Doanh nghiệp 3 miền liên tiếp chạy đua thưởng tết khiến mức thưởng năm nay phá ngưỡng năm ngoái dù tình hình kinh tế chung được đánh giá là nhiều khó khăn
Doanh nghiệp 3 miền liên tiếp chạy đua thưởng tết khiến mức thưởng năm nay phá ngưỡng năm ngoái dù tình hình kinh tế chung được đánh giá là nhiều khó khăn.
Mức thưởng Tết “khủng” năm nay vẫn thuộc về khối doanh nghiệp FDI và mức thưởng Tết Dương lịch còn cao hơn cả Tết Nguyên đán.
TP.HCM dẫn đầu với mức thưởng lên tới 1,1 tỷ một người
Ngày 26.12, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Tp.HCM có báo cáo nhanh về tình hình tiền lương năm 2011 và kế hoạch thưởng Tết 2012.
Theo đó, mức thưởng Tết cao nhất tại thành phố này thuộc về khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Cụ thể, mức thưởng Tết Dương lịch cao nhất là 700 triệu đồng và mức thưởng Tết Nguyên đán là 400 triệu đồng. Mức thưởng Tết thấp nhất trong các doanh nghiệp FDI là 611.000 đồng/người và mức bình quân chung là 3,89 triệu đồng/người.
Đối với doanh nghiệp vốn 100% nhà nước, mức thưởng Tết Dương lịch cao nhất là 33,7 triệu đồng/người, mức thưởng bình quân là 3 triệu đồng/người. Tết Nguyên đán ở khối doanh nghiệp nhà nước thưởng cao nhất là 130 triệu đồng/người, bình quân 8,2 triệu đồng/người.
Doanh nghiệp cổ phần có vốn góp nhà nước mức thưởng cao nhất 356 triệu đồng/người và mức bình quân là 11,281 triệu đồng/người.
Các doanh nghiệp dân doanh mức thưởng cao nhất là 88,25 triệu đồng/người, thấp nhất 910.000 đồng/người.
Kết quả tổng hợp cũng cho thấy, mức thưởng cao nhất năm nay tại TP.HCM vẫn thuộc về các ngành ngân hàng, chế tạo thiết bị lạnh, sản xuất sữa và kinh doanh địa ốc. Ngược lại, các doanh nghiệp sản xuất với quy mô nhỏ, các doanh nghiệp thâm dụng lao động trong ngành may mặc, da giầy vẫn có mức thưởng thấp, chủ yếu là một tháng lương cơ bản.
Ông Lê Thành Tâm, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết, có 148 doanh nghiệp cho biết gặp nhiều khó khăn trong việc trả lương, thưởng Tết năm nay. Tuy nhiên, hiện tại Sở chưa nhận được thông tin nào về việc doanh nghiệp không có thưởng.
Hà Nội, "ngậm ngùi" cao nhất chỉ hơn... 67 triệu một người
Theo thống kê của Sở LĐTB&XH Hà Nội, hiện nay trên địa bàn thành phố này có hơn 117.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 97.000 doanh nghiệp trong nước, còn lại là doanh nghiệp FDI.
Ông Phạm Văn Thanh, Trưởng phòng Chính sách lao động, Sở LĐTB&XH Hà Nội cho biết, nhìn chung mức thưởng năm nay có giảm so với năm ngoái. Tuy nhiên, từ 1/10, Chính phủ quyết định nâng mức lương tối thiểu lên 2 triệu đồng đối với vùng 1, do vậy, mức lương bình quân của người lao động đã được tăng đáng kể.
Theo báo cáo nhanh của Sở LĐTB&XH Hà Nội, mức thưởng Tết cao nhất năm 2011 của các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội là 67,3 triệu đồng, thuộc về một doanh nghiệp tư nhân.
Cụ thể, khối doanh nghiệp tư nhân đang có mức thưởng cao nhất là 67,343 triệu đồng/người, thấp nhất là 450 ngàn đồng/người.
