Bộ Xây dựng đang đề xuất tăng vốn pháp định với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản để hạn chế tình trạng doanh nghiệp “tay không bắt giặc” khi triển khai các dự án…
Bộ Xây dựng đang đề xuất tăng vốn pháp định với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản để hạn chế tình trạng doanh nghiệp “tay không bắt giặc” khi triển khai các dự án…
Theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Doanh nghiệp, chỉ cần có số vốn tối thiểu 6 tỷ đồng, các tổ chức, cá nhân có thể đăng ký thành lập công ty kinh doanh bất động sản. Trong khi đó, để triển khai một dự án bất động sản có quy mô vừa phải, doanh nghiệp cần số vốn lên đến hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng. Ước tính, hiện có hơn 30.000 doanh nghiệp có chức năng kinh doanh bất động sản.
Ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, sự dễ dãi trong quy định về số vốn tối thiểu để thành lập doanh nghiệp bất động sản là một trong những nguyên nhân làm xuất hiện nhiều tiêu cực trên thị trường. Hàng loạt doanh nghiệp xin dự án, kêu gọi góp vốn, rồi ôm tiền bỏ trốn. Nhiều doanh nghiệp không đủ năng lực triển khai, nên phải huy động vốn sớm, hoặc “bán lúa non”...
Vì thế, theo quan điểm của Bộ Xây dựng, nếu không tiến hành tăng vốn pháp định đối với doanh nghiệp bất động sản, thì sẽ rất khó quản lý hoạt động của các doanh nghiệp này. “Mục đích của đề xuất tăng vốn pháp định đối với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản là hạn chế những bất cập trên và làm cho thị trường minh bạch, ổn định hơn”, ông Nam nói và cho rằng, bản chất của việc tăng vốn pháp định mà Bộ Xây dựng đang đề xuất là việc dựng lên một “hàng rào kỹ thuật” nhằm loại bỏ những doanh nghiệp không có năng lực tài chính, giúp thị trường minh bạch hơn.
GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá, trong chừng mực nào đó, quy định về mức vốn pháp định có thể hạn chế được tình trạng một số các doanh nghiệp thiếu năng lực tài chính nhưng vẫn “ôm” dự án. Tuy nhiên, điều này chưa đủ để đánh giá năng lực thực hiện dự án của các doanh nghiệp bất động sản, mà vẫn cần tới các công cụ khác như kiểm tra, kiểm toán… “Mặt khác, tăng vốn pháp định của doanh nghiệp bất động sản lên mức nào là đủ cũng là một vấn đề cần phải tính toán”, ông Võ nhận xét.
Về phần mình, ông Trần Huỳnh Thanh Nghị, Trưởng Bộ môn Luật kinh tế (Đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng, quy trình xác nhận vốn pháp định của doanh nghiệp bất động sản còn rất rối rắm. Theo Thông tư số 13/TT-BXD ngày 21/5/2008 của Bộ Xây dựng, doanh nghiệp phải có xác nhận của ngân hàng thương mại hoạt động tại Việt Nam về số tiền ký quỹ của các thành viên sáng lập. Theo ông Nghị, ở đây, đã có sự nhầm lẫn giữa khái niệm vốn pháp định và tiền ký quỹ.
Đối với trường hợp góp vốn bằng tài sản, phải có chứng thư định giá. Còn nếu doanh nghiệp bổ sung ngành nghề kinh doanh bất động sản, thì phải có văn bản xác nhận của tổ chức kiểm toán. “Những quy định này đã làm cho vấn đề xác nhận vốn pháp định trở nên quá phức tạp, gây tốn kém không cần thiết cho doanh nghiệp”, ông Nghị nêu vấn đề.
Nhiều doanh nghiệp tỏ ra đồng tình với đề xuất của Bộ Xây dựng, nhưng vẫn còn một số băn khoăn. “Đơn vị nào có chức năng giám sát, quản lý vốn doanh nghiệp? Nếu nhà đầu tư lách luật bằng cách vay mượn tiền bỏ vào ngân hàng, thành lập doanh nghiệp xong lại rút ra thì giải quyết ra sao. Việc quản lý, kiểm tra và xử phạt đối với doanh nghiệp vi phạm mức vốn pháp định sẽ được thực hiện như thế nào?”, các doanh nghiệp nêu một loạt thắc mắc.
(Theo Đầu tư)