Đứng trước nhiều khó khăn tại thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp đồ gỗ, nội thất Việt Nam nỗ lực "tái chiếm" thị trường nội địa.
Đứng trước nhiều khó khăn tại thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp (DN) đồ gỗ, nội thất Việt Nam nỗ lực "tái chiếm" thị trường nội địa.
Ông Đặng Quốc Hùng - Phó chủ tịch Hiệp hội gỗ TP.HCM (Hawa) - cho biết: “Dự báo năm 2012, thị trường xuất khẩu truyền thống vẫn chưa khởi sắc, thậm chí còn ảm đạm hơn nên thị trường trong nước là lối thoát cho DN ngành gỗ, trang trí nội ngoại thất. Đồ gỗ VN hiện chỉ chiếm hơn 50% thị trường nội địa, lại chủ yếu là hàng của cơ sở nhỏ, hộ gia đình. Nhưng nếu có đủ vốn và tổ chức sản xuất, phân phối tốt hơn thì các DN hoàn toàn có thể chiếm lĩnh thị trường trong nước”.
Theo ông Điền Quang Hiệp - Giám đốc Công ty đồ gỗ Mifaco, việc quay về thị trường nội địa sẽ giúp DN đa dạng thị trường, tránh phụ thuộc vào một vài thị trường để hạn chế rủi ro. Đây là giải pháp lâu dài cho DN gỗ, vì đơn hàng trong nước giá cao hơn hàng xuất khẩu. Ông Tiến nói: “Từ khi quay về thị trường nội địa thì tình hình kinh doanh của công ty tôi tốt hơn hẳn”. Một tín hiệu vui cho DN gỗ, nội thất trong nước là các nhà phân phối trước đây luôn nhập hàng ngoại, nay đã “săn hàng” trong nước. Ông Hiệp tin rằng đồ gỗ, nội thất VN đã ra được thị trường thế giới thì không có lý do gì không chinh phục được thị trường nội địa. Vấn đề là DN có quyết tâm hay không. Bởi bản chất của việc này là do trước đây khi thị trường xuất khẩu thuận lợi nên các DN không quan tâm các đơn hàng nhỏ trong nước. Nay thị trường xuất khẩu khó khăn, thị trường trong nước đã đủ lớn, đủ hấp dẫn để DN xuất khẩu quay về và chắc chắn sẽ chiếm lĩnh được.
Nói là vậy nhưng việc quay về không hề đơn giản. Theo ông Hùng, DN cần tổ chức lại khâu sản xuất, cải tiến mẫu mã sản phẩm cho phù hợp thị hiếu trong nước. DN cần dựa vào thực lực của mình chứ không nên dựa vào tình cảm, mối quan hệ cá nhân để bán hàng. Khó khăn lớn nhất của DN xuất khẩu khi tiếp cận thị trường nội địa là hệ thống phân phối quá manh mún. Yêu cầu thực tế đặt ra cần có công ty chuyên về phân phối. Đơn vị này sẽ đảm nhận việc nghiên cứu thị trường, thiết kế mẫu mã và đặt hàng cho DN sản xuất để phân phối. Doanh nghiệp cần bỏ tư tưởng làm từ A-Z, vừa sản xuất, thiết kế đến bán hàng thì không đạt hiệu quả.
Ông Vũ Văn Anh - Giám đốc truyền thông Công ty phân phối nội thất cao cấp Vietmay Depot thuộc Hoàng Anh Gia Lai - cho biết: “Có DN xuất khẩu rất mạnh nhưng khi về thị trường nội địa thì khó khăn vì không có hệ thống phân phối đúng nghĩa. Doanh số nội thất VN hiện nay đạt 3 tỉ USD/năm nhưng phần lớn thuộc về công ty nước ngoài hoặc hộ gia đình. Các tập đoàn nước ngoài với tiềm lực tài chính mạnh, hệ thống phân phối chuyên nghiệp cũng nhận ra cái thiếu của ngành đồ gỗ, nội thất nước ta là hệ thống phân phối nên họ đang dòm ngó thị phần này. Nếu không nhanh chóng xây dựng kênh phân phối, không chỉ khó chiếm lại thị trường trong nước, ngay cả lĩnh vực dịch vụ "ngon ăn" này cũng có nguy cơ rơi trọn vào tay doanh nghiệp nước ngoài”.
(Theo Thanh Niên)