Số liệu do Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam công bố, đến 90% các gói thầu xây lắp thực hiện theo phương thức chìa khóa trao tay (EPC) đã thuộc về các công ty nước ngoài.
Số liệu do Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam công bố, đến 90% các gói thầu xây lắp thực hiện theo phương thức chìa khóa trao tay (EPC) đã thuộc về các công ty nước ngoài.
Bên lề hội nghị Rà soát Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu do VCCI tổ chức vào sáng qua, ngày 29-9, ông Dương Văn Cận, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam đã lý giải, mấu chốt là do năng lực doanh nghiệp của Việt Nam yếu. Rõ ràng nhà thầu chúng ta đang rất kém về vốn. Thêm nữa, các gói thầu EPC trong đó phần lớn là các dự án năng lượng, luyện kim, hóa chất liên quan đến thiết bị, máy móc mà nền công nghiệp cơ khí của Việt Nam chưa mạnh, chưa đáp ứng được yêu cầu của nhiều dự án.
Thưa ông, ông bình luận gì xung quanh con số 90% các gói thầu xây lắp thuộc về tay nhà thầu nước ngoài. Tại sao không phải là nhà thầu Việt Nam?
Trong đấu thầu, chúng ta vẫn hay nói tới nhà thầu Trung Quốc, hay nhà thầu giá rẻ. Trong nhiều nhà thầu quốc tế, nhà thầu Trung Quốc có rất nhiều điều kiện, ví dụ như nhân công, ở cạnh Việt Nam...
Mặt nữa, trong cơ chế đấu thầu của chúng ta, luôn đặt tiêu chí cào bằng. Ví dụ như yêu cầu lắp một cái điều hòa, chúng ta lấy tiêu chuẩn nhiệt độ là bao nhiêu, thời gian làm lạnh là bao nhiêu. Với những tiêu chí đó, rõ ràng các thiết bị của Trung Quốc đều dễ đạt cộng thêm giá rẻ nên họ thắng là tất nhiên. Ngoài ra cũng liên quan về vấn đề năng lực đối với nhà thầu Việt Nam. Đặc biệt là gói thầu EPC liên quan đến sản xuất thiết bị. Hầu hết các nhà thầu của Việt Nam không có năng lực sản xuất. Do vậy, khi đặt trong mối tương quan, giữa nhà thầu quốc tế và nhà thầu Trung Quốc, Trung Quốc là người thắng.
Chưa kể đến nhiều dự án EPC lớn lại kèm theo điều kiện về vốn. Nhà thầu chúng ta đang rất kém về vốn, yếu về vốn. Trong khi Trung Quốc có điều kiện về vốn. Người ta đáp ứng được thì người ta thắng thôi. Đấy là yếu tố khách quan.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp cơ khí trong nước, có nhiều thiết bị, máy móc mà doanh nghiệp nội làm được vẫn không thể chen chân được vào trong các gói thầu Trung Quốc?
Chiến lược thực hiện các gói thầu EPC của nhà thầu Trung Quốc rất công phu. Họ tính thiết bị giá rất cao nhưng giá trị về lắp đặt rất thấp. Toàn bộ phần lắp đặt liên quan nhân công, vật liệu do đặc điểm biến động lớn nên giao lại cho Việt Nam. Chưa kể, thời điểm thực hiện gói thầu có thể cách lúc được duyệt hồ sơ đến 5 tháng, 6 tháng thậm chí cả 1 năm. Thiết bị đã lạc hậu mất rồi, chúng ta không cập nhật được. Phần này các doanh nghiệp cơ khí không thể chen vào được.
Vậy muốn để nhà thầu Việt Nam thắng trên sân nhà cần chiến lược gì thưa ông?
Cần sự thay đổi của chính chủ đầu tư. Chỉ cần 1 điều kiện rất nhỏ, các chủ đầu tư Việt Nam có thể loại ngay nhà thầu của nước mình. Chẳng hạn như trong gói thầu lắp toàn bộ hệ thống cấp thoát nước của TP.HCM, ghi điều kiện: nhà thầu phải có kinh nghiệm làm 10km đường ống phi 200. Trong khi ở Việt Nam, đường ống phi 150 còn chưa có nữa là 200, thế là chủ đầu tư loại được toàn bộ nhà thầu trong nước. Thêm vào đó, phải loại bỏ một số những "luật bất thành văn” đang tồn tại trong công tác đấu thầu hiện nay.
Vấn đề ưu tiên, ưu đãi cho doanh nghiệp Việt Nam trong luật đã có đề cập. Trong đấu thầu quốc tế, nhà thầu Việt Nam được tăng thêm 7% giá trị để tăng giá gói thầu. Ưu đãi có nhưng khi triển khai chưa đi vào cuộc sống.
Nên thay đổi cách đánh giá. Sau khi chấm hồ sơ đạt yêu cầu, chúng ta không được cào bằng về kỹ thuật. Anh có kỹ thuật 100 điểm sẽ phải khác anh có kỹ thuật 70 điểm. Phải đưa ra những hệ số khác nhau để đánh giá khả năng thực hiện gói thầu. Anh làm được nhà dân nhưng chưa chắc làm được khách sạn. Hiện nay chúng ta cào bằng kỹ thuật, sau đó xét tiêu chí giá để chọn nhà thầu. Đấy là kẽ hở để nhà thầu Việt Nam bị gạt khỏi cuộc chơi.
Vâng, xin cảm ơn ông!
(Theo Đại đoàn kết)