Năm ngày sau vụ hàng trăm ngôi mộ tại Hoàng Liệt “bốc hơi” chỉ trong một đêm (13/3), nhiều thông tin, ý kiến trái chiều đưa ra khiến sự việc rơi vào tình huống “thực hư lẫn lộn”.
Năm ngày sau vụ hàng trăm ngôi mộ tại Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) “bốc hơi” chỉ trong một đêm (13/3), nhiều thông tin, ý kiến trái chiều đưa ra khiến sự việc rơi vào tình huống “thực hư lẫn lộn”.
Sáng ngày 13/3, người dân làng Tứ Kỳ không khỏi ngỡ ngàng khi hàng trăm ngôi mộ nghĩa trang Tứ Kỳ đã bị vùi lấp trong đất cát còn mới nguyên. Tại hiện trường, toàn bộ phần ruộng có xen kẽ mộ phần của người dân nằm cuối làng đều biến mất dưới những đường ủi máy xúc.
Dân nói có
Sau sự việc, người dân nơi đây hết sức bức xúc. Theo người dân địa phương, thủ phạm của hành động san phẳng hàng trăm ngôi mộ là Công ty cổ phần đầu tư quốc tế CT Việt Nam. Được biết, năm 2011, một dự án xây dựng được UBND quận Hoàng Mai phê duyệt nằm vào cánh đồng trên. Công ty Cổ phần đầu tư Quốc tế CT Việt Nam là đơn vị trúng thầu dự án xây dựng này.
Người dân đã chấp nhận phần đền bù của dự án xây dựng do Công ty CT trúng thầu. Tuy nhiên hai bên chưa thỏa thuận được phương án di rời khoảng trên dưới 100 phần mộ của người dân trong làng và khoảng 200 phần mộ vô danh do các nghĩa trang chuyển về.
Khi dự án được triển khai, những ngôi mộ nằm ở đây chưa kịp chuyển thì đơn vị thi công đã cho máy móc vùi lấp các ngôi mộ. Hành động đi ngược với những giá trị văn hóa này đã khiến người dân Tứ Kỳ quyết “đấu tranh” tới cùng.
Bà Trần Thị Việt (78 tuổi), ngậm ngùi cho biết: "Bao nhiêu đời nay, cánh đồng làng là nơi chúng tôi chôn cất người đã khuất. Đếm làm sao xuể bao nhiêu ngôi mộ nằm ở dưới đấy. Mồ mả tổ tiên, cha ông dòng tộc, chúng tôi sai làm sao được".
Cùng chung ý kiến với bà Việt, người dân địa phương cũng khẳng định, các dòng họ ở Tứ Kỳ đều có mộ ở khu vực này. Đây là những ngôi mộ đã có từ lâu đời, có ngôi được xác định độ tuổi lên tới 200 năm. Hầu hết mộ được chôn cất từ thời chiến tranh, vì những ngôi mộ mới đều được chôn ở nghĩa trang địa phương.
Ông Nguyễn Xuân Trường, hơn 60 tuổi, ở tổ 15 khu dân cư Tứ Kỳ khẳng định: “Cụ kỵ của chúng tôi đều được chôn cất ở đây hết. Dòng họ nhà tôi có hơn 10 ngôi mộ, tuy nhiên may mắn chưa bị san lấp. Nếu người dân không phát hiện kịp thời, chắc chắn cũng sẽ chịu chung số phận với những ngôi mộ khác mà thôi”.
Người dân Tứ Kỳ đang hết sức phẫn nộ và yêu cầu Ban Quản lý dự án nhanh chóng giải quyết, trả lại nguyên trạng khu nghĩa trang.
Chủ dự án chối quanh nước đôi
Trái ngược với sự phẫn nộ của người dân, Ban Quản lý dự án vẫn khá “ung dung”. Bởi theo họ phần đất triển khai san lấp, giải phóng mặt bằng không hề có ngôi mộ nào.
Chiều 15/3 tại trụ sở của Công ty CT, ông Nguyễn Văn Trường - Phó Giám đốc Công ty CT nói như đinh đóng cột là: “Tôi khẳng định không có ngôi mộ nào bị san lấp!”. Ông Trường cho rằng, việc san lấp đất là để phục vụ mục đích dân sinh chứ chưa xây dựng gì. Cụ thể, Công ty CT đã làm đường dẫn để chống úng nước thải sinh hoạt cho khu dân cư tổ 17, phường Hoàng Liệt, nằm cạnh dự án (quan sát cho thấy, cống dân sinh này đang được thi công dở dang – điều này được nhiều người dân Tứ Kỳ khẳng định là đúng).
Tuy nhiên, trước sự phản ứng dữ dội của hàng trăm hộ dân vào sáng 16/3 ngay tại khu đất đã san lấp, ông Trường lại nói nước đôi. Một mặt ông cho rằng: “Trước mắt, bà con nào có mộ nghi bị san lấp, sẽ cùng Ban dự án chỉ xác định vị trí, sau đó chọn ngày sẽ cho tiến hành di dời. Những ai có mộ chưa bị san lấp thì cần khai theo quy trình của phường, chúng tôi sẽ cho quy tụ và hỗ trợ theo chính sách của Nhà nước và từ phía Công ty. Mộ vô chủ sẽ đề xuất đưa lên Bất Bạt, mộ có chủ thì nghĩa trang địa phương”.
Mặt khác, ông Trường lại vẫn khăng khăng khẳng định, đa số mộ ở vị trí dự án đều đươc xác định tọa độ và có bản đồ, chỗ san lấp được xác định không có ngôi mộ nào.
Chính quyền cũng lấp lửng?
Trước những ý kiến trái chiều từ phía người dân và ban quản lý dự án, người dân vẫn đang mong chờ câu trả lời từ phía chính quyền địa phương là UBND phường Hoàng Liệt. Tuy nhiên, khi trả lời về vấn đề này thì lãnh đạo địa phương cũng lấp lửng, người khẳng định một đằng, người lại phân trần một nẻo.
Ông Phùng Trung Hải, chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt cho rằng “chỉ có duy nhất một ngôi mộ bị san lấp” đó chính là ngôi mộ dòng họ Phùng của ông Hải. Và sau sự việc ông Hải đã cho di dời ngay sau đó.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Sáng – Phó chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt lại khẳng định: Tổng số lô đất hơn 2,8 ha dự án có 262 ngôi mộ, trong đó 194 ngôi xây, số còn lại mộ nấm đất, có cắm định vị và đã được kê khai từ 3 tháng qua.
Về phương án giải quyết ông Sáng cho biết: “Nếu các hộ có đơn chỉ đúng vị trí mộ, phường sẽ yêu cầu dự án khai quật”.
Song người dân khẳng định, với mặt bằng được san lấp mênh mông như vậy, việc xác định mộ nằm ở vị trí nào dưới lớp đất bề mặt và bùn sâu kia quả là “đánh đố” người dân.
Trước tình hình sự việc ngày càng phức tạp, hàng trăm người dân Tứ Kỳ cũng như dư luận mong muốn cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc, làm rõ những khuất tất của vụ việc.
Bởi với những người dân nơi đây, việc san lấp mộ không còn là riêng vấn đề pháp lý mà hành động này còn xâm phạm nghiêm trọng đến vấn đề đạo đức, xúc phạm đời sống tâm linh, văn hóa của người dân địa phương.
Hà Thủy (TH)