Bên lề Hội thảo Cơ hội đầu tư vào các dự án xây dựng hạ tầng tại Việt Nam do Sứ quán và Thương vụ Ý vừa tổ chức tại Hà Nội, ông Marco Saladini - Tham tán Thương vụ Ý cho biết các doanh nghiệp Ý đang nỗ lực tìm kiếm cơ hội hợp tác, phát triển cơ sở hạ tầng tại thị trường nhiều tiềm năng này.
Bên lề Hội thảo Cơ hội đầu tư vào các dự án xây dựng hạ tầng tại Việt Nam do Sứ quán và Thương vụ Ý vừa tổ chức tại Hà Nội, ông Marco Saladini - Tham tán Thương vụ Ý cho biết các doanh nghiệp Ý đang nỗ lực tìm kiếm cơ hội hợp tác, phát triển cơ sở hạ tầng tại thị trường nhiều tiềm năng này.
PV: Được biết, tham gia hội thảo có nhiều doanh nghiệp Ý đang tìm kiếm cơ hội hợp tác và kinh doanh tại Việt Nam, ông có thể cho biết họ dành sự quan tâm đặc biệt tới các lĩnh vực nào?
Ông Marco Saladini: Buổi hội thảo do Thương vụ Ý (ITC) tổ chức với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Ý tại Hà Nội đầu tháng 10 này đã nhận được sự ủng hộ của nhiều doanh nghiệp. Họ quan tâm tới các cơ hội kinh doanh trong 3 lĩnh vực then chốt là giao thông, năng lượng và bảo vệ môi trường.
Chúng tôi đã khuyến khích doanh nghiệp Ý đầu tư vào thị trường Việt Nam bằng cách thiết lập mối quan hệ liên doanh hợp tác với các doanh nghiệp tại đây. Tại hội thảo, nhiều doanh nhân cũng tỏ ra lạc quan về sự hỗ trợ của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB). Tại hội thảo lần này, tuy mới chỉ có 6 doanh nghiệp Ý trực tiếp tới Việt Nam nhưng họ đã nhận được những tín hiệu tốt ở thị trường mới và đã có tiếp xúc trao đổi với gần 30 công ty bao gồm cả doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp có vốn đầu tư từ nước ngoài. Kết thúc hội thảo, sẽ có trên 80 buổi làm việc trực tiếp giữa doanh nghiệp Ý và các công ty của Việt Nam.
PV: Đại diện của Bộ Kế hoạch đầu tư cho rằng hợp tác với Ý tạo ra cơ hội lớn trong việc thực hiện các dự án giữa Nhà nước và tư nhân (PPP) tại Việt Nam. Riêng trong lĩnh vực giao thông vận tải, ông đánh giá cơ hội này như thế nào?
Ông Marco Saladini: Thời gian gần đây, ở Ý đã bùng nổ các kế hoạch tài trợ cho các dự án hạ tầng đang có kế hoạch mở rộng trong lĩnh vực môi trường, giao thông, năng lượng và nước. Nhiều công ty, tập đoàn kinh doanh trong các lĩnh vực này đã và đang thay đổi mô hình. Ý hiện có 5.400 km đường ô tô cao tốc (chiếm 78% tổng hệ thống đường sá) đang được vận hành trên cơ sở thu lệ phí cầu đường, hầu hết thông qua công ty Autostrade d’Italia, vốn là nhà khai thác lớn nhất tại châu Âu, giờ đây trở thành công ty kinh doanh của nhà nước.
Trong lĩnh vực năng lượng, nhiều nhà sản xuất năng lượng độc lập đang dần bổ sung cho các tập đoàn nhà nước lớn. Hệ thống xử lý nước và chất thải cũng đã được tư nhân hóa một phần. Tất cả những bước tiến này đã mang đến cho các tổ chức lập pháp, các công ty và tổ chức tài chính những kinh nghiệm sâu sắc hơn, vững bền hơn trong việc thiết lập và quản lý các dự án hạ tầng cơ sở. Đây là điều chúng tôi có thể chia sẻ với các bạn.
Tôi nghĩ rằng, chúng tôi đang có một sự khởi đầu đầy hứa hẹn tại Việt Nam. Riêng về GTVT, theo khảo sát của ITC, doanh nghiệp Ý rất quan tâm đến các dự án xe điện ngầm và đường cao tốc. Sau đó là kho vận, logistic... Trong những năm qua, nhiều công ty giao nhận hàng hóa của Ý đã thiết lập liên doanh hoặc văn phòng đại diện của mình để làm việc hiệu quả hơn tại Việt Nam.
PV: Xin ông cho biết một số kinh nghiệm của Ý trong việc thực hiện PPP. Theo ông, cần phải làm gì để có thể thu hút được dòng vốn của tư nhân vào các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông ở Việt Nam?
Ông Marco Saladini: Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ để rút ra những quy tắc minh bạch, hiệu quả hơn cho việc khởi động một số dự án hợp tác công - tư (PPP) thí điểm. Mặt khác, rõ ràng việc Chính phủ không muốn áp đặt mức thuế cao hay lệ phí cho người sử dụng là điều dễ hiểu.
Nhưng kết quả là chi phí đầu tư cho cơ sở hạ tầng và doanh thu từ thuế và lệ phí không khớp với nhau. Vì vậy, khoảng cách này cần được lấp đầy bởi một loại phí công nào đó. Một trong những vấn đề chính là phải xác định được, trong hoàn cảnh nào thì Chính phủ sẽ dành cho nhà đầu tư hạ tầng, cả trong và ngoài nước, sự đảm bảo và một số hỗ trợ tài chính để thu hẹp khoảng cách của dòng tiền đầu tư của dự án với lợi nhuận họ có được, tạo ra một môi trường ổn định và sẵn sàng chào đón nhà đầu tư nhằm khuyến khích họ vận hành tốt.
Tôi cho rằng, đây sẽ là một yếu tố quan trọng để doanh nghiệp nước ngoài đi tới quyết định đầu tư ở một đất nước xa xôi như Việt Nam. Tất nhiên, dựa trên tính năng cụ thể của mỗi dự án, nhà đầu tư sẽ xác định được mô hình hay kế hoạch đầu tư nào là phù hợp hơn.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.
(Theo GTVT)