Nhà phố kết hợp kinh doanh là xu hướng thiết kế nhà ở phổ biến tại các thành phố, đô thị lớn hiện nay. Để sở hữu một ngôi nhà đảm bảo cả về công năng lẫn tính thẩm mỹ đòi hỏi gia chủ và kiến trúc sư phải đầu tư thích đáng cho khâu thiết kế, thi công công trình. Nếu bạn đang có ý định xây dựng kiểu nhà này thì có thể tham khảo những mẫu nhà đẹp dưới đây.
Khi thiết kế và thi công xây dựng nhà phố kết hợp kinh doanh, bạn cần lưu ý một số vấn đề quan trọng sau để đảm bảo công trình "lên hình" ưng ý nhất, tránh phải cải tạo, sửa sang lại mất thời gian, công sức cũng như phát sinh thêm chi phí.
1. Nhà phố kết hợp kinh doanh là gì?
Không có khái niệm cụ thể, rõ ràng về nhà phố kết hợp kinh doanh. Đây là cách gọi nôm na của người dân, dùng để chỉ kiểu nhà ở kết hợp với mục đích kinh doanh buôn bán. Nhà phố kết hợp kinh doanh còn được gọi là nhà phố thương mại.
Loại hình nhà ở này rất phổ biến tại các thành phố lớn, nơi nhu cầu kinh doanh buôn bán rất cao. Thông thường, nhà phố có chiều dài vượt trội (kiểu nhà ống), một lợi thế mà gia chủ hoàn toàn có thể tận dụng mặt tiền nhà, tầng trệt để kinh doanh buôn bán. Sự kết hợp này không chỉ tận dụng được quỹ đất, tăng mục đích sử dụng mà còn tạo cơ hội gia tăng thu nhập.
Thế nhưng, điều quan trọng nhất là phải thiết kế nhà phố sao không gian sinh hoạt riêng tư của gia đình không bị ảnh hưởng, không bị tác động bởi hoạt động kinh doanh. Cùng với đó, cần phải đảm bảo tính an toàn, tính thẩm mỹ cho công trình.
|
Mẫu nhà phố phong cách hiện đại đơn giản với gam màu vàng - trắng trang trí mặt tiền nổi bật. Hệ cửa cổng cao đảm bảo an toàn, riêng tư cần thiết. |
2. Thiết kế nhà phố kết hợp kinh doanh cần lưu ý gì?
Nhà phố thương mại - mô hình nhà ở 2 trong 1 luôn được các gia đình có đất mặt phố ưu tiên lựa chọn. Tuy nhiên, thiết kế nhà ra sao, bố trí công năng như thế nào để vừa đáp ứng nhu cầu ở, vừa có thể kinh doanh hoặc cho thuê mặt bằng là điều không hề đơn giản. Để có thể sở hữu ngôi nhà phố kinh doanh ưng ý, bạn tuyệt đối không nên bỏ qua những lưu ý quan trọng sau.
Tài chính
Tài chính luôn là yếu tố mang tính quyết định đến kết cấu và quy mô của nhà phố kết hợp kinh doanh. Gia chủ cần xác định rõ khoản kinh phí đầu tư cho thiết kế, thi công xây dựng nhà là bao nhiêu, từ đó cùng với kiến trúc sư lựa chọn phương án kiến trúc phù hợp. Ví dụ, nếu tài chính dư dả, bạn có thể kiểu nhà biệt thự, nhà nhiều tầng và sử dụng nội thất cao cấp. Nếu kinh phí hạn hẹp thì chọn các mẫu nhà ống hiện đại đơn giản, kết cấu 2 tầng, có thể thêm tầng tum, gác lửng...
Mặt khác, yếu tố tài chính cũng quyết định đến loại hình kinh doanh của gia đình. Bởi lẽ, nếu chọn loại hình vượt quá nguồn kinh phí hiện có, bạn có thể phải vay thêm, thậm chí rơi vào cảnh nợ nần chồng chất.
Vị trí xây dựng
Bạn nên chọn lô đất xây nhà phố tọa lạc ở vị trí giao thông thuận tiện, hướng ra mặt đường lớn, nơi có 2-3 mặt tiền thì càng tốt. Ở những vị trí này, người xe qua lại tấp nập, rất tiện để kinh doanh hàng ăn, đồ uống, shop quần áo, hiệu thuốc hoặc cho thuê mặt bằng kinh doanh, cho thuê văn phòng...