Ở khối doanh nghiệp FDI, mức thưởng Tết giảm so với năm ngoái, mức thưởng bình quân của doanh nghiệp khối này trên 4,2 triệu đồng/người; mức cao nhất gần 60 triệu đồng/người và thấp nhất là 200 ngàn đồng.
Khu vực doanh nghiệp Nhà nước, mức thưởng Tết bình quân hơn 3,7 triệu đồng/người, tăng 4,5% so với năm 2010. Mức thưởng cao nhất là trên 22 triệu đồng/người và thấp nhất là 300 ngàn đồng/người.
Ông Đinh Thắng, cán bộ phòng Lao động Chính sách tiền lương - Sở LĐ-TB-XH Hà Nội cho biết, để tổng hợp được mức thưởng tết này, Sở đã gửi công văn đến hơn 200 doanh nghiệp đại diện cho 3 loại hình doanh nghiệp trên địa bàn nhưng chỉ có khoảng 110 doanh nghiệp báo cáo phản hồi. Thực tế, các doanh nghiệp có phản hồi hầu hết là những doanh nghiệp có “gốc gác” từ một doanh nghiệp nhà nước, đây đều là những doanh nghiệp lớn, sử dụng nhiều lao động và ít nhiều vẫn được trợ cấp từ ngân sách nhà nước. Trong khi đó, các doanh nghiệp dân doanh chính là những doanh nghiệp khó khăn nhất thì hầu hết không có phản hồi, một số chỉ thông báo là chưa dự kiến mức thưởng hoặc không có thưởng tết. Ngay cả những doanh nghiệp lớn nhưng hoạt động trong lĩnh vực làm ăn thua lỗ hoặc hết sức khó khăn trong bối cảnh kinh tế năm 2011 như chứng khoán, bất động sản-nhà đất, xây dựng… cũng hầu hết không có báo cáo phản hồi. Thực chất người lao động làm việc ở các doanh nghiệp này đa phần sẽ không có thưởng Tết.
Mặt khác, tuy mức thưởng không giảm hoặc chỉ giảm nhẹ so với năm 2010, tuy nhiên trong bối cảnh giá cả, lạm phát năm 2011 tăng cao so với năm 2010 thì tính theo giá trị, mức thưởng này đã có sự sụt giảm đáng kể. Hơn nữa, nhóm có mức thưởng tết cao nhất, lên đến vài chục triệu đồng đều tập trung vào các cán bộ cấp cao và chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ, trong khi người lao động nghèo là những người mong chờ vào thưởng tết nhất thì lại là những người được thưởng ít nhất. Báo cáo từ các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Nội Bài, Sóc Sơn…, vẫn có đến 5-7% số công nhân mức thưởng tết dưới 500.000 đồng, thấp nhất là 200.000 đồng.
Đà Nẵng cũng "lép vế" với đỉnh ở mức 75 triệu một người
Kế hoạch thưởng Tết năm 2012 của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn TP Đà Nẵng có mức thưởng thấp nhất cho công nhân và người lao động là 100.000 đồng và cao nhất là 75 triệu đồng. Theo báo cáo của Sở Lao động Thương binh - Xã hội TP Đà Nẵng, tính đến ngày 26/12, đã có 65 doanh nghiệp (DN) (10 DN có 100% vốn nhà nước, 35 DN có cổ phần vốn góp nhà nước, 10 DN dân doanh, 10 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) bao gồm công nghiệp xây dựng và thương mại dịch vụ) có báo cáo về tiền lương năm 2011 và thưởng Tết dương lịch và tết Nguyên đán 2012.
Về tiền lương năm 2011, trong các DN báo cáo về Sở có 10 DN 100% vốn nhà nước có mức lương thấp nhất là 1,8 triệu đồng, cao nhất trên 17,6 triệu đồng, mức lương bình quân 4,6 triệu đồng. Kế hoạch thưởng tết dương lịch 2012 của khối DN này thấp nhất là 100 ngàn đồng, cao nhất với mức thưởng 17 triệu đồng/người, mức thưởng bình quân 2 triệu đồng/người. Kế hoạch thưởng tết Nguyên đán của khối DN này thấp nhất là 2 triệu đồng, cao nhất là 30,5 triệu đồng, bình quân 6 triệu đồng/người.
