Tại các đô thị lớn, mật độ nhà thường cao nên việc “chung vách chung tường” là khó tránh khỏi. Giữa các vách tường này thường có khe hở nhỏ (khe tiếp giáp). Nếu không xử lý tốt, khe này có thể gây nên tình trạng thấm nước, nhất là vào mùa mưa.
Những lý do gây thấm tại khe tiếp giáp
Nguyên nhân chủ quan
Một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng thấm tại khe tiếp giáp là chất lượng thi công móng không đảm bảo do không khảo sát hiện trạng. Lâu dần, móng sẽ bị sụt lún, gây nên các đường nứt tường và rãnh chân tường… Khi gặp mưa, nước mưa sẽ len lỏi vào các đường nứt, đường rãnh này, thấm vào tường trong đồng thời thấm lên tường trên.
Ngoài ra, nếu sử dụng vật liệu kém chất lượng, khi thời tiết thay đổi đột ngột, những vật liệu này sẽ bị co ngót, giãn nở không đồng đều, từ đó làm xuất hiện các vết nứt, gây ứ đọng nước, thẩm thấu qua tường.
Nếu để khe tiếp giáp này bị thấm nước lâu ngày sẽ ảnh hưởng
đến chất lượng công trình nhà bạn
Nguyên nhân khách quan
Mặt khác, nếu các công trình liền kề không được thi công cùng thời gian, công trình sau sẽ khó thậm chí là không được tô trát kỹ lưỡng bên ngoài. Do đó, khả năng chống thấm là con số 0.
Nền móng của 2 công trình liền kề không đều nhau, chỗ cao chỗ thấp cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên. Điều này sẽ tạo nên rãnh giữa 2 nền móng. Rãnh là điều kiện lý tưởng để nước mưa ứ đọng rồi sau đó thấm sâu vào trong nhà.
Giải pháp
Đối với những nhà liền kề mới xây, khe tiếp giáp nhỏ, không nhìn thấy:
Ở trường hợp này, bạn có thể sử dụng các loại màng chống thấm đàn hồi gốc polymer, acrylic hoặc polyurethane để xử lý. Loại màng chống thấm này có tính dẻo, đàn hồi rất cao nên có khả năng hồi phục, trám bít các khe hở, khe lún giữa 2 nền móng hiệu quả, tránh được hiện tượng ứ đọng nước.
Đối với những ngôi nhà đã cũ, khe tiếp giáp giữa hai nhà tách nhau, khoảng cách hai tường từ 1-5 cm:
Trường hợp này cần phải dùng phương pháp chống thấm phức tạp hơn. Các chuyên gia khuyên rằng, bạn nên sử dụng màng bitum dán chống thấm để phủ lên lớp chống thấm acrylic hoặc tôn inox không gỉ để ghim vào tường. Tuy nhiên, phương pháp ghim tôn vào tường chỉ nên áp dụng khi khe tiếp giáp lớn, đủ để người thi công di chuyển và làm việc.
Dù là phương pháp nào thì việc chống thấm cho khe tiếp giáp giữa 2 tường là rất khó, chỉ có thể xử lý chống thấm sau 2-3 năm sử dụng. Khi đó, khe lún giữa 2 nhà dường như đã ổn định nên có thể dễ dàng hơn trong công tác chống thấm.