Gần hết một tháng đầu tiên của quý III, TTCKVN được dự báo sẽ tăng trưởng tốt khi đón nhận những thông tin hỗ trợ tích cực từ nền kinh tế trong nước. Song, hiện tại các chỉ số chứng khoán vẫn không làm cho các nhà đầu tư an lòng khi VN-Index vẫn “đi đều và giẫm chân” quanh ngưỡng 500 điểm.
Gần hết một tháng đầu tiên của quý III, TTCKVN được dự báo sẽ tăng trưởng tốt khi đón nhận những thông tin hỗ trợ tích cực từ nền kinh tế trong nước. Song, hiện tại các chỉ số chứng khoán vẫn không làm cho các nhà đầu tư an lòng khi VN-Index vẫn “đi đều và giẫm chân” quanh ngưỡng 500 điểm.
Trong tình trạng lình xình của thị trường, riêng nhóm cổ phiếu ngành bất động sản (BĐS) vẫn là tâm điểm khiến nhà đầu tư tích cực mua bán. StockNews đã trao đổi với bà Nguyễn Thị Hiền - Chuyên viên phân tích - Công ty Chứng khoán MeKong.
Thưa bà, bức tranh thị trường BĐS những tháng đầu năm được nhận định là cung vượt quá cầu và khá ảm đạm. Bà có nhìn nhận gì khác về bức tranh này?
Bà Nguyễn Thị Hiền: Nhìn chung thị trường BĐS những tháng đầu năm 2010 biến động không nhiều, ngoại trừ cơn sốt đất ảo tại Hà Nội và một số vùng ven trong vài tháng trước. Những nhà đầu cơ đã đẩy thị trường tăng đến “chóng mặt”, có thời điểm mức tăng đến 35% - 40%.
Tuy nhiên, theo tôi, nếu nói bức tranh toàn cục thị trường BĐS là cung vượt quá cầu và ảm đạm thì dường như chưa bao quát hết, vì vẫn có những thị phần không đến nỗi quá “ế ẩm”. Chẳng hạn, lĩnh vực trung tâm bán lẻ thì cung chưa đáp ứng được cầu; hay trong phân khúc nhà bình dân và trung cấp với giá trị khoảng 800USD/m2 và dưới 80m2 /1 căn hộ thì cũng khá hút hàng. Chỉ riêng phân khúc BĐS cao cấp khá ảm đạm.
Tuy nhiên, bắt đầu từ quý II, cầu trong phân khúc BĐS cao cấp đã cao hơn. Theo thống kê gần đây nhất của tổ chức CB Richard Ellis (CBRE) thì cầu phân khúc nhà cao cấp tại Tp.HCM trong quý II năm 2010 tăng 25% so với quý trước đó.
Tôi tin rằng thị trường BĐS vẫn đang đi lên ở một đà chậm, đặc biệt là thị phần bình dân và bán lẻ được nhà đầu tư chú ý nhiều hơn. Và thực tế cho thấy, cầu giai đoạn này bắt nguồn từ nhu cầu thật hơn là đầu cơ mà ta thường gặp trong những giai đoạn trước. Đây chính là một động lực tốt để phát triển trong dài hạn.
Mặc dù thị trường BĐS có những khó khăn nhưng nhóm cổ phiếu BĐS vẫn giữ vai trò dẫn dắt thị trường. Theo bà, vì sao lại như vậy?
Theo quan sát thực tế, không phải lúc nào cổ phiếu BĐS cũng dẫn dắt thị trường, tuy nhiên so với các nhóm ngành khác thì cổ phiếu BĐS vẫn “hot” và có tần suất nhiều hơn. Điều này cũng dễ hiểu vì BĐS là ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp và ngay tức thời từ những yếu tố kinh tế vĩ mô nhiều hơn một số ngành khác. Và khi kinh tế có hướng thay đổi, đặc biệt là lưu lượng dòng tiền thì việc kinh doanh của các công ty BĐS sẽ chịu tác động rất nhanh, vì thế cổ phiếu BĐS cũng bị ảnh hưởng nhanh và mạnh hơn so với cổ phiếu nhóm ngành khác. Thêm nữa là vốn hóa của các công ty BĐS chiếm 14% trên 2 sàn giao dịch, đứng sau ngành ngân hàng là 20%. Mà cổ phiếu BĐS thường di chuyển theo cùng hướng “vectơ” với những sóng BĐS, nên trước những thông tin đến từ nền kinh tế vĩ mô Việt Nam, thì rất có thể cổ phiếu BĐS tác động và sẽ làm lực đỡ cho toàn thị trường chứng khoán.
Thị trường BĐS cuối năm được nhận định là nhiều triển vọng và rất khởi sắc, bà nhận định diễn biến của thị trường tới đây sẽ như thế nào?
Theo nhìn nhận của tôi, phân khúc bình dân và trung cấp sẽ tiếp tục là tâm điểm chú ý và được ưa chuộng trong những tháng cuối năm. Vì vậy những công ty BĐS đang hướng đến thị phần này: trong 17 dự án mới được chào bán gần đây ở Tp.HCM, có tới 11 dự án thuộc phân khúc bình dân, 4 trung cấp và cao cấp chỉ dừng lại con số 2. Riêng mảng văn phòng tại Tp.HCM, quý II năm 2010 tăng 192% so với cùng kỳ năm trước, và tôi lạc quan tin rằng những tháng cuối năm cầu phân khúc này sẽ tiếp tục tăng mạnh hơn so với những tháng đầu năm. Điều này ta có thể dễ dàng thấy qua việc các công ty BĐS rầm rộ tung ra sản phẩm cho phân khúc cao cấp như: Xi Riverside, Saigon Pearl-Sapphire Tower...
