Khi nắm rõ thể tích thực của thùng sơn, người tiêu dùng sẽ tránh được phát sinh chi phí, đảm bảo tính thẩm mỹ của công trình cũng như tiến độ thi công.
Tránh phát sinh chi phí
Cuối năm 2017, khi sửa lại nhà cho khách, anh Nguyễn Quang Phú (nhà thầu xây dựng tại Hà Nội) đã mua 25 thùng sơn loại 5 lít. Tuy nhiên, khi thi công, anh mới biết thể tích thực của thùng sơn chỉ có 4,5 lít.
Trước đó, anh đã ước tính chỉ cần mua 25 thùng sơn là đủ và đã tính toán, thông báo chi phí với chủ nhà. Sau đó, anh phải mua thêm 3 thùng nữa, do muốn giữ uy tín nên anh phải tự bù chi phí phát sinh. Anh Phú cho biết, đây chỉ là một công trình nhỏ, nếu là một dự án lớn thì chi phí phát sinh sẽ đội lên rất nhiều.
|
Khách hàng cần phân biệt dung tích bao bì với thể tích thực khi mua sơn. |
Khi tìm hiểu, anh Phú mới biết, thể tích là khoảng không gian mà vật (chất khí, lỏng, rắn) chiếm chỗ. Trong khi dung tích là sức chứa tối đa mà một vật có thể chứa đựng khối chất khác (có thể là chất khí, lỏng, rắn).
Như vậy, trong một thùng sơn, thể tích thực là lượng sơn thực tế có trong thùng, còn dung tích bao bì là sức chứa của thùng sơn. Chẳng hạn, với thùng sơn 5 lít chứa lượng sơn 4 lít thì 5 lít là dung tích bao bì của thùng sơn còn 4 lít là thể tích thực của khối sơn.
Đảm bảo tiến độ thi công
Anh Phú nhớ lại, đó là dịp cuối năm nên chủ nhà muốn hoàn thành xong trước Tết để đón vợ chồng cậu con trai thứ 2 từ Mỹ về định cư hẳn. Khi nhận việc, anh Phú khẳng định sẽ hoàn thành đúng thời hạn. Tuy nhiên, do thời tiết mưa nhiều, sơn mua thiếu, quá trình tìm mua bổ sung cũng gặp trục trặc khiến anh bàn giao công trình chậm tiến độ.
Anh phải giải thích rất nhiều mới được chủ nhà thông cảm. Anh Phú cho hay, đây giống như tai nạn nghề nghiệp. Ngoài tự rút kinh nghiệm cho bản thân, anh cũng đem câu chuyện của mình kể với những người trong ngành để họ không gặp phải tình trạng giống như anh.
|
Chú ý đến thể tích thực của thùng sơn để tránh bị “bẫy giá”. |
Đảm bảo tính thẩm mỹ cho công trình
Sau nhiều năm tích cóp, năm 2017, vợ chồng chị Minh An (Hai Bà Trưng, Hà Nội) quyết định sửa nhà. Khi chọn gạch ốp lát, chị đã tham khảo ý kiến bạn bè trong ngành. Do rất chú trọng tới hình thức bề ngoài nên chị chủ động tìm hiểu về các loại sơn và tự mình chọn mua. Chủ cửa hàng khuyên nên mua nhiều hơn một thùng so với dự tính và chị đã nghe theo.
Tuy nhiên, chỉ sơn hết tầng 2, thợ đã báo thiếu sơn cho tầng 3. Khi kể chuyện với cậu bạn học làm ngành xây dựng, chị Minh An mới biết do mình đã không chú ý đến thể tích thực của sơn khi mua.
Chị An đã tìm mua sơn cùng màu nhưng của hãng khác. Dù đã để ý đến màu sơn sao cho chúng giống với màu trước nhưng khi nhìn kỹ, chị vẫn thấy có sự khác biệt giữa lớp sơn trước và lớp sơn sau, khiến tính thẩm mỹ của ngôi nhà bị giảm đi.
Theo anh Trung Anh, một nhà thầu xây dựng tại Tp.HCM, không ít khách hàng gặp phải tình trạng như anh Phú, chị Minh An bởi không ít nhà sản xuất ghi dung tích bao bì thay vì ghi thể tích thực của lượng sơn trong thùng. Vì thế, người tiêu dùng cần lựa chọn những hãng sơn uy tín, có thông tin nhãn mác rõ ràng, đóng đủ dung tích bao bì để tránh thiệt hại và ảnh hưởng đến thời gian thi công, chất lượng công trình.