Xây dựng nhà chọc trời mang tới hình ảnh đất nước Việt Nam mới năng động và bắt đầu hòa nhập vào trào lưu xây dựng nhà chọc trời - hình ảnh tượng trưng cho kiến trúc hiện đại trên thế giới.
Hàng loạt các tòa nhà cao tầng đã và đang được xây dựng từ Bắc chí Nam như khối nhà Vinaconex (34 tầng); toà nhà Trung tâm Thương mại, dịch vụ Cầu Giấy (50 tầng); toà tháp City Complex (65 tầng); Keangnam Hanoi Landmark Tower (70 tầng); Indochina Riverside Towers (24 tầng); Sai Gon Trade Center (35 tầng); Ruby Tower (37 tầng); Búp sen Bitexco Financial Tower (68 tầng); PVN Tower (102 tầng)… đã mang tới hình ảnh đất nước Việt Nam mới năng động và bắt đầu hòa nhập vào trào lưu xây dựng nhà chọc trời - hình ảnh tượng trưng cho kiến trúc hiện đại trên thế giới.
Rõ ràng, việc xây dựng những tòa nhà chọc trời (từ 22 tầng trở lên) đã làm thay đổi dung mạo của các TP, các KĐTM, các khu vực mở rộng. Điều đó minh chứng cho khả năng tài chính, trình độ công nghệ cũng như năng lực thiết kế, xây dựng, thi công các công trình của kỹ sư, công nhân Việt Nam. Tuy nhiên, phía sau xu hướng xây dựng những tòa nhà chọc trời hiện nay còn tồn tại quá nhiều nghi ngại. Theo các nhà đầu tư, việc xây dựng nhà chọc trời tận dụng được diện tích quỹ đất bó hẹp, mở rộng số lượng cư dân tới sinh sống và trở thành điểm nhấn đặc biệt hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng thời gian thu hồi vốn chắc chắn sẽ mất khá nhiều. TS.KTS Trương Văn Quảng - Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc quy hoạch đô thị và Nông thôn (VIAP) cho biết: “Việc phát triển nhà cao tầng nói chung, nhà chọc trời nói riêng tại các đô thị lớn trên thế giới trong đó có Việt Nam là xu hướng tất yếu để tương xứng với cấu trúc đô thị đa trung tâm, linh hoạt, có sức sống và có sức cạnh tranh cao hơn ở nhiều lĩnh vực; cùng với nhiều yếu tố và các giá trị khác, chúng góp phần tạo dựng hình ảnh của một “đô thị quốc tế”, khẳng định đẳng cấp hay thương hiệu của đô thị, biểu trưng cho một quốc gia, thậm chí một dân tộc. Có điều chúng sẽ được thiết kế như thế nào, xây dựng ở đâu trong cấu trúc tổng thể chung của một đô thị; có đại diện cho nền kiến trúc đương đại và biểu đạt được các giá trị, tinh hoa kiến trúc truyền thống Việt Nam hay không…?”
Tại hội thảo quốc tế “Nguy hiểm động đất, sóng thần và các hệ thống cảnh báo sớm khu vực châu Á - Thái Bình Dương” đầu tháng 9 vừa qua, các nhà khoa học đã cảnh báo về khả năng chịu ảnh hưởng của động đất, sóng thần hoặc nền đất yếu, bão lụt tại một số vùng miền có các đô thị lớn của Việt Nam như Hà Nội đang nằm trên đới đứt gẫy sông Hồng, sông Chảy, sông Mã, Sơn La dự báo chịu chấn động cấp độ 8… Do vậy, công trình đảm bảo an toàn cho người dân thì chất lượng xây dựng và thiết kế phù hợp địa chất, khả năng chống lại động đất, thiên tai cực kỳ quan trọng. Hơn nữa, công tác phòng cháy chữa cháy sẽ như thế nào khi năng lực chữa cháy mới chỉ dừng lại ở con số 17 tầng như bây giờ trong khi những vụ việc xảy ở tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark Tower ở Hà Nội gần đây không khỏi dấy lên sự nghi ngờ về sự an toàn của những tòa nhà chọc trời ở Việt Nam.
Không thể phủ nhận sức hấp dẫn của những thành phố sở hữu những tòa nhà chọc trời trên thế giới như Chicago; tháp Burj Dubai (Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất); tháp Đài Bắc 101 (Đài Loan); Trung tâm tài chính Thượng Hải (Trung Quốc); tháp đôi Petronas (Kuala Lumpur - Malaysia)… Nhưng áp dụng thế nào, áp dụng ra sao vào bối cảnh, tình hình kinh tế đất nước, tránh lãng phí và mang dấu ấn kiến trúc của người Việt Nam? Cũng theo TS.KTS Trương Văn Quảng: “Việc quy hoạch xây dựng các tòa nhà chọc trời cần thiết phải đặt trong tổng thể chung của từng TP; Cần phải được chủ động xem xét trong quá trình nghiên cứu lập quy hoạch xây dựng đô thị. Đây không những là bài toán về nghệ thuật tổ chức không gian, thiết kế đô thị tổng thể nhằm đạt ý tưởng quy hoạch mà còn thể hiện tầm nhìn mang tính dự báo ở thế chủ động cho các giải pháp ứng phó, giảm thiểu thiên tai trong quá trình phát triển đô thị nói chung, phát triển nhà cao tầng/nhà chọc trời nói riêng”.
Hiện nay, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội còn yếu kém đang làm đau đầu các nhà hoạch định, quy hoạch thì mối lo về giải pháp đồng bộ cho hệ thống hạ tầng ở các tòa nhà chọc trời sẽ thêm một nút thắt khó gỡ cho bài toán hạ tầng Việt Nam.
(Theo baoxaydung)