Cách dùng điều hòa tiết kiệm điện là vấn đề được hầu hết các gia đình quan tâm, đặc biệt trong những ngày hè nắng nóng lên tới 40 độ C. Vậy sử dụng điều hòa như thế nào để vừa an toàn, vừa hiệu quả cũng như tránh được nỗi "kinh hoàng" khi nhìn vào hóa đơn tiền điện hàng tháng? Bạn có thể tham khảo cách sử dụng điều hòa trong bài viết này.
Điều hòa là thiết bị "giải nhiệt", làm mát nhà hiệu quả nhất khi thời tiết nắng nóng oi bức. Tuy nhiên, việc sử dụng điều hòa với công suất và tần suất cao như vậy có thể khiến hóa đơn tiền điện nhà bạn tăng vọt. Để giảm thiểu chi phí tiền điện mỗi tháng, bạn không nên bỏ qua các cách dùng điều hòa tiết kiệm điện sau đây.
Chọn điều hòa có công suất phù hợp với diện tích phòng
Đây là tiêu chí đầu tiên khi đề cập tới cách dùng điều hòa tiết kiệm điện. Nên chọn điều hòa có công suất phù hợp với diện tích phòng. Bởi lẽ, nếu công suất yếu thì máy dễ bị quá tải và làm mát không hiệu quả. Công suất lớn so với diện tích phòng thì vừa gây hao tổn điện năng, vừa phí mất một khoản tiền đáng kể vào chiếc điều hòa công suất lớn, không cần thiết.
Bạn có thể tham khảo một số thông số cơ bản sau đây khi chọn điều hòa:
Diện tích phòng |
Công suất điều hòa |
15-23m2 |
6.000 BTU/h |
24-28m2 |
7.000 BTU/h |
29-32m2 |
8.000 BTU/h |
33-37m2 |
9.000 BTU/h |
38-41m2 |
10.000 BTU/h |
42-51m2 |
12.000 BTU/h |
51-65m2 |
14.000 BTU/h |
66-92m2 |
18.000BTU/h |
Sử dụng điều hòa công nghệ Inverter
Máy điều hòa Inverter sử dụng máy nén biến tần nhằm điều chỉnh tốc độ quay của máy nén phù hợp với công suất làm lạnh. Máy nén sẽ hoạt động chậm lại (không tắt hẳn) khi phòng đạt đến nhiệt độ cài đặt. Việc máy nén quay chậm lại khi công suất làm lạnh vừa đủ vừa giúp tiết kiệm điện năng từ 30-60% so với máy lạnh thường, vừa đảm bảo duy trì mức nhiệt ổn định.
Lưu ý, máy điều hòa Inverter chỉ tiết kiệm điện khi bạn dùng nó trong khoảng thời gian từ 6-8 tiếng trở lên mỗi ngày và máy được lắp đặt đúng cách, cài đặt nhiệt độ phù hợp khi sử dụng.
Chọn vị trí lắp đặt và lắp điều hòa đúng chuẩn
Với dàn nóng điều hòa, bạn nên chọn vị trí ít bị nắng chiếu trực tiếp. Hướng lắp dàn nóng tốt nhất là hướng Bắc, Nam, Đông và Tây. Nên lắp dàn nóng ở lo gia, hiên nhà - nơi có mái che chắn nắng mưa và tiện cho việc bảo dưỡng, sửa chữa khi cần.
Gia chủ không nên lắp dàn nóng trực diện với hướng gió, cũng không nên lắp hai dàn nóng đối diện ở cùng một khu vực, tránh lắp ở nơi có khói thải, nguồn nhiệt, hơi nước, hóa chất bẩn...
Từ dàn nóng đến tường hai bên cần đảm bảo khoảng cách tối thiểu 10cm, cách trần 6cm, phía trước cách 70cm, phía sau cách 10cm. Dàn lạnh cách tường hai bên ít nhất 5cm, cách trần 5cm và cách sàn tối thiểu 2,3m.
|
Vị trí lắp điều hòa và cách lắp thiết bị cũng ảnh hưởng tới lượng điện năng sẽ tiêu thụ. |
Lưu ý, dàn nóng và dàn lạnh nên được lắp gần nhau để đảm bảo đường ống gas ngắn nhất và độ cao chênh lệch giữa hai dàn là nhỏ nhất. Đường ống càng dài, chênh lệch độ cao càng lớn thì càng tốn điện năng tiêu thụ.