Quy mô công trình
Theo các chuyên gia trong ngành, nhà phố kết hợp kinh doanh nên có kết cấu từ 2 tầng trở lên, diện tích đất dao động trong ngưỡng 60-100m2, không nên quá chật vì kiểu nhà này phải kết hợp cả hai chức năng ở và kinh doanh. Nếu quá chật chội, hàng hóa chất đống sẽ ảnh hưởng tới tính thẩm mỹ tổng thể cũng như không tạo được sự thoải mái, thư giãn cho các thành viên trong gia đình. Thiết kế nhà phố vì thế không thực sự tối ưu công năng sử dụng.
>>> Có thể bạn quan tâm:
|
Nhà phố kết hợp kinh doanh với mặt tiền đơn giản, sang trọng. Tận dụng lợi thế mặt tiền, kiến trúc sư bố trí gara bên hông nhà, cạnh không gian kinh doanh tầng trệt. |
Vật liệu xây dựng
Với nhà phố để ở hay nhà phố kết hợp ở với kinh doanh, gia chủ đều phải lựa chọn vật liệu xây dựng, vật liệu hoàn thiện tốt nhất có thể để đảm bảo tính bền vững, kiên cố cho công trình. Tuy nhiên, tùy thuộc điều kiện kinh tế, khả năng tài chính của mình, bạn cần phải tính toán cẩn thận để chọn được loại vật liệu chất lượng với giá thành phải chăng.
Xác định rõ loại hình kinh doanh
Việc xác định loại hình kinh doanh không hề dễ dàng. Ngoài sở thích đơn thuần, nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như khả năng kinh tế của gia chủ, đặc điểm của lô đất, môi trường kinh doanh xung quanh, lượng khách hàng có nhu cầu...
Ví dụ, nếu nhà bạn có mặt tiền thoáng đẹp, nằm ngay trục đường lớn thì có thể thiết kế các tầng dưới làm văn phòng cho thuê. Còn nếu nhà gần trường học, khu công nghiệp, bệnh viện, hãy cân nhắc kinh doanh hàng ăn, quán cà phê...
Khi đã xác định được rõ loại hình kinh doanh, gia chủ và kiến trúc sư sẽ lên được ý tưởng thiết kế ngôi nhà, đặc biệt là đối với không gian kinh doanh ở tầng trệt sao cho vừa đảm bảo công thái học, vừa giàu tính thẩm mỹ, hấp dẫn khách hàng.
Đảm bảo an ninh, an toàn cho ngôi nhà
Nhà phố mặt tiền đường thuận tiện về giao thông, buôn bán nhưng đây cũng chính là điểm bạn cần hết sức lưu ý. Vào những lúc bận rộn, đông người qua lại, cửa mở thường xuyên... sẽ thu hút sự chú ý của kẻ gian. Do đó, gia chủ cần đặc biệt lưu ý tới vấn đề an ninh ngay từ khâu thiết kế, đảm bảo cho khu vực kinh doanh và không gian ở của gia đình đều được an toàn.
Hệ thống cửa cổng vô cùng quan trọng. Cổng chính, tường rào (nếu có) cần chắc chắn, nên sử dụng loại cửa hai lớp, kết hợp cửa sắt và cửa kính hoặc cửa cuốn. Đồng thời, cần lắp đặt hệ thống camera giám sát chất lượng để kiểm soát tình hình, hạn chế tối đa những tình huống phát sinh không mong muốn.
Ngoài ra, gia chủ cũng nên thiết kế lối thoát hiểm cho nhà ống, nhà phố kết hợp kinh doanh và có những biện pháp phòng cháy chữa cháy phù hợp, hạn chế tối đa thiệt hại khi chẳng may xảy ra sự cố cháy nổ.
|
Phong cách thiết kế nhà phố hiện đại được nhiều gia chủ lựa chọn bởi đơn giản, dễ tạo hình, tính thẩm mỹ cao. |
Đảm bảo sự riêng tư thiết yếu
Khi thiết kế nhà phố kết hợp kinh doanh, yếu tố riêng tư cho không gian ở luôn được đặt lên hàng đầu. Phương án thiết kế kiến trúc cần đảm bảo mang đến cho gia chủ không gian sống tiện nghi, đa năng và thoải mái nhất có thể. Tốt nhất, nên thiết kế lối đi riêng, phòng vệ sinh riêng cho khách, đồng thời tạo sự tách biệt nhất định với khu vực sinh hoạt của gia đình.
Cẩn thận hơn, gia chủ có thể bố trí thêm bảng hướng dẫn, chỉ dẫn cụ thể, tinh tế nhắc nhở khách hàng về khu vực nào mình được sử dụng, nơi nào là chốn riêng tư của gia chủ, không nên bước vào.
