Chỉ sau nửa tháng quét sơn, tường nhà anh Xuân Vũ (38 tuổi, sống ở Tp.HCM) đã bị ngấm nước, mốc loang lổ, ố vàng rất mất thẩm mỹ. Lý do là, gia chủ đã bỏ qua khâu chống thấm cho chân nhà.
Sau đây là câu chuyện chống thấm cho công trình của anh Vũ:
Tôi xây nhà 1 trệt 1 lầu với tổng diện tích sàn 134m2 vào năm 2010. Lúc bấy giờ, tôi chỉ quan tâm tới các hạng mục trang trí như chọn gạch bông chất lượng để lát nhà, lắp đèn nháy trên trần,... chứ không quan tâm nhiều tới chất lượng công trình, kỹ thuật xây dựng. Hơn nữa, tôi cũng không am hiểu về xây dựng nên cứ để mặc mấy ông thợ vườn tự thi công, hoàn thiện.
Do chủ quan nên tôi đã bỏ qua khâu chống thấm cho chân tường dù nhà nằm trong hẻm nhỏ, cách nhà tôi 3 căn là con kênh, vào mùa mưa, triều cường hay bị ngập nước. Tôi yên tâm khi xây nền nhà cao hơn đường 20cm. Tuy nhiên, 1 năm sau, nhà tôi lại thấp hơn đường tận 30cm do nâng nền con hẻm trước cửa. Mùa mưa tới, nhà tôi trở thành ao hứng nước, nội thất gỗ, mây ở tầng 1 nhanh chóng xuống cấp và hư hỏng. Đồng thời, chân tường cũng bị ố vàng, rêu mốc loang lổ trông rất khó coi.
Tôi đã tìm mọi cách để cắt giảm chi phí khi xây nhà. Cùng với mấy lao động phổ thông, tôi dỡ gạch lát nền cũ, cho xà bần vào, mua xi măng, cát, gạch bông mới để lát toàn bộ tầng trệt. Đúng ra, tôi vừa phải nâng nền vừa phải cạo bỏ thêm lớp vôi vữa ở chân tường cũ lên cao khoảng 1,5m rồi mới trát lại, phun chất chống thấm để giải quyết được vụ chân tường bị thấm nước. Thế nhưng, khi đó, tôi cứ nghĩ cứ sơn mới là xóa được vết mốc.
Sau đó, trong khi con hẻm không còn ngập úng thì tường nhà tôi lại bị thấm nước kinh khủng hơn. Các mảng chân tường bị thấm nước ngả màu vàng ố, loang lỗ xấu xí. Hầu như Tết nào tôi cũng phải sơn mới lại nhà nhưng nửa tháng sau các vết ngấm lại xuất hiện, có chỗ còn cao tới 1m. Ngôi nhà ẩm mốc, cũ kỹ trông rất chán.
Trước thực trạng này, tôi quyết định ốp gạch bông trắng cho chân tường cao tới 1m5 (nửa già chiều cao tường nhà) vào đầu năm nay. Tuy nhà có vẻ sáng hơn trước nhưng khách tới chơi toàn bảo các phòng ở tầng trệt trông chẳng khác gì nhà tắm.
|
Quên không chống thấm cho chân tường, tường nhà anh Vũ bị ngấm nước rêu mốc loang lổ. (Ảnh: Sibenik) |
Theo kiến trúc sư Phạm Thanh Truyền (Tp.HCM), đặc tính của xi măng, vữa, hồ dầu (xi măng hòa nước dạng sệt) là hấp thụ nước. Càng cũ chúng càng thấm hút và ngấm nước nhanh. Nếu nước, hơi ẩm nhiều chúng sẽ hút và đưa một phần theo mạch lan lên phần tường trên, còn lại giữ ở chân tường gây nấm mốc.
Ông Truyền chỉ ra một số nguyên nhân khiến chân tường chị ngấm nước:
Một là, nhà gần các mạch nước ngầm, sông suối, ao hồ. Hơi ẩm cùng nước từ đất nền mao dẫn theo mạch vữa lan dần lên cao. Tùy vào độ rỗng của vữa và gạch, hơi ẩm có thể dâng tới đâu. Đối với những ngôi nhà ở khu vực bị ngập nước, khi xây dựng, gia chủ không chỉ đưa cốt nhà lên cao mà còn phải sử dụng vật liệu chống thấm từ lúc tô vữa, đồng thời sử dụng đà kiềng bê tông kháng nước nhằm hạn chế tối đa hiện tượng mao dẫn.
Hai là, chân tường bị ngấm nước do công trình xây dựng lâu năm, xuống cấp hoặc do địa chấn có liên quan tới khu vực chân tường.
Ba là, khi thi công xây dựng làm giằng móng thấp hơn so với nền nhà hoặc không làm móng bê tông cách thấm ẩm. Việc chân tường bị ngấm nước còn xuất phát từ nguyên nhân thợ xây không dùng đủ xi măng, vữa khiến các lỗ rỗng giữa gạch ở phần móng và phần chân tường xuất hiện khiến nước thấm nhanh, thấm sâu vào chân tường. Thợ thi công không chống thấm đúng quy đình cũng dẫn tới hiện tượng này.
Theo kiến trúc sư Truyền, tùy vào nguyên nhân sẽ có nhiều cách khắc phục hiện tượng thấm nước chân tường.
Việc anh Vũ ốp đá và gạch trang trí như trên cũng là một giải pháp để chống thấm nhưng ảnh hưởng tới mỹ quan công trình. Nếu áp dụng theo cách này, gia chủ nên tham vấn kiến trúc sư về phối màu, cao độ của mảng gạch men sao cho hợp lý, đảm bảo mỹ quan ngôi nhà. Bạn phải xử lý chống thấm song song khi ốp gạch men bên ngoài. Đây là giải pháp che giấu vết thấm chứ không thể giải quyết triệt để. Những đoạn tường còn hở sẽ bị hỏng khi hơi nước dẫn ngược lên cao.
Gia chủ có thể áp dụng phương pháp sau: Đục bỏ hàng chân tường, đổ vữa tự chảy hoặc bê tông, tạo dầm cách ẩm và đục toàn bộ lớp vữa trát khoảng tường, sau đó quét chống thấm, trát lại bằng vữa tốt trộn phụ gia. Ông Truyền chia sẻ, bản thân ông cũng từng dùng một vài loại chống thấm hữu cơ có hiệu quả cao, thậm chí 10 năm sau vẫn không bị thấm nước trở lại.
Ngoài ra còn có phương pháp bơm hóa chất dạng lỏng vào chân tường để chống thấm. Thợ thi công có thể khoan thẳng hoặc khoan nghiêng mạch rồi bơm hóa chất vào.
Theo chuyên gia này, ngay từ khi mới xây dựng nhà cửa, bạn nên chống thấm cho chân tường. Bởi lẽ, khi bạn phát hiện ra thì tình trạng ngấm nước đã trở nên nghiêm trọng. Để khắc phục rất tốn kém và mất thời gian. Thực tế cho thấy, mọi bộ phận trong một hạ tầng công trình đều có nguy cơ thấm dột cao bởi đặc trưng của khí hậu Việt Nam là nóng ẩm, mưa nhiều.