Mặt khác, đường ống dẫn gas không nên bị gấp khúc quá nhiều, không gãy hoặc bị dập, bị hở. Cần bọc bảo ôn đúng tiêu chuẩn quy định đối với cả ống gas lẫn ống thoát nước cho điều hòa.
Chỉnh nhiệt độ điều hòa ở mức 25-27 độ C
Vào những ngày nắng nóng, nhiều người mở điều hòa ở nhiệt độ thấp để làm mát phòng nhanh nhất có thể. Tuy nhiên, cách làm này sẽ khiến điều hòa phải làm việc hết công suất, phải duy trì mức hoạt động tối đa để giữ mức nhiệt này. Và dĩ nhiên, hóa đơn tiền điện nhà bạn cũng sẽ tăng theo, ảnh hưởng tới thu chi, nhất là khi kinh tế gặp khó khăn.
Điều đáng nói là, dù điều hòa phải hoạt động nhiều hơn, phải chạy hết công suất nhưng vẫn khó đạt được nhiệt độ thấp mà bạn cài đặt. Chưa kể, khi nhiệt độ điều hòa quá thấp sẽ tạo sự chênh lệch lớn giữa nhiệt độ phòng - nhiệt độ thực tế, có thể dẫn tới tình trạng sốc nhiệt, không tốt cho sức khỏe, nhất là với người già và trẻ nhỏ.
Do đó, cách sử dụng điều hòa tiết kiệm điện là để điều hòa chạy ở mức nhiệt từ 25-27 độ C. Bạn nên duy trì ở mức nhiệt này để tránh dao động biên độ nhiệt quá lớn so với bên ngoài và tốt cho sức khỏe.
|
Nên bật điều hòa ở mức nhiệt 25-27 độ C vừa tốt cho sức khỏe, vừa tiết kiệm điện. |
>>> Xem thêm:
Chênh lệch nhiệt độ không quá 10 độ C
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, chênh lệch nhiệt độ trong nhà và ngoài trời nên được đảm bảo trong khoảng từ 8-10 độ C. Mức chênh lệch nhiệt độ này phù hợp với cơ thể con người, tốt cho sức khỏe của các thành viên gia đình. Vậy nên, khi sử dụng điều hòa, bạn nên cài đặt nhiệt độ sao cho biên độ nhiệt trong nhà - ngoài trời dao động ở mức 8-10 độ C.
Chẳng hạn, nếu nhiệt độ ngoài nhà từ 35 độ C trở lên, bạn nên bật điều hòa ở mức 27-28 độ C, tránh đặt nhiệt độ máy lạnh dưới ngưỡng này, nếu không dễ ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng và tiêu tốn nhiều điện năng.
Lưu ý, bạn không nên bước vào phòng điều hòa ngay sau khi mới đi ngoài trời nắng nóng về và cũng nên tránh bước từ khu vực có điều hòa ra ngoài trời nắng. Bởi lẽ, việc thay đổi nhiệt độ đột giữa hai môi trường khác nhau sẽ gây ra tình trạng sốc nhiệt, không tốt cho cơ thể, sức khỏe của bạn.
Không bật, tắt điều hòa liên tục
Việc bật điều hòa lên đến lúc phòng mát thì tắt đi một lát, sau đó nếu thấy nóng thì bật lại là thói quen không tốt, vừa hại máy, vừa tốn điện. Bởi lẽ, khi bật điều hòa, động cơ tiêu thụ rất nhiều năng lượng để hoạt động, kích hoạt dàn lạnh để đạt được nhiệt độ như bạn cài đặt.
Điện năng tiêu thụ để khởi động thiết bị cao gấp nhiều lần so với khi duy trì nhiệt độ ở trạng thái đang bật. Do đó, khi dùng điều hòa mùa nắng nóng, bạn nên tránh bật, tắt điều hòa liên tục.