Bố trí công năng hợp lý cho cả khu ở và kinh doanh
Thông thường, với kiểu nhà 2 trong 1 này, khu vực kinh doanh sẽ được bố trí ở mặt tiền nhà hoặc toàn bộ không gian tầng trệt. Trong khi đó, không gian sinh hoạt của gia đình thiết kế ở các tầng trên hoặc phía sau nhà (đối với nhà 1 tầng). Trường hợp diện tích nhà không đủ lớn nhưng bạn vẫn muốn tận dụng mặt tiền để kinh doanh thì có thể cân nhắc thiết kế thêm tầng lửng.
Nếu có thể, gia chủ nên bố trí thêm tầng hầm hoặc bán hầm hoặc sân trước rộng rãi làm chỗ để xe cho khách. Nhiều gia đình còn thiết kế lối vào riêng, cầu thang riêng cho khu vực ở nhằm đảm bảo tính an toàn, riêng tư thiết yếu.
Chú trọng thẩm mỹ mặt tiền nhà
Kiến trúc mặt tiền đối với nhà phố kinh doanh cực kỳ quan trọng, là một trong những yếu tố góp phần thu hút sự chú ý của khách hàng. Hiện nay, phong cách kiến trúc hiện đại với những đường nét đơn giản mà mạnh mẽ, sắc nét kết hợp cùng các điểm nhấn trang trí, hình khối, màu sắc nhấn nhá bắt mắt được nhiều gia chủ lựa chọn.
Để mặt tiền nhà phố cuốn hút hơn, bạn có thể sử dụng gạch ốp trang trí kết hợp cùng kính cường lực, lam gỗ, cây xanh trang trí. Hệ thống cửa kính (kính cường lực chất lượng) không chỉ tạo cảm giác sang trọng cho ngoại thất công trình, đảm bảo an toàn mà còn mang đến tầm nhìn đẹp, cho phép ánh sáng tự nhiên lan tỏa vào mọi ngóc ngách bên trong nhà.
Bên cạnh đó, gia chủ cũng nên chú trọng việc bài trí không gian ở nhằm mang đến cho các thành viên gia đình cảm giác thoải mái, dễ chịu nhất có thể, để nhà là nơi trở lên nghỉ, thư giãn sau một ngày làm việc vất vả.
Thực tế cho thấy, nhà phố hiện nay thường được thiết kế theo hướng hiện đại đơn giản, không quá cầu kỳ về mặt trang trí. Gia chủ nên đầu tư thích đáng cho bảng hiệu hoặc các tấm banner quảng cáo để hấp dẫn khách hàng.
Với mặt tiền nhà phố kinh doanh, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:
|
Với thiết kế mặt tiền thân thiện, nhiều mảng xanh dịu mát, ngôi nhà phố nổi bật hẳn so với các công trình xung quanh. |
- Xác định rõ phong cách thiết kế
Hiện có nhiều phong cách thiết kế mặt tiền để bạn lựa chọn, trong đó xu hướng mặt tiền hiện đại tối giản được ưa chuộng nhất. Đối với những ngôi nhà phố tọa lạc ở vị trí đẹp, tầng trệt sẽ được thiết kế rộng rãi, thông thoáng với cửa kính lớn ở mặt tiền. Các tầng trên sẽ kết hợp thêm lam che hoặc rèm cửa để đảm bảo sự riêng tư, kín đáo.
Với mặt tiền nhà phố hẹp ngang, nên ưu tiên hình khối theo phương ngang nhằm tạo cảm giác rộng rãi, thoáng đãng hơn, cân xứng về mặt thị giác, tránh gây choáng ngợp bởi chiều cao công trình.
Gia chủ nên chọn tối đa không quá 3 màu cho mặt tiền nhà phố kinh doanh để tránh tạo cảm giác rối mắt. Đầu tiên sẽ chọn màu sơn cho tường, tiếp đến là cửa chính với những gam màu trung tính, cùng tông hoặc nhạt hơn màu sơn tường. Màu sắc của cổng và hàng rào không nên quá đậm, nếu không sẽ khiến ngôi nhà bị lu mờ.
Về mặt phong thủy, bạn có thể chọn màu sắc mặt tiền phù hợp với tuổi, bản mệnh của mình. Sơn tường màu xanh da trời, xanh lam, xanh lá phù hợp với mặt tiền hướng Đông và Đông Nam; màu kem, sữa, ghi, trắng hợp với mặt tiền hướng Tây Bắc. Màu trắng sữa, bạc, ghi, xám, xanh dương phù hợp với mặt tiền nhà hướng Bắc.
