Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, đội ngũ doanh nghiệp kinh doanh BĐS ở Việt Nam đang phát triển nhanh chóng nhưng còn thiếu chuyên nghiệp, quy mô nhỏ bé.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, đội ngũ doanh nghiệp kinh doanh BĐS ở Việt Nam đang phát triển nhanh chóng nhưng còn thiếu chuyên nghiệp, quy mô nhỏ bé.
Luật Kinh doanh BĐS quy định vốn pháp định chỉ 6 tỷ đồng, trừ chi phí hình thành văn phòng, mua sắm ôtô, trả lương… thì còn lại chưa đủ mua một căn hộ trung bình ở Hà Nội (7 – 8 tỷ đồng).
Trong khi đó, luật pháp chưa có những quy định để sàng lọc các tay chơi nghiệp dư, không đủ năng lực tài chính nhằm khuyến khích các doanh nghiệp hội tụ lại với nhau thành những doanh nghiệp lớn có đầy đủ năng lực chuyên môn, kiến thức và tài chính.
Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, trong 10 năm qua, thị trường bất động sản ( BĐS) Việt Nam đã có bước phát triển tích cực. Cả nước hiện có hơn 2.500 dự án nhà ở, khu đô thị mới và dự án kinh doanh BĐS khác với diện tích đất khoảng 80.000 ha. Quỹ nhà ở toàn quốc tăng thêm hơn 700 triệu m2 (trung bình 70 triệu m2/năm), riêng nhà ở khu vực đô thị tăng thêm khoảng 225 triệu m2.
Ngoài ra, lĩnh vực kinh doanh BĐS còn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài với gần 500 dự án BĐS có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (số vốn đăng ký hơn 40 tỷ USD), tập trung vào các khu resort nghỉ dưỡng, khách sạn... Mức tăng trưởng tín dụng trong hoạt động kinh doanh BĐS tương đối ổn định, tính đến tháng 7, tổng dư nợ cho vay BĐS đạt khoảng 210.770 tỷ đồng (tương đương 10 tỷ USD), tăng 14,38% so với thời điểm cuối năm 2009, tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.
Cũng theo ông Nguyễn Trần Nam, để khắc phục những bất cập nêu trên đòi hỏi lĩnh vực phát triển nhà ở và thị trường BĐS Việt Nam cần bổ sung và hoàn thiện về cơ chế, chính sách, đồng thời đổi mới phương thức quản lý, điều hành, nâng cao vị thế, vai trò của các thành phần kinh tế khi tham gia thị trường BĐS, từng bước đưa thị trường BĐS phát triển bền vững.
Duy Khánh