Nếu không lựa chọn kỹ dự án căn hộ chung cư khi mua, rất có thể lúc muốn đổi nhà, gia chủ sẽ phải trầy trật tìm khách. Đây cũng là bài học đắt giá của anh P.T Bình (TP.HCM) khi mua ngôi nhà đầu tiên.
Năm 2013, sau khi cưới nhau gần chục năm, vợ chồng anh Bình quyết định dồn lực mua một căn nhà nhỏ để có chỗ "chui ra chui vào". Nói như vậy vì gia đình anh không khá giả gì nhưng chán cảnh ở trọ nay đây mai đó nên khi tích cóp được một khoản tiền, anh chị quyết tâm mua nhà.
Anh Bình kể, 2013 là năm thị trường bất động sản vẫn đang đóng băng, kéo dài từ suốt mấy năm trước, người bán nhiều người mua ít nên anh chị nung nấu ý định mua nhà bằng được, vì sợ thị trường qua giai đoạn này giá sẽ tăng lên, vuột mất cơ hội. Tuy nhiên, với số tiền 750 triệu trong tay, anh chị không thể mua được nhà mặt đất như mong muốn. Nhà trong hẻm nhỏ rất chật chội cũng loanh quanh hơn 1 tỷ đồng, mà còn phải sửa chữa tốn kém. Số tiền này chỉ đủ mua đất vùng ven, phải mất vài năm tích lũy nữa mới xây được nhà ở.
Trong một lần đi ngang qua dự án chung cư đang tổ chức lễ tri ân khách hàng, anh chị tò mò vào xem, không ngờ lại chốt mua luôn. Dự án nằm ở quận Tân Phú, khi đó đã cơ bản hoàn thiện nhưng quỹ căn còn khá nhiều. Anh Bình được giới thiệu căn hộ 70m2, giá 14,5 triệu/m2, nếu mua luôn đợt đó, khách hàng được tặng bộ nội thất trị giá 70 triệu đồng nên anh chị nán lại xem. Số tiền này được trừ vào hợp đồng mua bán, nghĩa là tổng chi phí căn hộ chỉ còn khoảng 950 triệu đồng, khá phù hợp với tài chính của vợ chồng anh Bình. Anh tính toán, trong thời gian chờ nhận nhà, hai vợ chồng sẽ cố gắng xoay sở khoản tiền sắm nội thất, còn lại vay ngân hàng. Về nhà tìm hiểu, thấy chủ đầu tư dự án này còn nhiều dự án tại các quận khác nữa, nghĩ là doanh nghiệp lớn, lại hoa mắt với số tiền chiết khấu, vợ chồng anh chị quyết định mua căn hộ.
|
Việc mua căn hộ thường diễn ra dễ dàng, nhanh chóng, nhưng nếu mua phải căn hộ kém chất lượng, chủ đầu tư không chuyên nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn khi muốn rao bán lại.
Ảnh minh họa |
Đến khi nhận nhà vào đầu năm 2014, vợ chồng anh Bình phải vay ngân hàng 200 triệu, số tiền tích lũy được trong thời gian chờ đợi chỉ đủ làm nội thất cơ bản và một số khoản phí khác. Anh chị tận dụng cả giường tủ ở nhà cũ, chờ khi có tiền sẽ thay thế dần.
Anh Bình kể, cảm giác có được ngôi nhà đầu tiên rất sung sướng. Dù còn chưa đầy đủ nội thất như mong muốn nhưng cả nhà đều rất vui. Tuy nhiên, “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, sau một thời gian ngắn vào ở, chủ đầu tư dự án đã vướng phải nhiều lùm xùm khiến cư dân bất an. Cụ thể, nhiều căn hộ trong dự án này là do chủ đầu tư xây thêm, không có trong giấy phép xây dựng nên sau đó người dân không được cấp sổ. Mọi người tụ tập, kiện cáo liên miên. Tuy căn hộ của anh Bình không vi phạm nhưng cũng phải chờ gần 3 năm mới được cấp sổ. Chưa kể dự án còn vướng tranh chấp phí bảo trì, mãi vẫn chưa được giải quyết.
Suốt mấy năm như vậy, vợ chồng anh Bình đành ngó lơ, chấp nhận “sống chung với lũ”. Hơn nữa, anh cũng chưa từng nghĩ sẽ sống ở căn hộ này lâu mà vẫn ấp ủ kế hoạch mua nhà mặt đất. Mấy năm vừa qua, giá nhà đất tại TP.HCM lại tăng nhanh, anh Bình càng muốn “hạ cánh” sớm.
|
Anh Bình mất rất nhiều thời gian mới bán được căn hộ của mình. Ảnh minh họa |
Đến năm 2018, nhờ việc làm ăn gặp thời, vợ chồng anh trả được hết nợ và tích lũy thêm được 800 triệu đồng, anh Bình hi vọng bán được căn hộ với giá tốt để dồn tiền mua một căn nhà nhỏ. Anh nghĩ rằng, mấy năm nay, giá chung cư ở TP.HCM đã tăng nhiều so với hồi anh mới mua nên khấp khởi mong sẽ bán được căn hộ với giá hời. Tuy nhiên, rao bán căn hộ với giá 1,6 tỷ đồng suốt mấy tháng trời mà anh Bình vẫn chưa tìm được khách mua. Trong khi đó, tìm hiểu nhà đất thì những căn tương đương trước đây anh xem chỉ hơn 1 tỷ nay cũng đã ngót 2 tỷ.
Thực ra, không chỉ nhà thổ cư, giá căn hộ tại TP.HCM cũng đã tăng khá nhiều so với thời điểm anh Bình mua vào, nhu cầu mua cũng rất lớn. Căn hộ 2 ngủ, giá vừa phải như nhà anh đúng ra không khó bán nhưng vì dự án dính nhiều tai tiếng, hơn nữa tranh chấp phí bảo trì cũng khiến các hạng mục chung không được quan tâm tu sửa nên khách đến xem đều chê. Xung quanh khu vực dự án, nhiều căn hộ cũ vẫn mua đi bán lại đều đều, nhưng những căn hộ trong dự án này lại rất khó bán.
Mãi đến cuối năm ngoái, do tìm được một căn nhà trong hẻm khá ưng ý, anh Bình chấp nhận hạ giá xuống 1,45 tỷ đồng mới có người mua. Vậy là phải mất gần 2 năm anh mới bán được căn hộ. Dù không bị lỗ vốn nhưng anh Bình mất rất nhiều thời gian cho việc rao bán, trao đổi với khách xem nhà và chi phí cho các bên môi giới. Nếu không ham 70 triệu khuyến mãi và tìm hiểu kỹ về chủ đầu tư trước khi mua, việc bán lại nhà của anh Bình đã không trầy trật như vậy.
Ngọc Sương (ghi)
>> 5 nguyên nhân khiến căn hộ trong cùng một dự án có giá bán khác nhau
>> 4 cách kiểm tra pháp lý dự án chung cư
Link bài viết gốc
http://thanhnienviet.vn/2020/07/02/mua-voi-can-ho-trong-2-ngay-tray-trat-rao-ban-mat-2-nam/
Theo Tạp chí Thanh Niên