Bộ Xây Dựng cũng đã có công văn đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét đề xuất này của Hiệp hội Bất Động Sản.
Bộ Xây Dựng cũng đã có công văn đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét đề xuất này của Hiệp hội Bất Động Sản. Tuy nhiên, trong bối cảnh chúng ta đang tập trung vào tái cơ cấu hệ thống ngân hàng liệu rằng đây có phải là thời điểm thích hợp để thành lập một ngân hàng mới?
Thời gian vừa qua, Bộ Xây Dựng đã có những động thái rất tích cực trong việc tìm kiếm giải pháp khơi thông thị trường bất động sản, huy động vốn để phát triển nhà ở cho người nghèo, người thu nhập thấp nhưng tiếc là những ý tưởng, đề xuất đó còn thiếu tính khả thi và chưa phù hợp với bối cảnh thị trường tại thời điểm đưa ra đề xuất.
Thứ nhất, thời điểm đề xuất thành lập Ngân hàng Xây dựng là chưa phù hợp bởi lẽ trong bối cảnh suy thoái kinh tế, một trong những mục tiêu quan trọng Chính phủ đặt ra là phải tái cơ cấu hệ thống kinh tế mà trong đó tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là rất quan trọng.
Hiện nay Việt Nam đang có tương nhiều ngân hàng trên thị trường. Trong đó có rất nhiều ngân hàng mới có tăng trưởng tín dụng kém, gặp khó khăn trong việc đảm bảo thanh khoản gây mất an toàn cho hệ thống. Sau một thời gian cấp phép thành lập Ngân hàng một cách ồ ạt, Ngân hàng Nhà nước đã phải ngừng cấp phép thành lập mới ngân hàng. Trong thời điểm rà soát lại hệ thống ngân hàng hiện nay, có lẽ chưa phải là thời điểm phù hợp để thành lập một ngân hàng mới.
Thứ hai, hiện nay hệ thống ngân hàng Việt Nam có tương đối nhiều ngân hàng huy động vốn và cấp tín dụng cho mục đích xây dựng. Bên cạnh hầu hết các ngân hàng thương mại đang cấp tín dụng cho các doanh nghiệp bất động sản, thì Việt Nam cũng có một số ngân hàng chuyên trách hỗ trợ cho mục tiêu xây dựng.
Ví dụ như Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB), Ngân hàng chính sách xã hội (VBSP) cũng có chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người nghèo, người thu nhập thấp theo diện chính sách. Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn (VBARD) cũng có dự án hỗ trợ xây dựng và cải tạo nhà ở do Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tài trợ.
Trong lĩnh vực bất động sản cũng đã có Ngân hàng phát triển nhà Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) và ngân hàng Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nhà Hà Nội (HABUBANK). Khi một hệ thống các ngân hàng hiện có như hiện nay, thì việc lập mới một ngân hàng xây dựng theo đề xuất của doanh nghiệp bất động sản có lẽ là chưa cần thiết. Chưa kể, sẽ khó có một ngân hàng nào chỉ giới hạn cho vay với các doanh nghiệp bất động sản bởi lẽ như vậy tăng trưởng tín dụng sẽ thấp đặc biệt khi các doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó khăn khi thị trường đóng băng như hiện nay.
Thứ ba, vào thời điểm thị trường bất động sản đang đóng băng như hiện nay, các doanh nghiệp bất động sản đang hoạt động cầm chừng, nhiều doanh nghiệp phải giảm giá sản phẩm để bán tháo, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn đứng trước nguy cơ phá sản thì e rằng việc thành lập Ngân hàng xây dựng vào thời điểm này là chưa hợp lý.
Hơn nữa, ngân hàng nhà nước đang có động thái hạ lãi suất khiến cho hoạt động huy động vốn từ người dân không còn trở nên hấp dẫn so với các loại hình đầu tư khác nên e rằng ngân hàng xây dựng đề xuất thành lập sẽ gặp khó khăn trong huy động vốn. Nếu như thị trường bất động sản đang trong giai đoạn phát triển thị vượng, thị trường không rơi vào suy thoái thì phù hợp hơn khi đề xuất thành lập ngân hàng mới.
Thứ tư, một băn khoăn nữa là về quản trị ngân hàng mới. Tôi không rõ là đơn vị nào sẽ góp vốn và tham gia quản trị ngân hàng mới này. Nếu là một Hiệp hội thì nhiệm vụ chính của họ là đại diện cho các doanh nghiệp thành viên chứ không phải là sở hữu một ngân hàng, bởi lẽ nếu Hiệp hội sở hữu một ngân hàng thì e rằng Hiệp hội sẽ rơi vào tình thế khó khăn khi quyết định ngân hàng xây dựng sẽ rót vốn cho thành viên này mà không phải là thành viên kia. Khi đó nguy cơ xảy ra xung đột lợi ích hiện hữu.
Nếu như Ngân hàng Xây dựng do các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội bất động sản góp vốn thành lập thì cũng bất hợp lý, bởi lẽ họ đang thiếu vốn, và gặp khó khăn trong thanh toán nợ ngân hàng thì lấy đâu tiền ra để đầu tư làm ngân hàng.
Ngay cả trong trường hợp, Ngân hàng Xây dựng được thành lập bởi một tổng công ty Nhà nước thuộc Bộ Xây Dựng thì có lẽ là không hợp lý khi đầu tư ngoài ngành của các doanh nghiệp nhà nước thời gian vừa qua đang bị báo động vì kém hiệu quả nhìn từ bài học nhãn tiên của Tập đoàn Điện Lực.
Mặc dù, đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Xây Dựng trong việc tìm kiếm các giải pháp nhằm khai thông thị trường nguồn vốn nhằm phát triển thị trường nhà ở cho người nghèo, người thu nhập thấp, với những phân tích ở trên, tôi đề xuất Bộ Xây Dựng và Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu kỹ lưỡng về việc thành lập Ngân hàng Xây dựng trong thời điểm hiện nay. Có lẽ vào bối cảnh thị trường như hiện nay, theo ý kiến cá nhân tôi, việc thành lập mới một ngân hàng xây dựng theo đề xuất của Hiệp hội Bất động sản là chưa chín muồi.
(Theo VEF)