Tại ngôi làng Makhunik, những ngôi nhà cao chưa đầy 2m giúp người dân ngụy trang tốt hơn, đồng thời phù hợp với chiều cao của họ.
Tộc người lùn sinh sống ở vùng đất xa xôi thuộc miền Nam tỉnh Khorasan (Iran), sát biên giới Afghanistan. Ngôi làng của họ có lịch sử 200 năm. Hai trăm ngôi nhà ở đây có kiến trúc độc đáo. Trong đó, 70-80 ngôi nhà có độ cao chưa tới 2m. Người bình thường phải cúi đầu mới bước được vào nhà của họ bởi cửa vào rất hẹp. Thậm chí, một số ngôi nhà chỉ cao 1,4m tính từ sàn tới trần.
|
Một trong những ngôi nhà của người tí hon ở làng Makhunik. (Ảnh: pinterest). |
Người dân ở làng này chỉ cao khoảng 50cm do hôn nhân cận huyết, nguồn nước bị nhiễm thủy ngân và chế độ dinh dưỡng không đảm bảo.
Tổ tiên của người Makhunik sống tách biệt với thế giới hiện đại suốt hàng trăm năm qua. Họ sống ở nơi hoang vắng, đất đai cằn cỗi, nghèo dinh dưỡng nên việc trồng trọt và chăn nuôi vô cùng khó khăn. Họ chỉ trồng được lúa mạch, ngũ cốc, củ cài và chà là. Người dân nơi đây ăn một số món chay đơn giản như pokhteek (hỗn hợp củ cải và whey khô), kashk-beneh (làm từ một loại quả hạt dẻ và sữa).
Do sống tách biệt với thế giới nên cư dân Makhunik chỉ có thể kết hôn với người trong họ hàng. Sự kết hợp này sẽ tạo ra các gene xấu như gene tạo ra kiểu người lùn.
Ngoài chiều cao hạn chế còn có một lý do nữa khiến cư dân nơi đây xây những ngôi nhà thấp bé như vậy. Kiểu kiến trúc này sẽ sử dụng ít vật liệu, giúp họ tiết kiệm tối đa chi phí. Hơn nữa, nhà thấp bé sẽ mát mẻ vào mùa hè và ấm áp khi đông đến. Đồng thời, những ngôi nhà này còn giúp họ ngụy trang rất tốt, hòa vào khung cảnh thiên nhiên khiến kẻ thù của họ không phát hiện ra.
|
Một góc ngôi làng của những người tí hon ở Iran. (Ảnh: Mohammad M Rashed). |
Làng Makhunik phát triển mạnh vào giữa thế kỷ XX. Người dân có thể thuận lợi di chuyển mua bán thực phẩm nhờ những con đường lớn. Bữa ăn của họ có thêm thịt gà và cơm. Nhờ đó, trẻ em trong làng phát triển cao lớn hơn cha ông chúng. Theo đó, lượng người lùn cũng giảm đi.
Hiện tại, hầu hết cư dân nơi đây đều có chiều cao bình thường. Họ sống trong những ngôi nhà xây bằng gạch thay vì những ngôi nhà nhỏ của tổ tiên. Thế nhưng, nhìn chung điều kiện sống của họ vẫn chưa được đảm bảo. Do hạn hán nên nông nghiệp kém phát triển. Đa số phụ nữ trong làng đều làm nghề dệt, trong khi lớp trẻ tìm việc ở các thành phố gần đó. Chính phủ Iran hỗ trợ cho những người lớn tuổi trong cuộc sống hàng ngày.
Những ngôi nhà siêu nhỏ ở làng Makhunik là một kiểu kiến trúc đặc biệt, trở thành di sản có tiềm năng lớn trong ngành du lịch. Cư dân nơi đây luôn hi vọng sẽ có nhiều cơ hội việc làm trong lương lai.