Mặt tiền nhà phố thương mại sẽ trở nên ấn tượng, thu hút sự chú ý của khách hàng hơn khi kết hợp hài hòa giữa các loại vật liệu hoàn thiện như gạch ốp, gỗ, đá, kính hoặc kim loại. Trong đó, vật liệu kính rất được ưa chuộng bởi tính thẩm mỹ cao, an toàn và riêng tư khi kết hợp cùng rèm cửa, lam gỗ che chắn.
Lưu ý, bạn không nên lạm dụng quá nhiều các vật liệu có bề mặt nhám, quá sần sùi hoặc phun gai vì dễ gây rêu mốc, bám bụi bẩn, ảnh hưởng tới tính thẩm chung của mặt tiền nhà.
Vào ban đêm, ánh sáng đèn không chỉ khiến mặt tiền nhà phố trở nên cuốn hút, bắt mắt hơn mà còn góp phần đảm bảo an ninh, an toàn cho công trình. Thị trường hiện có rất nhiều mẫu đèn trang trí ngoại thất đa dạng về kiểu dáng, màu sắc, chất liệu để bạn lựa chọn tùy theo nhu cầu, sở thích cũng như khả năng tài chính của mình. Nên ưu tiên loại đèn tiết kiệm điện hiệu quả.
- Trang trí với hoa, cây xanh
Đây là ý tưởng trang trí mặt tiền nhà phố truyền thống nhất nhưng chưa bao giờ lỗi mốt. Nhiều gia đình thường chọn trồng các loại cây dây leo, hoa hồng leo, hoa giấy, tigon, đan tiêu, ngọc nữ... để làm đẹp ngoại thất nhà ở. Không chỉ tạo nên diện mạo đẹp, thân thiện cho mặt tiền nhà, cây xanh còn góp phần cách nhiệt, chống nóng, mang lại bầu không khí trong lành, mát mẻ cho không gian sinh hoạt bên trong.
Đây là khâu vô cùng quan trọng khi hoàn thiện nhà phố, đặc biệt là đối với mặt tiền vì nếu tường ngoại thất thấm dột, loang lổ, rêu mốc sẽ ảnh hưởng tới thẩm mỹ tổng thể cũng như sức khỏe con người. Ngay từ khâu thiết kế, gia chủ cần lựa chọn giải pháp chống thấm phù hợp sử dụng sơn chống thấm, màng chống thấm, phụ gia chống thấm...
3. Tham khảo các mẫu nhà phố kết hợp kinh doanh đang được ưa chuộng
Nhà phố kinh doanh hiện nay rất đa dạng về phong cách kiến trúc cũng như quy mô diện tích, kết cấu tầng. Nhìn chung, kiểu nhà này thường có chiều cao từ 2 tầng trở lên, chủ yếu là dạng nhà ống với lợi thế về chiều dài, mặt tiền khá hẹp. Để gia tăng diện tích sử dụng và đảm bảo tính thẩm mỹ, kiến trúc sư thường thiết kế thêm gác lửng, tầng tum hoặc bố trí lệch tầng.
