Ngành thép hoang mang vì tiêu thụ chậm, lỗ cuối năm "ăn" hết lãi
đầu năm. Đã có chuyện doanh nghiệp bán phá giá nhau, dẫn tới kiện cáo
nội bộ. Chấp nhận khó khăn còn kéo dài, phải tự cứu mình trước là thông
điệp chung của cộng đồng doanh nghiệp ngành này.
Ngành thép hoang mang vì tiêu thụ chậm, lỗ cuối năm "ăn" hết lãi đầu năm. Đã có chuyện doanh nghiệp bán phá giá nhau, dẫn tới kiện cáo nội bộ. Chấp nhận khó khăn còn kéo dài, phải tự cứu mình trước là thông điệp chung của cộng đồng doanh nghiệp ngành này.
Bán chậm, lỗ cuối năm ăn hết lãi đầu năm
Với mức tăng trưởng dự kiến âm 7,69%, năm 2011 sẽ lả năm đặc biệt khó khăn của ngành thép. Tại cuộc họp mới đây tại Bộ Công Thương, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, tính đến nay, tổng tiêu thụ thép đã giảm gần 10%. Những chính sách cắt giảm đầu tư công, cắt giảm chi tiêu, ngân hàng siết chặt tín dụng khiến cho các dự án bất động sản đóng băng, kéo theo, ngành vật liệu xây dựng như thép chịu ảnh hưởng rất lớn.
Đầu năm, ngành thép còn đang tiêu thụ tốt, nhưng sau khi Nghị quyết 11 ra đời, tiêu thụ sản phẩm ngành thép bắt đầu giảm dần.
Ông Chủ tịch Hiệp hội Thép tính toán, hiện nay, thép giảm giá 200.000-300.000 đồng/tấn. Giá thép bán tại nhà máy không kể VAT ước khoảng 15 triệu đồng/tấn trong khi gia phôi trên 14 triệu đồng/tấn. Đáng ra, để hòa vốn, sản phẩm thép phải bán giá 15,5 triệu đồng/tấn. Như vậy, hiện nay các doanh nghiệp đều đang phải chịu lỗ.
"Bên cạnh đó, lãi suất vay cao như hiện nay thì không doanh nghiệp nào có thể trả nợ, hay tiếp cận được vốn. Doanh nghiệp thép lãi được 10% là mừng lắm rồi, nhưng hiện tại lãi vay là 20%, thậm chí hơn thì chỉ có lỗ", ông Cường cho biết.
"Nếu 3 tháng nữa, tình hình thị trường vẫn thế này toàn bộ lãi của doanh nghiệp thép ở giai đoạn đầu năm sẽ trở về con số 0 hoặc sẽ "âm" vốn. Đây là hiện tượng đã lặp lại 2-3 năm nay trong ngành, cứ vài tháng đầu năm các doanh nghiệp lãi lớn, đến cuối năm lại âm vốn và có thể chịu lỗ tới cả năm sau", ông Phạm Chí Cường lo lắng.
Cho đến nay, mặc dù chưa có doanh nghiệp thép nào công bố phá sản, nhưng thực tế doanh nghiệp không bán được hàng, dừng sản xuất đã có. Ví dụ, công ty thép Vạn Lợi trong cuộc họp Đại hội đồng Cổ đông gần đây đã tuyên bố bán cơ sở của mình.
Phá giá cả trong thị trường nội địa
Theo câu chuyện của ông Phạm Chí Cường, thị trường thép đang xuống dốc một cách thảm hại trong khi các doanh nghiệp thì hoang mang và thậm chí, đã cạnh tranh không lành mạnh.
Phía xuất khẩu, 2 sản phẩm chính là thép cuộn cán nguội xuất sang Indonesia đã bị kiện bán phá giá, ống thép mới đây nhất cũng bị kiện bán phá giá tại Mỹ. Không dừng lại ở đó, có thể sản phẩm tráng tôn, mạ kẽm cũng bị kiện.
Tại thị trường trong nước, đã xuất hiện hiện tượng bán phá giá ở một vài doanh nghiệp nên đã lỗ còn lỗ thêm. Nhu cầu chung về xây dựng của nền kinh tế không cao nên doanh nghiệp có giảm giá bán cũng không thể tăng lượng bán được là bao. Khi không xuất khẩu được, doanh nghiệp trong nước không có sự bàn bạc chia sẻ khó khăn chung, chia sẻ thị phần, nên giá cả chào các đối tác rất khác nhau, dẫn tới những kiện cáo trong nội bộ các đơn vị.
Trong ngành, những đơn vị mạnh, sở hữu công nghệ lò cao như Tổng công ty Thép Việt Nam, công ty Thép Hòa Phát thì còn có thể vận hành tốt, do có đủ nguyên liệu, vốn. Còn các công ty khác như Vạn Lợi, Đình Vũ đều đã cạn kiệt nguyên liệu đầu vào, sản xuất cầm chừng. Khi chỉ có vài doanh nghiệp có lò cao mua quặng nên ngay cả việc bán quặng sắt ở các địa phương cũng rất khó.
Ông Nghiêm Xuân Đa, Phó Tổng giám đốc Tổng công Thép Việt Nam cho hay, 10 tháng đầu năm, lượng tiêu thụ thép của tổng công ty đã giảm 2,7% so với cùng kỳ, là mức giảm sút đáng kể. Trong đó, thép xây dựng giảm giảm 6,7% so với cùng kỳ. 10 tháng qua, 50% đơn vị trong Tổng công ty Thép chỉ đạt 60% kế hoạch sản xuất năm, nhiều đơn vị phải điều chỉnh kế hoạch 2011 và hiện đã có 3 đơn vị bị lỗ.
