Anh Lâm (Hà Đông, Hà Nội) xây nhà 5 tầng nhưng không làm thang máy vì kinh phí eo hẹp. Tuy nhiên, sau khi nhà hoàn hiện và đi vào sử dụng, tầng cao nhất bị bỏ trống bởi các thành viên trong gia đình đều cảm thấy mệt mỏi khi phải di chuyển bằng thang bộ quá nhiều.
Do tài chính có hạn nên anh Lâm cắt giảm khoản chi phí cho việc lắp thang máy khi xây ngôi nhà 5 tầng. Thế nhưng, sau một thời gian dọn vào nhà mới ở, gia chủ nhận thấy quyết định của mình hoàn toàn sai lầm. Chính vì thế, nhà dùng để ở thì bất tiện mà bán cũng rất khó.
Dưới đây là chia sẻ của anh Lâm về kinh nghiệm xây nhà của mình:
Tôi mua một mảnh đất diện tích 70m2 ở quận Hà Đông (Hà Nội) vào năm 2007. Lúc bấy giờ tôi đang sống trong một căn hộ chung cư nhưng tôi vẫn quyết mua đất vì thấy rẻ. Dự định của tôi là, chờ các con học xong cấp 2 trong một vài năm nữa rồi chuyển xuống sống nhà mặt đất cho thoải mái, rộng rãi.
Khoảng 2-3 năm sau khi mua đất, tôi quyết định xây nhà vì sợ để lâu giá vật liệu tăng cao. Theo thiết kế, ngôi nhà 5 tầng có tổng diện tích sử dụng khoảng 260m2, có cả sân trước và sau. Kiến trúc sư khuyên tôi nên lắp thang máy để di chuyển thuận lợi. Tuy nhiên, tôi từ chối bởi nếu làm thang máy thì phải chi thêm 300 triệu đồng. Trong khi đó, tôi còn phải đi vay mượn để xây nhà. Vì vậy, tôi loại bỏ hạng mục này khỏi dự toán kinh phí.
Sau khi nhà hoàn thiện, tôi không chuyển đến ở ngay mà cho thuê đến năm 2014. Khi đó, tôi đón bố mẹ ở quê ra ở cùng nên gia đình tôi tổng cộng có 6 người. Mỗi tầng nhà đều có 2 phòng và tối thiểu 1 phòng vệ sinh. Phòng khách, khu bếp ăn, chỗ để xe được bố trí ở tầng 1. Tầng 2 gồm phòng sinh hoạt chung và phòng ngủ của ông bà. Phòng ngủ của vợ chồng tôi, phòng con gái được thiết kế trên tầng 3. Tầng 4 gồm phòng ngủ con trai và phòng cho khách. Trên tầng 5 là phòng thờ cùng khu giặt phơi.
|
Lắp thang máy khi xây nhà ở cao tầng là hạng mục mà gia chủ cũng như kiến trúc sư không nên loại bỏ. (Ảnh minh họa, nguồn: ELH). |
Chuyển vào ở được 6 tháng, cả gia đình tôi đều cảm thấy rất bất tiện khi không có thang máy. Các con tôi sau khi đi học về là lên phòng luôn, chỉ gặp ông bà, bố mẹ vào giờ ăn. Hơn nữa, vì không muốn gào thét mỗi lần gọi hai con xuống ăn, tôi đều nháy điện thoại cho chúng.
Chưa kể, tôi quá mệt mỏi khi phải đi thang bộ quá nhiều nên vườn rau trên sân thượng không được chăm sóc thường xuyên và lụi tàn sau một thời gian ngắn. Mặt khác, vợ tôi tốn thời gian hơn cho việc nhà bởi cô ấy không thể vừa nấu cơm vừa giặt đồ như trước. Mỗi lần thắp hương trên tầng 5 vào ngày thường, con cháu đi vắng, bố mẹ tôi phải lên xuống vài lần vì thiếu đồ nọ, món kia. Ngoài ra, trong những dịp có khách tới chơi, mọi người đang ở trên tầng đều phải tất tả chạy xuống mở cửa rồi chạy lên làm nốt việc còn dang dở.
Một thời gian sau, tôi cải tạo phòng sinh hoạt chung ở tầng 2 thành phòng ngủ cho con trai. Đồng thời, tôi chuyển phòng thờ và khu giặt giũ trên tầng 5 xuống tầng 4. Tuy gia đình tôi bớt mệt mỏi hơn khi không còn phải di chuyển quá nhiều nhưng tầng 5 bị bỏ trống hoàn toàn.
Thi thoảng, vợ con tôi lại gợi ý chuyển về chung cư rộng hơn. Thấy hợp lý, tôi quyết định cho thuê nhà và rao bán ngôi nhà 5 tầng nhưng bị ép giá. Khách tới xem đều cho rằng, bỏ một khoản tiền lớn để mua một ngôi nhà cao tầng nhưng chỉ có thang bộ là điều không nên. Cũng có công ty muốn thuê dài hạn song điều kiện là tôi phải lắp thêm thang máy.
Tôi thấy việc lắp thang máy bổ sung khá phức tạp sau khi tham khảo ý kiến của một số kiến trúc sư. Nếu muốn lắp thang máy thì tôi phải phá bỏ thang bộ vì trong nhà không có giếng trời. Trong trường hợp đó, tôi còn phải bỏ thêm một khoản tiền khá lớn và thay đổi lại cách bài trí nội thất.
Kiến trúc sư Phạm Thanh Truyền cho rằng, chủ sở hữu nhà phố từ 5 tầng trở lên nên cân nhắc việc lắp thang máy ngay từ khâu thiết kế. Thang máy chỉ chiếm khoảng 3-4m2 diện tích sàn. Tuy nhiên, chi phí cho thiết bị này khá cao, khoảng từ 300 triệu trở lên. Mức giá thang máy tùy vào nguồn gốc thiết bị và trọng tải. Hiện nay, giá thành thang máy đã mềm hơn bởi một số bộ phận đã được sản xuất tại Việt Nam.
Không giống với căn hộ chung cư, sống trong nhà phố bắt buộc các thành viên phải di chuyển nhiều lần. Theo một số người, việc đi bộ lên xuống cầu thang coi như là tập thể dục. Song, không phải lúc nào bạn cũng khỏe mạnh và có thời gian cho việc này. Đặc biệt, việc leo thang bộ không phù hợp với người cao tuổi.
Đối với trường hợp cụ thể của anh Lâm, việc xây nhà 5 tầng là không cần thiết, không phù hợp với nhu cầu gia đình. Nếu muốn lắp thang máy, anh có thể chuyển khu vực thang bộ thành khoang thang máy. Bên cạnh đó, gia chủ có thể xây một thang bộ thoát hiểm ở vườn sau và làm thêm mái che. Dự trù kinh phí cho hạng mục này hết khoảng 400 triệu đồng. Tốt nhất, anh Lâm nên mời kiến trúc sư tới khảo sát cẩn thận và cân nhắc kỹ lưỡng bởi đây là một khoản tiền lớn.
|