theo thông tin Dothi.net được biết Cục ATVSTP đã gửi công văn yêu cầu sự hợp tác của Cục Thú y, Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản hỗ trợ lấy mẫu gà có bán sẵn trên thị trường điều tra làm rõ. Nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý theo Luật ATVSTP đã quy định. Đại diện Bộ Y tế khuyến cáo, khi chưa có kết quả cụ thể thì người dân nên tìm mua thịt gia cầm làm sẵn tại cửa hàng tin tưởng. Trên thịt phải có dấu kiểm nghiệm an toàn của thú y.
MH (tổng hợp)