TP Hồ Chí Minh vận dụng nhiều giải pháp để giải quyết dứt điểm bài toán quy hoạch treo.
Thu hồi những dự án chưa đền bù được 50% diện tích, cấp phép xây dựng tạm cho đất nông nghiệp nằm trong quy hoạch, cấp sổ đỏ cho đất nông nghiệp nằm xen cài trong khu dân cư... là những giải pháp đang được TP Hồ Chí Minh vận dụng để giải quyết dứt điểm bài toán quy hoạch treo.
Cởi trói cho đất trong quy hoạch "treo"
Huyện Bình Chánh là một trong những địa phương có số lượng dự án treo nhiều nhất TP Hồ Chí Minh. Trong đó, cả xã Bình Hưng dính quy hoạch "treo". Trên địa bàn xã có tổng cộng 54 dự án thì có tới 42 dự án nằm trong ranh giới quy hoạch khu nam đã có quyết định thu hồi đất; bốn dự án có văn bản chấp thuận địa điểm đầu tư. Hơn 60% số dự án trên địa bàn có quyết định thu hồi đất hơn năm năm. Tất cả những dự án nêu trên đều mới nằm trên giấy.
Từ khi thành phố có chủ trương cấp giấy chứng nhận cho cả các trường hợp nhà xây trên đất nông nghiệp trong những khu vực chưa có quy hoạch, hoặc đã có quy hoạch nhưng không phải là đất ở thì lãnh đạo xã Bình Hưng rất phấn khởi. Bởi lẽ, đây chính là vấn đề "đau đầu" mà sau bao nhiêu năm kiến nghị đến nay mới được thành phố mở hướng tháo gỡ. Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hưng Nguyễn Hữu Thành Tâm cho rằng, việc giải tỏa đất nông nghiệp trong những khu quy hoạch treo không chỉ làm người dân mà các phường, xã đồng tình ủng hộ. Chủ trương này của thành phố sẽ giúp địa phương giải quyết vấn đề nan giải là cấp giấy tờ nhà đất và quản lý xây dựng. Theo đồng chí Tâm, xã Bình Hưng vốn là xã nông nghiệp nhưng lại nằm cạnh Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, có nhiều dự án quy hoạch phát triển đô thị. Bao nhiêu năm qua, do dự án chậm thực hiện, đất nông nghiệp bị "treo", không những làm cuộc sống của người dân khó khăn, mà việc quản lý của chính quyền xã nảy sinh phức tạp. Ðối với nhà của dân xây dựng trên đất nông nghiệp, việc cấp giấy chứng nhận nhà đất, cấp giấp phép xây dựng đã bị ngừng hoàn toàn. Vì vậy, chủ trương mới sẽ tháo gỡ nút thắt cho chính quyền địa phương trong việc xử lý vấn đề này.
Phó Chủ tịch UBND quận 2 Huỳnh Thanh Khiết cho biết, mừng nhất là việc UBND thành phố cho phép những trường hợp nhà dân nằm trong những dự án dù đã đền bù được 50% và được phép gia hạn, nhưng trên phần đất chưa được đền bù thì người dân sẽ được phép xây dựng nhà tạm, quy mô tối đa một tầng. Giải pháp này giúp người dân trong những dự án chậm triển khai nhưng được gia hạn đầu tư yên tâm trong cuộc sống, không bị "treo" quyền lợi cho đến khi dự án thực hiện xong.
Từ khi chủ trương mới của thành phố được thông báo trên các phương tiện truyền thông, ông Nguyễn Minh Hà, ở xã Bình Hưng (huyện Bình Chánh) rất phấn khởi. Bởi lẽ, ông Hà có 5.000 m2 đất nông nghiệp nhưng do bị quy hoạch, nên hơn 10 năm qua ông không thể sang nhượng, trồng trọt được. Ông nói, trước đây cứ nhìn đất của mình bị bỏ hoang trong khi bản thân ông và các con phải đi thuê nhà trọ, làm mướn khắp nơi để sinh nhai, quá bức xúc. Nay gia đình ông được cấp giấy chứng nhận, được cấp phép xây dựng tạm thì cuộc sống sẽ dần ổn định.
