Dù xây nhà to hay nhỏ, người Nhật cũng ít khi gộp chung toilet và nhà tắm với nhau bởi 4 lý do quan trọng dưới đây.
Nhật Bản vốn là quốc gia có nền văn hóa độc đáo. Chẳng hạn như người Nhật sở hữu chiếc bồn tắm hiện đại với rất nhiều nút bấm nhưng vẫn chuộng tắm trong bồn gỗ truyền thống.
Điều đặc biệt nữa là người Nhật không bao giờ xây chung nhà tắm với toilet. Không riêng gì những ngôi nhà to hoành tráng, kể cả những căn hộ có diện tích 20m2 thì hai không gian này bao giờ cũng được bố trí tách biệt.
|
Người Nhật thường bố trí phòng tắm tách biệt với phòng vệ sinh. |
Nguyên nhân là vì:
Truyền thống văn hóa của người Nhật
Dù được đánh giá là quốc gia có nền kinh tế phát triển, xã hội văn minh nhưng người Nhật vẫn gìn giữ nhiều nét văn hóa cũ. Một trong số đó là tách biệt khu vệ sinh với khu tắm rửa.
Họ thường bố trí nhà vệ sinh ở xa khu nhà chính. Phòng vệ sinh luôn có cửa sổ để đón ánh sáng tự nhiên, đảm bảo thông gió và không ảnh hưởng tới quá trình sinh hoạt của các thành viên trong gia đình.
Đảm bảo vệ sinh
Người Nhật quan niệm rằng, nhà tắm là nơi cần đảm bảo sạch sẽ bởi đây không chỉ là nơi để tắm mà còn để thư giãn, phục hồi tinh thần và thể chất.
Thế nhưng, nhà vệ sinh lại là nơi bài tiết, chứa đựng nhiều xú uế, chất thải. Chính vì sự đối lập này mà cần tách biệt hai không gian này với nhau.
Các nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra, dù không thể nhìn thấy bằng mắt thường nhưng quá trình giật nước, xả bồn cầu sau mỗi lần đi vệ sinh sẽ làm phát tán vi khuẩn ra ngoài phạm vi bồn cầu. Khi đó, vi khuẩn sẽ hạ cánh” ở bất cứ đâu trong phạm vi 2m tính từ bồn cầu. Và khăn tắm, khăn mặt, bản chải… sẽ trở thành “nơi ở” mới của vi khuẩn.
Chính nguy cơ này sẽ khiến những gia đình đang sử dụng hệ thống nhà vệ sinh kiêm nhà tắm phải suy nghĩ lại việc có nên học theo người Nhật bố trí hai khu vực riêng biệt nhau không.
Sự tiện lợi
Cả người Việt và người phương Tây đều khá hạn chế khi nói về nhà vệ sinh. Tuy nhiên, người Nhật lại khác. Họ có những chiếc bồn cầu hiện đại, thông minh nhất thế giới và vẫn tiếp tục nghiên cứu để đổi mới thiết bị này.
Chúng ta đều biết rằng, người Nhật học tập hay làm việc đều gấp rút, khẩn trương nhưng họ vẫn có cách tận hưởng cuộc sống theo cách riêng, đó là dành nhiều thời gian trong nhà tắm.
Việc thiết kế nhà tắm và nhà vệ sinh riêng rẽ nhau cho phép những người sử dụng có nhiều không gian và thời gian sử dụng hơn mà không lo ngại sẽ ảnh hưởng đến những người còn lại trong nhà.
Đảm bảo an toàn
Có khoảng 80% các hộ gia đình ở Nhật lựa chọn thiết bị vệ sinh hiện đại với phần bệ có hệ thống phun rửa, sưởi ấm tự động. Nhờ vậy, họ không cần sử dụng giấy để lau chùi khi đi vệ sinh mà chỉ cần làm khô nước được phun rửa tự động là đủ.
Khi sử dụng các tính năng này, thiết bị vệ sinh của người Nhật cần tới nguồn điện. Điều này đòi hỏi không gian trong phòng vệ sinh luôn khô ráo để đảm bảo an toàn, tránh chập cháy gây hậu quả nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, thiết kế tách biệt giúp nhà vệ sinh luôn khô ráo cho phép người Nhật dễ dàng trang hoàng không gian này với chậu cây, kệ sách báo…