Dịp cuối năm không chỉ công trường các dự án nhà ở cao tầng nhộn nhịp trở lại mà đây cũng là thời điểm nhiều hộ gia đình bắt tay vào những hạng mục sửa chữa, xây nhà để kịp đón Tết.
Như một thông lệ khi nhu cầu thị trường xây dựng tăng lên thì giá thành VLXD, nhân công cũng rậm rịch nhích lên.
Ở từng cấp công trình nhà ở đều có những quy tắc xây dựng căn bản và tình huống sự cố xây dựng tương ứng. Trong khi loại hình dự án nhà ở thương mại cao tầng (chung cư hiện đại) đã được trang bị những bộ tiêu chuẩn kèm theo và quy trình xây dựng chuẩn thì nhà ở thổ cư do cá nhân, hộ gia đình tự thiết kế, thi công… mới thực đáng bàn.
Sự cố trong tầm tay
The thời gian kinh nghiệm và kiến thức dân gian đến nay chỉ còn giá trị về mặt tâm linh, phong thủy với kế hoạch xây, sửa ngôi nhà.
Thông thường, phương án tổng thể của chủ nhà bao gồm: bản vẽ thiết kế (kiểu xây, kích thước, kết cấu, các hệ thống điện – nước) do kiến trúc sư thực hiện; mua sắm VLXD và đặc biệt quan trọng là lựa chọn nhà thầu uy tín cùng đội thợ có tay nghề cao.
Trao đổi với phóng viên, chủ nhân ngôi nhà 3 tầng đang hoàn thiện phần thô tại khu vực Định Công (Hoàng Mai), chia sẻ kinh nghiệm "xương máu" trong những lần xây nhà trước:
"Cùng thời điểm này năm 2014, để tiết kiệm chi phí tôi quyết định chọn nhà thầu có giá. Ai ngờ, kể từ lúc xây xong móng, đội thợ liên tục "vẽ" ra nhiều hạng mục phát sinh khác với bản thiết kế ban đầu. Tôi không đồng ý và kiên quyết theo phương án cũ. Lập tức, họ làm việc cầm chừng nhằm kéo dài tiến độ thi công. Có hôm, cả đội thợ chỉ có 2 người tới làm việc. Không còn cách nào khác, tôi buộc phải chấm dứt hợp đồng với nhà thầu này, dù công trình còn ngổn ngang".
Ở góc nhìn trong nghề, một nhà thầu tên Năm đã có thâm niên hàng chục năm xây nhà dân dụng ở Thủ đô, cho biết tình huống nêu trên chỉ là một "chiêu" rất nhỏ trong giới cai thợ. Nhà thầu này chia sẻ, chỉ cần nắm bắt tâm lý, trình độ của chủ nhà, không ít đơn vị (hành nghề tự do) sẵn sàng "bỏ thầu" giá cực thấp để khách ham rẻ mà lựa chọn. Ngay sau đó, họ tìm mọi cách để trà trộn vật liệu kém chất lượng để bù lại phần chi phí nhân công.
"Ham rẻ, thiếu kiến thức và không có người giám sát, chủ nhà sẽ tiền mất – tật mang" – ông Năm khẳng định.
Đến nay, chủ đầu tư – chủ nhà đã hiểu rõ và mặc nhiên có thành kiến: nhà thầu thường ăn bớt vật tư khi được giao trọn gói. Do đó, chủ nhà đã chủ động đề nghị: đơn vị thi công chỉ cung cấp giàn giáo, đội thợ chính – phụ, máy móc công trình… và thống nhất tổng giá trị công trình, đơn giá mỗi mét vuông.
Tuy vậy, vẫn không tránh khỏi những sự cố như: nhà thầu tay nghề kém, đơn vị thi công mượn pháp nhân DN khác để lấy dấu ký hợp đồng, vật tư bị sử dụng hao hụt, chất lượng thi công ẩu…
Nên lựa chọn nhà thầu uy tín cho công trình của bạn (ảnh minh họa)
Phòng hơn chống
Chỉ tìm hiểu qua một số đội thợ chuyên xử lý các sự cố công trình xây dựng nhà ở dân dụng, thêm vào đó hiểu biết bập bõm cũng như không có người trong ngành xây dựng tư vấn hỗ trợ đã khiến nhiều chủ nhà phải trả giá đắt
Trong đó, nổi cộm những vấn đề như: sập nhà, nhà thầu (đội thợ) tự ý chấm dứt hợp đồng giữa chừng, chất lượng xây dựng kém, tuổi thọ thấp …
Trước hết, nguyên nhân của những sự cố này đến từ hai phía.
Một, chủ nhà – chủ đầu tư chỉ có kinh nghiệm sơ sài về kiến trúc nhưng không nhận thức được vai trò quan trọng, quy trình giám sát thi công. Đặc biệt, đối với hạng mục kết cấu móng, điện nước, thấm dột… Dẫn tới lựa chọn "nhầm" nhà thầu thiếu chuyên môn tương ứng.
Do đó, đối với từng dạng sự cố trong quá trình xây dựng, sẽ có phương án đề phòng riêng. Điển hình, sập nhà khi đang thi công dở chừng. Theo anh Nguyễn Tuấn, kỹ sư xây dựng đang làm việc cho một nhà thầu có tiếng ở khu vực Từ Liêm, nguyên nhân chủ yếu do chủ nhà tự ý thêm tầng cao.
Giải pháp đưa ra cho chủ nhà: thuê riêng nhà thầu thi công phần kết cấu móng, đồng thời không thay đổi quy mô tầng cao nếu chưa có sự tư vấn của nhà thầu uy tín. Hoặc, mời kỹ sư am hiểu thực tế về kết cấu bê tông cốt thép và xây dựng các phương án thay đổi (nếu có) trong quá trình thi công.
Một tình huống "dở khóc dở cười" khác: nhà thầu "cắt" hợp đồng đơn phương. Xuất phát từ lý do chủ quan: Hợp đồng giao thầu không thống nhất về quyền và trách nhiệm của hai bên (chủ nhà – nhà thầu). Tới khi chủ nhà đề nghị làm thêm các hạng mục khác liên quan, bên thầu yêu cầu thanh toán thêm chi phí ngoài hợp đồng – dẫn tới tranh chấp, cự cãi.
Hoặc chủ đầu tư không có điều kiện giám sát công trình nhà ở: sau khi kết thúc một số hạng mục kết cấu với chất lượng không tốt, chủ nhà mời chuyên gia khác kiểm định thì bên nhà thầu "bỏ của chạy lấy người".
Do đó, mấu chốt ở khâu chọn nhà thầu chính là: không giao cho đơn vị chưa từng thi công công trình ngang cấp ngôi nhà sắp xây dựng. Chỉ chọn nhà thầu có địa chỉ rõ ràng, hoặc giấy đăng ký kinh doanh cụ thể