Tuy nhiên, những tháng cuối năm cũng “nở rộ” rất nhiều sản phẩm trong phân khúc cao và trung cấp như: Vincom Center, A&B Tower, Bitexco Finance Tower ở TP HCM, và Capital Tower,Vincom Royal City, The Pride ở Hanoi. Điều đó cũng mang lại niềm tin cho chúng ta rằng cung sẽ lớn hơn cầu trong phân khúc này.
Hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp BĐS lên sàn, điều này liệu có tác động như thế nào tới xu hướng thị trường?
Việc các công ty BĐS dồn dập lên sàn cũng giống như 2 mặt của một “lưỡi dao” vậy. Vừa tốt mà vừa xấu, nếu không cẩn thận sẽ dễ dàng đứt tay. Một mặt nào đó nó ảnh hưởng tới toàn thị trường, làm chậm lại sự phục hồi, đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay nguồn vốn đầu tư vào BĐS nói riêng, thị trường nói chung đang chững lại và chưa có nhiều dấu hiệu vào sự tăng trở lại.
Mặt khác, điều này tốt cho nhà đầu tư vì có thêm nhiều lựa chọn. Trong thời gian dài hạn, những công ty lên sàn với thông tin minh bạch thì thường đi liền với hiệu quả đầu tư triển vọng hơn. Kế hoạch niêm yết ngoài việc nâng đỡ TTCK phát triển, còn giúp doanh nghiệp BĐS có thêm một kênh thu hút vốn đầu tư và đem lại tăng trưởng tốt, bền vững cho nền kinh tế.
Như vậy, cổ phiếu BĐS có thể sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường trong những tháng cuối năm?
Cổ phiếu BĐS là nhóm ngành chịu sự tác động trực tiếp từ nền kinh tế vĩ mô và có mức vốn hóa chiếm tới 15% toàn thị trường chứng khoán, trong thời gian tới con số chắc hẳn sẽ không dừng ở đó, khi có nhiều doanh nghiệp BĐS đồng loạt lên sàn. Và việc này có thể tin được rằng cổ phiếu BĐS có nhiều khả năng sẽ dẫn dắt thị trường trong những tháng cuối năm.
Ngoài ra, từ sự theo dõi nhiều năm, tôi nhận thấy trong điều kiện kinh tế không quá nhiều biến động thì thị trường BĐS nửa năm cuối thường sôi động hơn những tháng đầu năm. Mặc dù hiện tại nền kinh tế vẫn còn tồn tại những rủi ro nhưng vẫn đang ở đà phát triển tốt hơn so với năm trước. Đặc biệt, với niềm tin lãi suất sẽ giảm, tín dụng sẽ tăng và doanh nghiệp BĐS sẽ có khả năng đẩy mạnh đầu tư và doanh thu, tôi tin là thị trường BĐS những tháng cuối năm sẽ tốt hơn nửa đầu năm. Vì vậy, có khả năng cao là cổ phiếu BĐS sẽ dẫn dắt thị trường trong những tháng cuối năm.
Ngoài ra, theo bà, đâu sẽ là lực đỡ cho TTCK VN trong những tháng cuối năm?
Những thông tin tích cực như tín dụng sẽ tăng, lãi suất giảm nhiệt, dòng tiền sẽ được lưu thông mạnh mẽ hơn chính là động lực tốt cho kinh tế Việt Nam nói chung và TTCKVN nói riêng.
Bên cạnh đó, lực đỡ còn đến từ nhu cầu thực tế của các ngành vào 2 quý còn lại của năm, ngoài BĐS, còn ngành vật liệu cơ bản và tiêu dùng. Chắc chắn những tháng cuối năm, tâm lý chung của người dân là sửa sang nhà cửa, mua sắm nhà cũng như các thiết bị khác…vì vậy tiêu dùng, BĐS, vật liệu cơ bản sẽ là lực đẩy mạnh mẽ cho TTCK những tháng cuối năm.
Bà có lời khuyên nào cho nhà đầu tư khi lựa chọn cổ phiếu để đầu tư?
Một thực tế không thể phủ nhận, gần đây nhiều nhà đầu tư đang chạy theo “mốt” săn cổ phiếu chuẩn bị và mới lên sàn. Điều này dẫn đến đẩy giá một số cổ phiếu đó lên mức cao hơn rất nhiều so với những công ty cùng ngành đã niêm yết trên sàn từ trước. Và họ cũng may mắn kiếm được một khoản kha khá nếu nhanh tay chốt lời và tận dụng cơ hội. Tuy nhiên, đầu tư có tính chất cơ bản, hướng trung và dài hạn sẽ bền hơn. Vì vậy tôi khuyến cáo các nhà đầu tư khi cân nhắc đầu tư dù là trong ngắn hạn hay dài hạn, bên cạnh các yếu tố khác, cũng nên để tâm đến những yếu tố cơ bản của từng công ty. Như vậy, khi những làn sóng đầu cơ đi qua, họ vẫn có thể tiếp tục đầu tư trong thời gian dài hơn và những công ty có cơ bản tốt sẽ đem lại kết quả thu nhập, lợi nhuận cao trong tương lai.
(Theo Stocknews)