Dưới đây là 13 mẫu nhà phố kết hợp kinh doanh thịnh hành nhất hiện nay mà bạn có thể tham khảo:
|
Mẫu nhà 3 tầng 1 tum kết hợp kinh doanh tọa lạc trên lô đất hai mặt tiền thoáng đãng, tấp nập người xe qua lại, thuận lợi cho việc buôn bán. Kiến trúc sư sử dụng lam che, kính cường lực và cây xanh để đảm bảo không gian riêng tư của gia đình. |
Diện tích: 60m2
Số phòng ngủ: 2
Số phòng vệ sinh: 3
|
Mẫu nhà 3 tầng kết hợp kinh doanh được thiết kế và xây dựng trên lô đất rộng 55m2. Phong cách kiến trúc hiện đại, sang trọng tạo nên sức hút cho công trình ngay từ cái nhìn đầu tiên. |
Diện tích: 55m2
Số phòng ngủ: 3
Số phòng vệ sinh: 3
|
Mẫu nhà ống 4 tầng phong cách tân cổ điển tinh tế, nhẹ nhàng với toàn bộ tầng trệt dành để kinh doanh kết hợp gara ô tô tiện dụng. |
Diện tích: 85m2
Số phòng ngủ: 3
Số phòng vệ sinh: 3
|
Mẫu nhà 2 tầng kết hợp kinh doanh có thêm tầng tum làm phòng thờ và không gian trồng cây xanh, tạo góc thư giãn lý tưởng ngoài trời. Sức hút của công trình này đến từ những đường nét kiến trúc mạnh mẽ, khỏe khoắn. |
Diện tích: 70
Số phòng ngủ: 3
Số phòng vệ sinh: 2
|
Để đảm bảo an toàn và tính riêng tư thiết yếu cho gia chủ, kiến trúc sư khéo léo bố trí hai lối vào riêng biệt, thuận tiện sinh trong hoạt hàng ngày. |
Diện tích: 80m2
Số phòng ngủ: 3
Số phòng vệ sinh: 3
|
Mẫu nhà ống 3 tầng kết hợp kinh doanh ở tầng trệt được xây dựng trên lô đất rộng 63m2, nằm ngay mặt đường. Kiến trúc sư bố trí hệ cửa gỗ, tường rào cao nhằm che chắn nắng, bụi vào trong nhà, đồng thời tăng tính riêng tư và an toàn cho gia chủ. |
Diện tích: 63m2
Số phòng ngủ: 2
Số phòng vệ sinh: 2
|
Một trong những mẫu nhà phố 4 tầng có gác lửng phong cách hiện đại dùng để ở kết hợp kinh doanh phổ biến nhất hiện nay. Công trình có thêm hầm để xe cho khách. |
Diện tích: 82m2
Số phòng ngủ: 4
Số phòng vệ sinh: 3
|
Trên lô đất kích thước 4x15.5m, kiến trúc sư thiết kế mẫu nhà ống 3 tầng 1 tum hiện đại, đơn giản với tông màu trắng sang trọng. Gia chủ dành 30m2 ở tầng trệt để kinh doanh tạp hóa, quán cà phê. |
Diện tích: 62m2
Số phòng ngủ: 2
Số phòng vệ sinh: 2
|
Với thiết kế mặt tiền thân thiện và mát mắt, mẫu nhà phố kết hợp kinh doanh này đang rất được ưa chuộng. Lan can kính cường lực trong suốt tạo độ thông thoáng. Các ô lớn trồng cây xanh mang đến khoảng xanh quý giá cho nhà ống nơi phố thị |
Diện tích: 89m2
Số phòng ngủ: 4
Số phòng vệ sinh: 3
|
Gia chủ hoàn toàn có thể tận dụng mặt tiền nhà phố sang trọng này để cho thuê văn phòng, mở cửa hàng ăn uống hoặc bán quần áo tùy thích. |
Diện tích: 60m2
Số phòng ngủ: 2
Số phòng vệ sinh: 2
|
Với mẫu nhà phố 3 tầng này, kiến trúc sư chừa lại một khoảng diện tích phía trước trồng hoa, cây cảnh và làm chỗ để xe cho khách. |
Diện tích: 79m2
Số phòng ngủ: 3
Số phòng vệ sinh: 3
|
Mặt tiền nhà ống 3 tầng nổi bật với những điểm nhấn màu vàng gợi nhớ tới những ngôi nhà phố xưa cũ, tạo cảm giác gần gũi, thân thuộc. |
Diện tích: 88m2
Số phòng ngủ: 3
Số phòng vệ sinh: 3
|
Mẫu nhà phố kết hợp kinh doanh dành cho những gia chủ yêu thích thiết kế mở phóng khoáng, nhiều mảng xanh thiên nhiên và hài hòa với cảnh quan xung quanh. |
Diện tích: 77m2
Số phòng ngủ: 3
Số phòng vệ sinh: 2
Như vậy, Dothi.net đã chia sẻ với bạn đọc những thông tin hữu ích về các điểm cần lưu ý khi thiết kế mẫu nhà phố kết hợp kinh doanh. Cùng với đó, giới thiệu một số mẫu nhà đẹp, được yêu thích nhất hiện nay.
Hy vọng rằng bạn sẽ có thêm ý tưởng khi lên phương án thiết kế, cải tạo không gian sống nhà mình sao cho vừa tiện nghi, giàu tính thẩm mỹ, đồng thời có thể tận dụng diện tích mặt tiền kinh doanh, gia tăng thu nhập.
Lam Giang
>> Mẫu thiết kế nhà ống 4 tầng sang trọng kết hợp kinh doanh quán cà phê
>> Phương án thiết kế nhà phố 4 tầng kết hợp kinh doanh trên đất rộng 100m2