Vụ tranh chấp đòi tiền lãi chậm giao nhà giữ một số khách hàng và chung
cư Quốc Cường Gia Lai 1 do công ty con của QCG làm chủ đầu tư và có ban
giám đốc điều hành riêng, QCG không trực tiếp điều hành.
> Quốc Cường Gia Lai sẵn sàng hầu tòa với khách hàng
>Hơn 30 hộ dân "phản pháo" Quốc Cường Gia Lai
Vụ tranh chấp đòi tiền lãi chậm giao nhà giữ một số khách hàng và chung cư Quốc Cường Gia Lai 1 do công ty con của QCG làm chủ đầu tư và có ban giám đốc điều hành riêng, QCG không trực tiếp điều hành.
CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG - sàn HOSE) vừa có báo cáo giải trình về bài báo “Tranh chấp ở chung cư Quốc Cường Gia Lai 1”. Theo QCG, đây là tranh chấp đòi tiền lãi chậm giao nhà giữa một số khách hàng ký Hợp đồng góp vốn để nhận căn hộ Quốc Cường 1 do Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Nhà Quốc Cường (Công ty Nhà Quốc Cường) làm chủ đầu tư. Đây là Công ty con của QCG và có ban giám đốc điều hành riêng, QCG không trực tiếp điều hành.
Trong bản giải trình, QCG đưa ra 4 lý do khách quan, bất khả kháng dẫn đến tranh chấp như sau:
1. Vì là Hợp đồng góp vốn đầu tư xây dựng, chủ đầu tư có đất, khách hàng góp vốn đúng tiến độ của Hợp đồng thì chủ đầu tư mới có tiền xây dựng theo đúng tiến độ đã ký trong hợp đồng. Một dự án không thể xây dựng đúng tiến độ khi chỉ có khoảng 25% khách hàng đóng tiền đúng tiến độ, khoảng 75% khách hàng còn lại nộp trễ hơn từ 300 đến hơn 400 ngày. Tuy nhiên vì uy tín với khách hàng, Công ty Nhà Quốc Cường vẫn nỗ lực xoay xở, tìm nguồn vốn vay để hoàn thành dự án và đã bàn giao nhà cho khách hàng.
Do bàn giao chậm căn hộ cho nhà đầu tư, Nhà Quốc Cường đã đề nghị bồi thường chậm giao nhà 8% trên tổng giá trị hợp đồng và yêu cầu những người đóng tiền chậm cũng sẽ phạt chịu mức phạt này. Tuy nhiên, các khách hàng đã đóng 95% giá trị căn hộ yêu cầu chủ đầu tư phải bồi thường 90% tổng giá trị hợp đồng. Không thể thống nhất, một số khách hàng khởi kiện công ty.
2. Có một điều rất bất cập là nếu khách hàng nộp chậm thì tính lãi theo số tiền nộp thiếu, nếu công ty giao nhà chậm thì công ty phải chịu lãi cho khách hàng trên toàn bộ số tiền khách hàng đã góp. Công ty thu tiền của khách hàng góp theo tiến độ từng lần 5% tổng giá trị hợp đồng/mỗi đợt cách nhau 45 ngày và công ty đã sử dụng số tiền này để xây dựng công trình, công ty không dùng tiền để kinh doanh thì không lấy khoản nào để trả lãi cho khách hàng. Là hợp đồng góp vốn, nếu đa số khách hàng không nộp hay nộp chậm tất nhiên sẽ dẫn đến xây dựng chậm và giao nhà chậm (vì không có vốn từ khách hàng nộp để xây dựng).
3. Giá nguyên vật liệu xây dựng tăng đột biến: Khi ký hợp đồng giá thép 10.000đ/kg, khi khách hàng góp tiền từng đợt được 30% và công ty chưa hòan thành phần móng thì giá thép tăng từ 10.000 đ/kg lên 16.000đ/kg và các giá vật tư khác, bê tông tăng 40% đến 50%. Tiếp đó giá thép tăng 100% là 20.000đ/kg và các vật tư khác tăng theo từ 60% đến 70%. Do giá tăng đột biến nhưng khách hàng lại không đồng ý tăng giá hợp đồng nên buộc công ty phải cho ngưng thi công một thời chờ giá nguyên vật liệu giảm xuống. Cuối cùng vẫn không giảm, trường hợp này được xem là bất khả kháng.
4. Công ty phải đi vay rất khó khăn vì các ngân hàng hạn chế cho vay bất động sản, khi vay được thì lãi suất rất cao, lên đến 22% - 24%/năm. Trong khi đó, khách hàng đóng tiền chậm tiến độ chỉ bị tính lãi với mức 18%/năm. Công ty Nhà Quốc Cường vẫn chấp nhận chịu lỗ 4% để vay vốn tiếp tục xây dựng và đã bàn giao nhà cho khách hàng.
Dù gặp rất nhiều khó khăn khách quan như trên nhưng công ty Nhà Quốc Cường đã xây dựng và đã bàn giao nhà cho khách hàng vào ở. Đa số khách hàng đã nhận nhà vào ở và cân đối thấy số lãi vay khách hàng nhỏ hơn lãi vay của chủ đầu tư, khách hàng đòi lãi và chủ đầu tư không thể đáp ứng vì tiền thu của khách hàng Công ty Nhà Quốc Cường đã dùng để xây dựng dự án, không đầu tư kinh doanh sinh lời nên không thể trả lãi theo cách tính không hợp lý của khách hàng được. Do đó, một số khách hàng gửi đơn kiện lên Tòa án. Công ty Nhà Quốc Cường vẫn luôn bảo vệ quan điểm của mình và để Tòa án phán xét công bằng.
(Theo ĐTCK)