Vợ chồng anh Minh và con cái không hề có bạn hàng xóm do lối sống khác biệt với người dân nơi đây.
Anh Nhật Minh, 45 tuổi, hiện sống tại Tp.HCM đã có những chia sẻ về kinh nghiệm xây nhà của gia đình mình:
Năm 2006, gia đình tôi mua một mảnh đất rộng hơn 500m2 của người quen ở Tân Phú, trong đó có 198m2 là đất thổ cư, còn lại 302m2 là đất thổ canh. Ở thời điểm đó, giá đất rất rẻ. Tổng chi phí mà tôi phải bỏ ra là 1,3 tỷ. Lúc đầu, vợ chồng tôi dự định sẽ mở xưởng sản xuất trên mảnh đất đó. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc, chúng tôi quyết định xây nhà ở đó vì không muốn bỏ công việc ở công ty nước ngoài. Hơn nữa, vị trí mảnh đất chỉ cách nơi làm việc của chúng tôi khoảng 5km.
Đến năm 2011, tôi bắt đầu xây biệt thự 2,5 tầng trên phần đất thổ cư. Chi phí xây dựng tương đối cao, tốn khoảng 2,5 tỷ. Tôi không chuyển đổi mục đích sử dụng phần đất thổ canh vì không muốn đóng thuế mà sử dụng để làm sân vườn, nhà để ô tô và làm hồ cá nhỏ. Tôi cũng đầu tư thêm vào sân vườn với chi phí tổng cộng khoảng 1 tỷ.
Sau khoảng gần 1 năm, ngôi nhà mới được hoàn thiện và nổi bật giữa khu dân cư đa số là dãy phòng trọ và nhà cấp 4. Sau cánh cổng, cuộc sống của gia đình tôi khá bình yên và dễ chịu.
Điều kiện sống chênh lệch khiến gia đình anh Minh lạc lõng giữa khu dân cư
Phần lớn những người thuê trọ ở đây là công nhân làm việc trong khu công nghiệp Tân Bình gần đó, một số người kinh doanh buôn bán nhỏ nhưng nhìn chung, thu nhập không cao. Do vậy, họ thường đi xin cơm nguội về phơi khô và bán lại cho nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi nhằm gia tăng thu nhập. Mặt đường rộng 6m đều được họ tận dụng để phơi cơm. Khi đóng cửa nhà, tôi không ngửi thấy mùi gì nhưng mỗi khi đi dạo trong sân đều ngửi thấy mùi hôi được gió đưa vào. Đôi khi, người ta cũng phơi cả cá khô tạo thành thứ mùi rất khó chịu. Thỉnh thoảng, người dân còn đốt rác, đốt lá cây khiến khói bay vào nhà tôi. Trừ việc phơi cơm khô thì những việc còn lại không thường xuyên diễn ra. Mặt khác, họ làm ở nhà hoặc trước cửa nhà họ nên tôi đành kệ dù khó chịu.
Thêm một vấn đề khiến tối không thích là do trong nhà chật chội, hàng xóm thỉnh thoảng lại bày tiệc ra giữa đường, thậm chí bật cả loa đài hát karaoke ầm ĩ. Vì không muốn gây thù chuốc oán với hàng xóm xung quanh nên tôi không nói gì cả mà chỉ vào nhà đóng cửa chống ồn.
Tuy nhiên, có một việc khiến tôi rất khó chịu là người dân khu tôi ở ngày càng nuôi nhiều chó. Họ để chó chạy ra đường và phóng uế bừa bãi. Và phần chân tường bao nhà tôi bỗng trở thành nơi yêu thích của chúng.
Gia đình tôi hầu như không giao tiếp gì với hàng xóm do điều kiện sống chênh lệch, trừ ông tổ trưởng dân phố thỉnh thoảng qua thu tiền ủng hộ. Vợ chồng tôi không cấm các con chơi với trẻ con hàng xóm nhưng chúng cũng không thích chơi và còn tỏ ra coi thường những người nghèo. Điều này khiến tôi khá buồn.
Gần đây, một số người gần nhà tôi đã bắt đầu phá bỏ những ngôi nhà cấp 4 xập xệ để xây dãy trọ cao tầng dạng chung cư mini. Nhờ đó mà cảnh quan đã được cải thiện phần nào nhưng tôi vẫn cảm thấy lo lắng. Đợt World Cup vừa rồi, nhiều phòng trọ gần đó bị mất cắp liên tục, thậm chí có cả trường hợp đầu gấu đến đòi tiền. Tôi còn nghe nói có người đã tự tử vì thua cá độ.
Tôi từng có dự định bán nhà để chuyển đến khu dân trí cao hơn nhưng khách mua chỉ thích đất và định giá căn biệt thự của tôi thấp hơn thực tế vì cho rằng nó không hợp với xung quanh. Hồi đầu năm, tôi rao bán căn biệt thự với giá 22 tỷ nhưng chưa tìm được khách mua.
Giáo sư tiến sĩ Vũ Gia Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Văn hóa - Du lịch cho rằng, mối quan hệ hàng xóm láng giềng là rất cần thiết, thậm chí đóng vai trò quan trọng trong các cộng đồng làng xã. Ông bà ta vẫn thường nói: "Bán anh em xa mua láng giềng gần" hay "Nước xa không cứu được lửa gần" nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ này.
Ngày nay, mối quan hệ xóm giềng ít được chú ý ở các đô thị nhưng không vì thế mà những gia đình xung quanh không ảnh hưởng đến cuộc sống của mỗi người. Thậm chí, nhiều người đã phải thốt lên "mua cái nhà không khó bằng có người hàng xóm hiền". Trên thực tế, có không ít người phải chuyển nhà đi nơi khác vì không chịu nổi hàng xóm.
Theo Giáo sư Hiền, trong một cộng đồng dân cư, nhân tố dẫn đến chênh lệch không phải là thu nhập mà chính là ý thức của mỗi người. Những người có thu nhập cao chưa chắc đã có ý thức tốt hơn những người thu nhập kém.
Tuy nhiên, ở những cộng đồng dân tứ xứ, cuộc sống thường khá phức tạp. Đôi khi, cái nghèo, cái khó và ít được dạy dỗ bài bản khiến nhiều người không hiểu biết trật tự xã hội mà tự do làm theo ý thích của mình. Đây là chuyện có thể xảy ra ở bất cứ đâu trên thế giới chứ không chỉ riêng ở Việt Nam.
|