Tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu cùng với những chính sách tiền tệ đã ảnh hưởng tới các doanh nghiệp bất động sản.
Tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu cùng với những chính sách tiền tệ đã ảnh hưởng tới các doanh nghiệp bất động sản.
Theo ông Nguyễn Đăng Nam, Tổng giám đốc Tập đoàn phát triển nhà và đô thị (HUD), chưa bao giờ các doanh nghiệp trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản lại gặp nhiều khó khăn như trong gian đoạn hiện nay với nhiều tác động kép.
Ông cho Nam rằng, những ảnh hưởng khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu còn chưa chấm dứt, tình hình lạm phát tăng cao, chi phí xây dựng biến động, việc huy động vốn đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn trong điều kiện thắt chặt chính sách tài khóa của Nhà nước và chính sách tiền tệ của Ngân hàng và đặc biệt là lãi suất ngân hàng nhà nước tăng cao ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của sản phẩm và tình trạng suy giảm, đóng băng của thị trường bất động sản trong cả nước.
Dưới góc độ của doanh nghiệp kinh doanh đầu tư bất động sản, ông Nam cũng đã đưa ra vấn đề còn tồn tại của thị trường bất động sản Việt Nam.Tình trạng suy giảm, đóng băng thị trường bất động sản hiện nay xảy ra tại tất cả các phân khúc thị trường, nhưng thực tế xảy ra một phần tư dư thừa nguồn cung các sản phẩm bất động sản cao cấp tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tạo nên hiệu ứng kép theo suy giảm của tất cả các phân khúc khác.
Trong khi đó, nhu cầu về nhà ở đối với mức giá phù hợp phục vụ người thu nhập trung bình, người thu nhập thấp tại các đô thị còn rất lớn. Đây là phân khúc thị trường cần được đặt biệt quan tâm, tạo nguồn cung ổn định đáp ứng nhu cầu của xã hội đòi hỏi sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp.
Chính sách thắt chặt chính sách tiền tệ của ngân hàng với việc giới hạn tỷ trọng dư nợ tín dụng phi sản xuất (bao gồm cả lĩnh vực bất động sản) trong tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng đã tác động đến các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản.
Đồng quan điểm, ông Dương Khánh Toàn, Tổng giám đốc Tập đoàn Sông Đà, cũng cho rằng, lãi suất vay quá cao, các công trường phải làm cầm chừng, khấu hao thiết bị xe và máy. Trong khi đó, sản phẩm mang lại lợi nhuận cao cho tập đoàn những năm qua là kinh doanh nhà và đô thị thì hiện tại gặp rất nhiều thách thức do sự đóng băng của thị trường và chính sách tài chính thắt chặt. Hiệu quả đầu tư đạt thấp một phần cũng do kế hoạch được xây dựng từ cuối năm 2010 chưa lường được những khó khăn xảy ra.
Ở lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, ông Lê Văn Chung, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (ViCem), cho rằng, bối cảnh hiện nay còn khó khăn hơn cả thời kỳ kinh tế khủng hoảng năm 2008, bởi thời kỳ đó doanh nghiệp còn nhìn thấy động lực để sản xuất kinh doanh, còn hiện nay doanh nghiệp "không thể làm gì được".
Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu của các doanh nghiệp đã giảm mạnh. Tập đoàn Sông Đà doanh thu chỉ đạt 49%, ở mức 27.679 tỷ đồng; giá trị đầu tư đạt 44%, ở mức 4.566 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 18% kế hoạch năm, tương đương với 560 tỷ đồng.
Theo báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm của VICEM, lợi nhuận chỉ còn 314 tỷ đồng. Tính đến hết ngày 30/06, tổng sản phẩm tồn kho là 1,35 triệu tấn, trong đó clinker 1,02 triệu tấn, xi măng bột 0,3 triệu tấn.
Ông Nam Tổng giám đốc Tập đoàn phát triển nhà và đô thị (HUD), cũng đề xuất với Bộ Xây dựng các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như xem xét các tiêu chí điều kiện cụ thể tiếp tục cho vay đối với các dự án bất đống sản đang triển khai dở dang, phục vụ đối tượng thu nhập thấp, nhà ở cho người có thu nhập trung bình. Đồng thời kiến nghị các cơ quan chức năng hoàn thiện cơ chế chính sách để phát triển thị trường.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cho biết, Bộ Xây dựng sẽ đưa ra những tiêu chí, cũng như phát hiện những bất hợp lý để đề xuất Ngân hàng Nhà nước xem xét điều chỉnh. Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục thực hiện các giải pháp tập trung kiềm chế lạm phát, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách nhà nước.
Nguyễn Khang - Duy Anh