Một loạt doanh nghiệp đầu tư bất động sản mang tên "Dầu khí" đang được yêu cầu phải đổi tên và thay đổi thương hiệu.
Một loạt doanh nghiệp đầu tư bất động sản mang tên "Dầu khí" đang được yêu cầu phải đổi tên và thay đổi thương hiệu.
Có thể kể đến các công ty như: CTCP Kinh doanh dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam, CTCP Bất động sản điện lực Dầu khí, CTCP Bất động sản tài chính Dầu khí, CTCP Hồng Hà Dầu khí, CTCP Đầu tư thương mại Dầu khí Sông Đà, Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Nghệ An (PVA)…
Lý do, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã không còn nắm vốn tại những doanh nghiệp này và cũng không muốn dư luận ì xèo rằng, PVN đổ vốn nhà nước vào bất động sản.
Bà Phạm Thị Thu Hà, Phó tổng giám đốc PVN cho biết, theo quy định tại điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thì ngoài nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh chính, PVN được đầu tư kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, hiện nay, công ty mẹ Tập đoàn không trực tiếp đầu tư và kinh doanh bất động sản. Trong Tập đoàn hiện chỉ có một đơn vị thành viên thực hiện chức năng đầu tư và kinh doanh bất động sản là Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC). PVN hiện nắm giữ 41,21% vốn điều lệ của PVC và đang tiếp tục thực hiện giảm tỷ lệ này xuống dưới 30%.
Theo chỉ đạo của PVN, những đơn vị hoạt động sản xuất - kinh doanh hoặc có dự án bất động sản, vốn góp vào doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đã và đang thực hiện chuyển nhượng lại các dự án hoặc các khoản đầu tư tài chính cho PVC. Ví dụ, chuyển nhượng phần vốn góp của Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam tại CTCP Bất động sản điện lực Dầu khí cho PVC hoặc phần vốn góp của Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí tại CTCP Bất động sản tài chính Dầu khí; tại các công ty khác đã và đang chuyển nhượng lại cho PVC. "Hiện nay, còn một số đơn vị chưa hoàn thành việc chuyển nhượng, vì còn vướng những cam kết đầu tư với các địa phương. Tuy nhiên, Tập đoàn chỉ đạo tiếp tục triển khai và hoàn thành công tác này trong năm 2011", bà Hà cho hay.
Để không làm ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu của Tập đoàn, PVN đã yêu cầu các đơn vị phải thay đổi tên gọi hoặc chấm dứt sử dụng thương hiệu của Tập đoàn (sau khi tái cấu trúc), nếu không còn vốn góp hoặc còn một tỷ lệ nhỏ. Theo đại diện của PVN, hiện nay có khá nhiều công ty con trong tên gọi có các từ ngữ liên quan đến "dầu khí", nhưng hoàn toàn không có quan hệ gì với PVN.
Theo thống kê, PVC hiện có 16 công ty thành viên, trong đó có 5 công ty thực hiện kinh doanh bất động sản. Việc PVC đầu tư vào các công ty còn lại có dự án bất động sản được doanh nghiệp này khẳng định, đây chỉ là các khoản đầu tư tài chính của PVC vào các doanh nghiệp có ngành nghề tương tự. Cụ thể, các doanh nghiệp không còn là đơn vị thành viên của PVN là CTCP Hồng Hà Dầu khí, CTCP Đầu tư thương mại Dầu khí Sông Đà, PVA… Thậm chí, PVA không còn là đơn vị thành viên của PVC, vì PVC đã thoái vốn toàn bộ.
Với yêu cầu của PVN, những đơn vị kinh doanh bất động sản thuộc "họ" dầu khí trước đây đang phải thực hiện thủ tục đổi tên và thay đổi thương hiệu. Chẳng hạn, các công ty thành viên của PVC sẽ có tên gọi theo dạng PVC-tên doanh nghiệp và bỏ chữ "dầu khí" trong tên gọi. Tuy nhiên, PVN cũng chưa đưa ra thời hạn cho việc hoàn tất đổi tên doanh nghiệp và những doanh nghiệp nào thuộc diện phải đổi tên, doanh nghiệp nào chưa phải đổi tên. Điều này, theo một lãnh đạo doanh nghiệp họ dầu khí, khiến họ rất bối rối trong hoạt động.
Việc sắp xếp, chuyển giao phần vốn giữa các đơn vị trong PVN để nâng cao tính chuyên nghiệp, chuyên môn hóa của từng đơn vị đã gần hoàn tất. Tuy nhiên, để tiện cho việc giao dịch và triển khai tiếp các dự án dở dang, nhiều doanh nghiệp đã không thay đổi tên gọi, nên nhà đầu tư có thể hiểu sai đây vẫn là công ty con của các đơn vị cũ. Đồng thời, với dư luận, PVN vẫn là tập đoàn "đông con, nhiều cháu” ngoài ngành nghề chính.
(Theo ĐTCK)