Khối DN có cổ phần vốn góp nhà nước có mức lương thấp nhất là 1,2 triệu đồng, cao nhất là 50 triệu đồng, bình quân 3,897 triệu đồng. Kế hoạch thưởng tết dương lịch 2012 đối với khối DN này thấp nhất là 100 ngàn đồng, cao nhất là 20 triệu đồng, bình quân 3,626 ngàn đồng/người. Kế hoạch thưởng tết Nguyên đán của khối DN này thấp nhất là 500 ngàn đồng, cao nhất là 75 triệu đồng, bình quân trên 4,4 triệu đồng/người.
Về khối DN dân doanh, khối này có mức lương năm 2011 thấp nhất là 1,3 triệu đồng, cao nhất là 64,187 triệu đồng, bình quân 3,928 triệu đồng. Kế hoạch thưởng tết dương lịch 2012 của khối DN này thấp nhất là 100 ngàn đồng, cao nhất hơn 12,9 triệu đồng, bình quân hơn 1 triệu đồng/người. Kế hoạch thưởng tết Nguyên đán của khối DN này thấp nhất là 500 ngàn đồng, cao nhất là hơn 21 triệu đồng, bình quân trên 3,184 triệu đồng/người.
Cao ngất ngưởng và chênh lệch tột cùng do đâu?
Có thể nói, thưởng Tết, không chỉ là nguồn thu nhập cuối năm mà người lao động trông chờ mà nó còn là một mặt phản ánh của hiện thực sản xuất kinh doanh trong nước. Đồng thời, qua đó có thể thấy khoảng cách về thu nhập và đời sống của những người lao động trong xã hội ngày càng dãn ra. Như mức thưởng Tết năm nay, mức “đỉnh” 700 triệu đồng so với mức “đáy” 200 ngàn đồng, mức chênh lệch lên tới 3.500 lần cũng là điều đáng suy ngẫm.
Theo PGS-TS Trần Văn Thiện - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển nguồn nhân lực (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), sở dĩ có tình trạng trên là vì những nguyên nhân:
1/ Vị thế kinh doanh, mức lợi nhuận của các loại hình DN trên thị trường rất khác nhau.
2/ Quan điểm, cách nhìn của lãnh đạo DN về chính sách lương - thưởng khác nhau.Nơi nào xem tiền lương, tiền thưởng như là một khoản chi phí thì thường lương thấp, thưởng ít. Ngược lại nơi nào xem lương - thưởng như là một khoản đầu tư phát triển nguồn nhân lực giúp cho DN phát triển bền vững thì lương cao, thưởng nhiều.
3/ Vai trò, hiệu quả tác động của Công đoàn trong việc trả lương, thưởng tết ở các DN rất khác nhau. Thậm chí rất nhiều DN không có Công đoàn nên chủ DN đã rất tùy tiện trong trả lương, trả thưởng miễn sao không vi phạm các quy định của luật pháp là được.
4/ Mức lương, thưởng tết trong một số trường hợp được chủ DN trả cao hay thấp còn tùy thuộc vào "giá trị, vị thế" của loại lao động đó trên thị trường như thế nào.
5/ Việc quy định mức thưởng tết bao nhiêu hiện nay luật pháp rất khó có căn cứ để đưa ra mức bắt buộc. Vì vậy, khi DN nếu không vi phạm luật định thì sự can thiệp của chính quyền là rất khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Dân - Trưởng phòng Lao động - Tiền công (Sở LĐ-TB-XH TP.HCM) cho biết, nếu DN đã công bố mức thưởng, thời gian trả thưởng thì phải thực hiện đúng cam kết. Trường hợp gặp khó khăn, DN phải thông qua Công đoàn cơ sở lấy ý kiến của tập thể lao động để thỏa thuận lại mức thưởng. Nếu DN nợ lương kéo dài quá 1 tháng và không trả thưởng đúng cam kết, công nhân có thể phản ánh trực tiếp về Thanh tra Sở LĐ-TB-XH TP qua số điện thoại: 083.8344357 |
Nguyễn Mạnh (T.H)