Anh Nam (Cầu Giấy, Hà Nội) thấy nhà hơi thấp nên đã tự ý nâng chiều cao mỗi tầng lên một chút cho thông thoáng. Thế nhưng, sau khi nhà hoàn thiện và đưa vào sử dụng, mọi người đều cảm thấy mỏi chân khi đi lại vì bậc thang quá cao.
Năm ngoái, anh Nam tiến hành xây dựng ngôi nhà 5 tầng trên diện tích 50m2. Được biết, đây là lần đầu tiên anh làm nhà. Đồng thời, gia chủ cũng xác định căn nhà này là nơi cư trú lâu dài nên quyết định thuê kiến trúc sư thiết kế nhà. Sau khi có hồ sơ thiết kế kỹ thuật trong tay, anh Nam mới yên tâm khởi công xây nhà.
Tuy vậy, chiều cao mỗi tầng 3,1m là điều khiến anh Nam lấn cấn trong quá trình thi công. Sợ trần nhà hơi thấp, gia chủ đã bàn bạc với nhà thầu nâng thêm mỗi tầng 30cm. Trong khi đó, thiết kế cầu thang được giữ nguyên theo bản vẽ của kiến trúc sư. Do đó, để phù hợp với chiều cao mới, mỗi bậc thang phải nhích lên gần 2cm. Vậy nhưng, sau khi dọn vào ở, mọi người trong gia đình đều cảm thấy việc đi lại rất mỏi chân vì bậc thang quá cao.
|
Khi xây dựng nhà ở, cầu thang là một chi tiết quan trọng cần được tính toán kỹ lưỡng. Đặc biệt, gia chủ không nên tự ý sửa thiết kế của kiến trúc sư. (Ảnh minh họa: Hà Thành). |
Lúc bấy giờ, anh Nam cảm thấy rất ân hận vì đã không hỏi kiến trúc sư mà nghe theo lời tư vấn của nhà thầu. Sau khi nghe người có chuyên môn về thiết kế, xây dựng phân tích, anh Nam mới vỡ lẽ, do nhà nhỏ nên chiều cao mỗi tầng cần được thiết kế vừa phải để không tốn quá nhiều diện tích cho cầu thang. Lý do là, trần nhà càng cao thì số bậc thang cũng tăng, dẫn tới chiếm nhiều diện tích mặt bằng. Độ cao của mỗi bậc thang sẽ phải tăng lên trong trường hợp gia chủ giữ nguyên số bậc.
Tượng tự, anh Hòa (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng tự ý sửa chữa ngôi nhà trong ngõ của mình dù đã có đầy đủ hồ sơ thiết kế do kiến trúc sư cung cấp. Cụ thể, anh đã nới rộng và tăng thêm chiều cao cho cửa phòng ngủ mở ra ban công. Không cần hỏi ý kiến ai, anh Hòa bảo đội thợ thi công theo ý mình. Công trình được xây dựng theo đúng tiến độ và hầu như không có bất trắc gì xảy ra cho tới khi hoàn thiện.
Rắc rối xảy ra khi thợ lắp điều hòa tới. Nếu theo đúng thiết kế ban đầu của kiến trúc sư thì điều hòa sẽ được lắp ở khoảng tường trên cửa phòng ngủ ra ban công. Đây được xem là vị trí thuận lợi nhất để lắp điều hòa vì bên dưới không chứa đồ dùng gì nên dễ sửa chữa, bảo dưỡng. Hơn nữa, ví trí này nằm gần cục nóng ngoài ban công giúp gia chủ tiết kiệm diện tích ống đồng điều hòa. Ngoài ra, ở vị trí này, điều hòa sẽ chiếu vào được trung tâm phòng ngủ.
|
Khoảng cách từ khoảng tường phía trên cửa tới trần nhà phải đủ cao để lắp điều hòa thuận lợi. (Ảnh minh họa: Hà Thành). |
Vậy nhưng, thợ thi công không thể lắp được điều hòa như thiết kế bởi sau khi nâng cao cửa, khoảng tường bên trên cửa đến trần chỉ rộng chưa đến 30cm. Chính vì vậy, gia chủ đành chấp nhận phương án di chuyển cục lạnh tới chỗ khác thuận tiện hơn, đồng thời đục lại tường nhà để đi ống và dây. Như vậy, việc tự ý sửa thiết kế của anh Hòa tuy không gây hậu quả lớn nhưng cũng đủ để khiến gia chủ cảm thấy bực bội, khó chịu do lỗi chính mình gây ra.
Trong khi đó, anh Tuấn (Hải Dương) đã nghe theo lời thầy phong thủy sửa nhà ngay khi vừa hoàn thiện. Theo phương án của kiến trúc sư, ống thoát nước sẽ được đặt ở cả đằng trước và sau nhà. Thầy phong thủy lại cho rằng, gia chủ nên tránh đặt ống thoát nước ở mặt tiền. Do vậy, anh Tuấn chỉ lắp đặt đường ống thoát nước phía sau nhà.
Thực tế cho thấy, hệ thống ống nước trước nhà vừa giúp thoát nước ở sàn vừa là chỗ hứng nước ở điều hòa và ban công. Cho nên, anh Tuấn đành phải kéo ống tạm bợ khi lắp điều hòa. Điều này tác động không nhỏ tới thẩm mỹ mặt tiền nhà.
KTS Đức Anh cho biết, thông thường, các kiến trúc sư đã tính toán kỹ lượng mọi vấn đề ràng buộc lẫn nhau về công năng và tính thẩm mỹ, giữa nội thất, kiến trúc với kỹ thuật khi thiết kế nhà. Gia chủ tuyệt đối không nên tự ý sửa chữa bản vẽ của kiến trúc sư. Bởi lẽ, việc xây dựng nhà cửa liên quan tới rất nhiều yếu tố mà người không có chuyên môn không thể lường trước được. Trường hợp bất đắc dĩ cần phải thay đổi thiết kế, chủ nhà nên hỏi ý kiến của kiến trúc sư để có được giải pháp hợp lý.
Việc anh Nam tự ý nâng độ cao tầng không chỉ ảnh hưởng tới kiến trúc nhà mà còn liên quan tới vấn đề nhân trắc học. Cụ thể, chiều cao bậc thang trong nhà ở gia đình chỉ được phép dao động trong khoảng từ 16cm - 18,5cm. Các thành viên trong gia đình sẽ cảm thấy rất mỏi chân khi đi lại nếu bậc cao hơn. Trong khi đó, nếu bậc thấp hơn sẽ khiến bạn bị hẫng chân. Trong thiết kế, xây dựng nhà cửa, có những số liệu, kích thước mang tính tiêu chuẩn, yêu cầu phải tuân thủ đúng khi thi công. Vì vậy, gia chủ không nên tự ý sửa bản vẽ của kiến trúc sư để tránh những hệ lụy rắc rối về sau.