Xây dựng công trình, nhà ở không được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm
quyền trong phân khu phục hồi sinh thái, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của
khu bảo tồn có thể bị phạt từ 200.000 đồng đến 500 triệu đồng.
Xây dựng công trình, nhà ở không được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong phân khu phục hồi sinh thái, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn có thể bị phạt từ 200.000 đồng đến 500 triệu đồng.
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đa dạng sinh học. Theo đó, vận chuyển trái phép loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ thì bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 500 triệu đồng.
Trường hợp phá hoại cảnh quan, hủy hoại hệ sinh thái trong khu bảo tồn thì bị phạt từ 1 triệu đồng đến 300 triệu đồng. Ngoài ra, dự thảo quy định xây dựng công trình, nhà ở mà không được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong phân khu phục hồi sinh thái, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn cũng sẽ bị phạt. Mức phạt cảnh cáo từ 200.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi đưa vật tư, thiết bị để xây công trình, nhà ở vào phân khu phục hồi sinh thái. Mức tối đa sẽ lên tới 500 triệu đồng đồng đối với hành vi xây dựng công trình, nhà ở với quy mô từ trên 3.000 m2 tại phân khu phục hồi sinh thái.
Trường hợp điều tra, khảo sát, thăm dò, khai thác khoáng sản trái phép trong phân khu phục hồi sinh thái, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn bị xử phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
Tổ chức, cá nhân vi phạm về nhập khẩu loài ngoại lai xâm hại dự kiến bị áp mức phạt tiền tối thiểu từ 50 triệu đồng, tối đa 500 triệu đồng đi kèm việc buộc phải tái xuất hoặc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm.
Thời gian qua, do chưa có những quy định chế tài đối với việc ngăn ngừa loài ngoại lai xâm hại nên đã xảy ra tình trạng nhiều loài được nhập khẩu hoặc du nhập bằng nhiều đường vào Việt Nam gây ra ảnh hưởng nặng nề, tiêu biểu như nạn ốc bươu vàng, rùa tai đỏ... Nghị định ra đời sẽ hạn chế việc nhập khẩu các loài ngoại lai độc hại.
(Theo Vnexpress)