Thị trường bất động sản (BĐS) hiện đang rơi vào tình trạng khủng hoảng về mọi mặt kể từ năm 2008 đến nay, khiến các nhà đầu tư hết sức lo lắng.
Thị trường bất động sản (BĐS) hiện đang rơi vào tình trạng khủng hoảng về mọi mặt kể từ năm 2008 đến nay, khiến các nhà đầu tư hết sức lo lắng.
Ông Lê Chí Hiếu (ảnh), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House) đã có những chia sẻ rất thẳng thắn. Được biết, Thuduc House là một trong những doanh nghiệp đã dự báo trước được tình hình và chủ động nguồn vốn thông qua việc liên kết đầu tư với nhiều đối tác có uy tín, kinh nghiệm trong và ngoài nước.
- Hiện nay có khá nhiều lo lắng về tình hình thị trường bất động sản đang xấu dần như: Thị trường tê liệt, nhiều doanh nghiệp chờ "chết"…Vậy ông đánh giá thực trạng tình hình như thế nào?
Ông Lê Chí Hiếu: Năm nay thị trường BĐS và thị trường chứng khoán đều gặp nhiều khó khăn, vì hậu quả của lạm phát và sự mất cân đối của nền kinh tế vĩ mô. Một mặt, các yếu tố đầu vào của sản phẩm BĐS ngày càng tăng lên do giá cả leo thang, mặt khác, giá bán đầu ra lại ngày càng giảm xuống, bởi sức ép của tâm lý và áp lực phải bán nhanh để thanh toán nợ vay ngân hàng của các công ty, từ đó biên độ lợi nhuận giảm sút, nhiều công ty đang lâm vào tình trạng thua lỗ.
Tuy nhiên, nếu nhìn ở mặt khác, có thể thấy rằng đây là cơ hội để cung và cầu điều chỉnh dần theo xu hướng thực của thị trường. Những kiểu làm ăn chụp giật, thiếu trách nhiệm, chỉ biết thu lợi nhuận siêu ngạch như thời kỳ trước đây sẽ mất dần đất sống. Tuy nhiên, thị trường BĐS vẫn còn "lệch pha" ở một số phân khúc, chẳng hạn nhà cao cấp và nhà trung bình khá, vẫn vượt hơn nhu cầu có khả năng thanh toán của người mua, trong khi đó nhà bình dân lại có quá ít người cung cấp. Thêm nữa, mức độ thị trường hóa cũng không đồng đều giữa các vùng miền, từ đó có hiện tượng địa phương này đóng băng, trong khi nơi khác lại nóng sốt cục bộ. Trong các phân khúc của thị trường BĐS cũng có những diễn biến ngược chiều, cụ thể như phân khúc văn phòng cho thuê giảm sút, nhưng trung tâm thương mại vẫn cho thuê được giá cao.
Do vậy, đánh giá thị trường BĐS đang trong tình trạng chờ chết là khá bi quan. Trên thực tế tỷ lệ nợ vay của ngành BĐS không phải là cao, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nguy cơ do một số công ty BĐS lớn vay nợ nhiều nhưng không bán được hàng, không trả được nợ dẫn đến bán tháo sản phẩm dưới giá trị thực, làm ảnh hưởng đến thị trường. Tình hình này đòi hỏi phải có sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ thông qua các công cụ vĩ mô như : Điều chỉnh chính sách thuế đất hợp lý hơn; thành lập các quỹ đầu tư BĐS, quỹ tiết kiệm nhà ở; cơ cấu lại nguồn vốn để bổ sung vốn trung dài hạn cho ngành BĐS ưu tiên cho dạng nhà bình dân đang thiếu nguồn cung…
- Có thể nói nút thắt lớn nhất hiện nay của cả doanh nghiệp và khách hàng mua nhà đất chính là vấn đề các nguồn vốn vay với lãi suất cao và đang bị siết chặt không biết đến bao giờ ? Vậy theo ông, Nhà nước cần phải có những giải pháp khẩn cấp trước mắt và về lâu dài như thế nào để tháo gỡ "nút thắt tín dụng" này?
Ông Lê Chí Hiếu: Vốn đối với doanh nghiệp quan trọng như huyết mạch trong cơ thể con người. Vì vậy, huy động vốn là một vấn đề vô cùng quan trọng đối với doanh nghiệp. Mặc dù có nhiều kênh huy động vốn khác nhau, tuy nhiên vốn vay cho ngành BĐS hiện đang bị xếp vào loại hình phi sản xuất nên bị hạn chế và bị ấn lãi suất cực cao, vốn từ thị trường chứng khoán cũng bị ách tắc, vốn huy động của khách hàng cũng giảm hẳn do thu nhập thực tế bị bào mòn bởi sự gia tăng của chỉ số CPI.
Việc Chính phủ đưa ngành BĐS vào lĩnh vực phi sản xuất và siết chặt tín dụng một cách máy móc như hiện nay là chưa thỏa đáng. Trên thực tế đầu tư phát triển BĐS (bao gồm cả nhà ở, văn phòng, xưởng sản xuất, khách sạn, khu đô thị) là một ngành quan trọng kéo theo sự phát triển của nhiều ngành khác như vật liệu xây dựng, thiết bị, nội thất, thiết kế, tư vấn… nó vừa góp phần tạo ra nhiều việc làm cho xã hội, vừa là cơ sở hạ tầng cho nhiều ngành kinh tế khác cùng phát triển. Kể cả ngành chứng khoán dù đúng là một ngành phi sản xuất nhưng lại là một kênh tạo vốn rất quan trọng cho nền kinh tế. Bởi vậy, Nhà nước nên nghiên cứu lại để có cơ chế tín dụng linh họat và phù hợp hơn cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính, có dự án minh bạch, dự án phục vụ nhà ở cho số đông người tiêu dùng. Trong Nghị quyết 11 của Chính phủ cũng đã nêu bên cạnh mục tiêu chống lạm phát thì cũng phải lo vấn đề an sinh xã hội. Do đó việc ưu tiên tín dụng cho các dự án xây dựng nhà giá từ trung bình trở xuống cũng là một phần quan trọng trong lĩnh vực an sinh xã hội mà Chính phủ cần quan tâm.
Trong thời gian tới, chúng tôi đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu sửa đổi một số quy định về tài chính và Luật Đất đai để tạo điều kiện tháo gỡ bớt khó khăn đang chồng chất cho doanh nghiệp đầu tư BĐS. Cụ thể là quy định về nộp tiền sử dụng đất cần giảm nhẹ hơn, cho phép khấu trừ tiền nhà đầu tư đã bồi thường cho dân theo thực tế; cho phép nộp tiền theo tiến độ xây dựng. Mặt khác mở rộng diện cho thuê đất trả tiền hằng năm cho doanh nghiệp xây nhà cho thuê để giảm giá thành sản phẩm từ đó giảm giá cho thuê. Chính phủ cũng cần khẩn trương ban hành các khung pháp lý cho việc hình thành các quỹ tiết kiệm nhà ở, quỹ tín thác BĐS để tạo thêm nguồn vốn cho đầu tư, huy động được nguồn lực của toàn xã hội và làm tăng tính thanh khoản của chứng khoán BĐS.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
(Theo TNMT)