Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam vừa có văn bản kiến nghị Văn phòng Trung ương Đảng chưa thông qua “Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050”.
Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam vừa có văn bản kiến nghị Văn phòng Trung ương Đảng chưa thông qua “Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050”.
Theo văn bản Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Vusta), đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 là một công trình lớn, phức tạp liên quan đến nhiều lĩnh vực.
Đồ án có quy mô lớn, yêu cầu phức tạp thuộc nhiều lĩnh vực, lại do tư vấn nước ngoài thực hiện trong thời gian quá ngắn, vì vậy còn nhiều vấn đề bất cập, không phù hợp và thiếu tính khả thi, cần phải tiếp tục nghiên cứu nhằm tránh những hậu quả không đáng có.
Bản quy hoạch cần được nghiên cứu rất thận trọng trước khi đưa ra các quyết định vì nó sẽ trực tiếp tác động đến lợi ích của cộng đồng dân cư và có thể phát sinh nhiều vấn đề phức tạp bao gồm đất đai, sinh kế, các dự án đã định hình, môi trường tự nhiên và xã hội, văn hoá, tín ngưỡng … của người dân.
Do vậy, nếu không có các định hướng giải pháp phù hợp thì có thể Bản Đồ án không những không đáp ứng được lợi ích đáng có mà còn đi ngược lại lợi ích hợp lý của cộng đồng. Trong trường hợp như vậy có thể phát sinh nhiều vấn đề gây mất ổn định xã hội.
Hà Nội hiện mới đang xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô đến năm 2020 tầm nhìn 2030. Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 vẫn chưa có, các quy hoạch ngành đã có nhưng đang được điều chỉnh sau khi sáp nhập vào Hà Nội toàn bộ Hà Tây và một số địa phương thuộc tỉnh Vĩnh Phúc và Hòa Bình.
Vì vậy Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được lập thiếu các căn cứ, khoa học từ các dự báo phát triển kinh tế, về công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ đến dự báo phát triển lĩnh vực xã hội về phát triển dân số, giáo dục, y tế, thể thao… Từ đó dẫn đến định hướng phát triển, quy mô, tính chất về các đô thị vệ tinh, các khu công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, hạ tầng cơ sở, hạ tầng xã hội… thiếu tính thuyết phục, thiếu khả thi và không có tính bền vững.
Ngòai ra, trong văn bản gửi Văn phòng Trung ương Đảng, Vusta cũng đề nghị giữ đất Ba Vì làm quỹ dự trữ là không hợp lý. Từ nay đến năm 2020 các bộ ngành đã ổn định, mặt khác với chính phủ điện tử chắc chắn chức năng quản lý nhà nước sẽ được cải thiện nhiều so với hiện nay.
Trong đồ án được xây dựng mới chỉ đề cập đến việc phát triển các khu đô thị mới, đô thị vệ tinh, khu vực phố cổ, khu phố bảo tồn còn thiếu hẳn định hướng cải tạo, chỉnh trang đô thị nhất là ở các vùng ven đô, các làng xóm trong lòng nội đô, các khu ngõ ngách, phường làng, với dân số hơn 40% dân đô thị các khu nhà liền kề xây dựng lộn xộn. Định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bộ mặt đô thị, tổ chức không gian khu vực lõi Hà Nội thay đổi như thế nào chưa được phản ánh trong quy hoạch, nhất là các không gian cao tầng.
Bên cạnh đó, đồ án chưa định hướng được các điểm dân cư ở nông thôn vào năm 2030, 2050 sẽ như thế nào, để hướng tới các mô hình nông thôn mới hài hoà với đô thị. Cần có các mô hình làng kiểu mẫu cho làng nghề, làng nông nghiệp đồng bằng, trung du.
Vusta cũng kiến nghị, việc đề xuất làm đường Hồ Tây-Ba Vì còn thiếu căn cứ khoa học. Hà Nội hiện đang tập trung đầu tư xây dựng Đại lộ Thăng Long, đường mới Tây Thăng Long, đường sắt Láng - Hòa Lạc, nâng cấp đường 32.
Ngòai ra, Vusta cũng đã đóng góp về những vấn đề như việc xây dựng lối sống và văn minh đô thi, môi trường, quản lý đô thị.
Vusta cũng kiến nghị, khi có đồ án chính thức đề nghị giao cho Liên hiệp Hội Việt Nam tham gia làm một trong các bên của Việt Nam phản biện độc lập cho Đồ án.
Duy Khánh