Kiên quyết xử lý dự án chậm tiến độ
Dự kiến, trong tháng 6 này, TP Hồ Chí Minh sẽ công bố công khai tên, địa điểm những dự án chậm triển khai bị thu hồi. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, sau khi thành lập các đoàn kiểm tra tiến độ các dự án trên địa bàn, tính đến nay, Sở Tài Nguyên và Môi trường đã chấm dứt, không gia hạn chấp thuận địa điểm đầu tư cho 75 dự án, tương ứng với diện tích hơn 960 ha; gia hạn thực hiện đến hết ngày 31-12-2013 đối với 50 dự án. Những dự án được gia hạn là những dự án đã đền bù hơn 50% diện tích, còn những dự án bị thu hồi là những dự án đền bù chưa tới 50% diện tích. Ðối với những dự án đã có quyết định thu hồi, giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất, từ năm 2012 đến nay, Sở đã thu hồi, hủy bỏ quyết định thu hồi, giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất 25 dự án, với diện tích hơn 670 ha; điều chỉnh, cắt giảm quy mô diện tích đối với tám dự án, tổng diện tích gần 96 ha.
Tại quận 12, bà Nguyễn Thị Tám, ngụ tại phường Thới An vui mừng khi nghe thông tin nhà đất của bà sẽ được giải phóng khỏi quy hoạch treo. Bà cho biết, từ khi nhà cửa, đất đai của gia đình bị thu hồi để thực hiện dự án Khu nhà ở Thới An thì cuộc sống của gia đình bị đảo lộn. Sau gần 10 năm, chủ đầu tư không bồi thường, bà cũng không được xây dựng nhà ở hay buôn bán được gì. Khổ nhất là những tháng ngày vác đơn đi khiếu nại đòi nâng giá bồi thường. Bởi, mỗi m2 đất nông nghiệp tại những dự án chung quanh được đền bù cao, trong khi đất của bà chỉ được bồi thường số tiền chưa mua nổi một cân thịt bò (chỉ 180 đến 230 nghìn đồng/m2).
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hoài Nam cho biết: Chủ trương của thành phố là không nhân nhượng với bất kỳ dự án nào đã nhiều năm mà chỉ đền bù được mấy chục phần trăm. Những dự án này có gia hạn thêm một năm cũng sẽ chẳng thực hiện. Do vậy, phải thu hồi để trả lại đất cho người dân yên tâm làm ăn, sinh sống. Ðể thực hiện được điều này, thành phố đã giao cho Sở tổ chức rà soát và ra quyết định xử lý theo từng trường hợp cụ thể đối với tất cả dự án chậm triển khai trên địa bàn thành phố. Những dự án nào thuộc diện được gia hạn thì chủ đầu tư phải cam kết và báo cáo tiến độ cụ thể với Sở. Ðối với phần đất đã giải phóng mặt bằng trong các dự án bị thu hồi, Sở và chính quyền các địa phương sẽ phối hợp, tạo điều kiện cho chủ đầu tư xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Hiện tại, có hai hướng cho những dự án dạng này, đó là chuyển đổi chủ đầu tư có năng lực hơn hoặc điều chỉnh thu hẹp dự án theo phần đất đã được giải phóng mặt bằng.
Trong cuộc họp với các sở, ban, ngành của thành phố về công tác cấp phép xây dựng mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín nhấn mạnh: Các quận, huyện phải rà soát tất cả các dự án đang ở trong tình trạng "treo" trên địa bàn. Hạn chót đến ngày 31-12-2013, nếu không bồi thường xong cho dân thì phải thu hồi hết, không kể lúc này tỷ lệ bồi thường là bao nhiêu và cũng không gia hạn thêm lần nào nữa. Quan điểm của UBND thành phố là sẽ làm tất cả để bảo đảm quyền lợi cho người dân.
Theo nhandan.org.vn