Vị Phó Tổng giám đốc này băn khoăn: "Mặc dù phía Ngân hàng Nhà nước đã có chính sách giảm lãi suất huy động, cho vay nhưng thực tế chúng tôi không thấy giảm. Hiện, lãi suất đi vay vẫn hơn 20%/năm chứ không có chuyện đã xuống 17-19%".
Khả năng tiếp cận vốn nói chung vẫn rất hạn chế vì các ngân hàng chọn lọc khách để tránh tăng trưởng tín dụng.
"Bên cạnh đó là khó khăn ngoại tệ vẫn còn là nỗi lo lớn cho doanh nghiệp. Hai ngày hôm nay, thị trường ngoại tệ lại đóng băng do bị kiểm soát gắt gao. Hiện, trên thị trường đã xuất hiện tình trạng hai tỷ giá khiến cho chi phí vốn của các đơn vị tăng cao lên. Trong 10 tháng, chúng tôi có lãi nhưng có thể chênh lệch tỷ giá trong quý 4 sẽ vét hết khoản lãi này", ông Đa nói.
Giảm sản xuất để tự cứu mình trước
Rất thẳng thắn và điềm tĩnh, ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát, bày tỏ: "Khó khăn cho ngành thép sẽ còn kéo dài nữa. Vì những chính sách của Chính phủ theo Nghị quyết 11 là đúng và sẽ còn duy trì trong thời gian dài tới, thị trường bất động sản đi xuống là do vài năm trước tăng trưởng quá nóng nên cũng sẽ không thể phục hồi nhanh trong ngắn hạn. Nhu cầu giảm nên nguy cơ thép thừa là có".
Theo ông Dương, chúng ta phải học theo thế giới, phải tiết giảm sản lượng cho phù hợp thị trường đang bị thu hẹp. Thep Hòa Phát chiếm thị phần lớn thứ hai ở Việt Nam nhưng hiện cũng chỉ chạy 80% công suất. Co hẹp sản xuất lúc này vừa là để giảm tồn kho, vừa giảm được chi phí năng lượng, tài chính...
Ông Nghiêm Xuân Đa cũng đồng tình cho rằng, các doanh nghiệp cần tiếp tục khảo sát mở rộng thị trường xuât khẩu để hỗ trợ cho phần nội địa bị giảm, đồng thời, tranh thủ tái cấu trúc chính mình, sắp xếp lại các cơ sở lưu thông thép để tiết giảm chi phí.
Trong khi đó, ông Hoàng Văn Tòng, Chủ tịch Công ty Gang thép Thái Nguyên cũng cho hay, tiêu thụ thời gian qua của đơn vị chỉ bằng 70-71%. Chúng tôi bắt buộc phải giảm giá thành, từ đầu năm đến nay đã tiết kiệm được tới 150 tỷ đồng so với giá thành kế hoạch đặt ra.
Ông Lê Minh Hải, Chủ tịch Công ty thép Việt Đức cho rằng, vấn đề bán phá giá thép trong nước phải được bàn sâu, kỹ. Hiện chúng ta đang lỗ nên phải đi đến vấn đề mấu chốt là phải xây dựng mang lưới bán hàng. Các doanh nghiệp thép lớn nên thành lập nhóm G để bàn bạc và từ đó các công ty nhỏ sẽ theo nhóm G...Do mạng lưới phân phối hiện rất lủng củng, ai cũng chứng minh năng lực sản xuất cao và đưa ra giá không hợp lý. Việt Đức cho rằng, nên đưa ra mức giá có lợi nhuận nhất định.
Trước nhiều giãi bày của các doanh nghiệp, ông Nguyễn Mạnh Quân, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng chia sẻ, khó khăn về lãi suất cao thì Chính phủ đã có nhiều biện pháp. Nhưng phía chủ quan, ngành thép phải tính toán lập hàng rào kỹ thuật phù hợp với đặc thù trong nước, để cạnh tranh được với thép nhập khẩu. Nếu không là ngành sẽ rơi vào cảnh "chúng ta chặt chân chính mình". Các doanh nghiệp phải có đề xuất cụ thể để chúng tôi có tổng hợp hiệu quả.
Phía Bộ Công Thương sẽ cố gắng thương lượng tiếp với Ngân hàng Nhà nước để tháo gỡ cho các doanh nghiệp mặc dù, thép không thuộc diện ưu tiên ngoại tệ.
Năm 2012, tình hình sẽ không khá hơn ngay nên các doanh nghiệp thép phải có liệu liệu mà ứng phó.
"Đương nhiên, Chính phủ và bộ ngành sẽ phải tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tương lai ngành thép vẫn sáng sủa chứ không phải quá đen tối vì nhu cầu của sản phẩm này trong quá trình phát triển đất nước còn rất lớn, còn nhiều cơ hội phát triển. Mỗi doanh nghiệp cần có giải pháp cụ thể tùy đặc thù của riêng đơn vị mình, nhưng trên tinh thần chung là chấp nhận sắp tới còn khó khăn. Chúng ta phải tự trông mong vào sức mình là chính", Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang nhấn mạnh.
(Theo VEF)