Gia chủ chỉ nên bật điều hòa khi nghỉ ngơi, sinh hoạt trong phòng đủ lâu. Trường hợp bạn sử dụng loại máy lạnh không có chế độ "ngủ", bạn hãy tăng nhiệt độ thêm 2 độ C vào ban đêm, khi thời tiết mát mẻ hơn. Đồng thời, có thể dùng thêm quạt trong 1 giờ nếu cảm thấy hơi nóng hoặc bí bức. Tránh đặt nhiệt độ thấp tới mức phải nằm đệm, đắp chăn khi ngủ vào mùa hè.
Điều hòa nên dùng kết hợp với các loại quạt
Bạn nghĩ vừa sử dụng điều hòa, vừa dùng quạt điện/quạt điều hòa sẽ tốn điện gấp đôi? Trên thực tế, đây là một trong những cách làm mát phòng rất nhanh và hiệu quả. Khi mới bật điều hòa, bạn nên sử dụng thêm quạt để tăng khả năng lưu thông của không khí lạnh, từ đó giúp căn phòng mát nhanh hơn.
Hơn nữa, khi kết hợp thêm quạt điện, bạn có thể không phải cài đặt điều hòa ở nhiệt độ quá thấp, nhờ đó giảm thiểu được lượng điện năng cần phải tiêu tốn cho việc làm mát nhà.
Lưu ý, bạn chỉ nên dùng quạt trong khoảng 15-20 phút đầu khi mới bật máy điều hòa. Còn khi không khí trong phòng đã mát hơn, lạnh hơn thì việc sử dụng quạt có thể không cần thiết nữa và còn gây tốn điện. Cũng không nên bật quạt treo tường, quạt trần cùng với điều hòa nếu tường nhà, mái nhà chịu ảnh hưởng trực tiếp từ ánh nắng mặt trời.
|
Sử dụng điều hòa kết hợp với quạt đúng cách sẽ giúp làm mát phòng nhanh chóng. |
Tắt điều hòa trước khi rời khỏi phòng khoảng 30 phút
Theo giới chuyên gian, một trong những cách sử dụng máy lạnh tiết kiệm điện là nên tắt điều hòa trước khi bạn rời khỏi phòng khoảng nửa tiếng.
Máy lạnh sau khi ngưng hoạt động vẫn có thể duy trì hơi lạnh ít nhất 30 phút, do đó người dùng vẫn cảm thấy mát mẻ, dễ chịu. Đồng thời, cách này cũng giúp bạn tránh bị sốc nhiệt khi bước từ phòng điều hòa ra môi trường bên ngoài.
Lưu ý, bạn hãy tắt điều hòa nếu ra khỏi phòng từ 1 giờ trở lên. Trong mùa lạnh hoặc một thời gian dài không dùng tới máy lạnh, bạn nên ngắt cả aptomat.
Việc ngắt nguồn điện của điều hòa cũng là cách tiết kiệm điện điều hòa hiệu quả. Nếu không ngắt aptomat thì thiết bị này vẫn tiêu thụ điện năng ngầm khoảng 15W vì dù điều hòa đã tắt nhưng mạch điều khiển đóng mở của máy vẫn đang ở chế độ chờ điều khiển.
Vì thế, để hạn chế tiêu tốn nhiều điện năng vào mùa hè, bạn nên ngắt cả aptomat/cầu dao của điều hòa khi không sử dụng.
Để điều hòa ở chế độ phù hợp
Điều hoà để chế độ nào tiết kiệm điện? Bạn nên sử dụng các chế độ phù hợp và linh hoạt tùy theo điều kiện thời tiết. Và nhất định phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.
Theo các chuyên gia, khi dùng điều hòa, sử dụng chế độ "Dry" (ký hiệu hình giọt nước) sẽ tiết kiệm điện hơn so với chế độ "Cool" (ký hiệu hình bông tuyết). Với chế độ Cool, máy điều hòa sẽ lấy nhiệt nóng từ trong phòng đẩy ra cục nóng bên ngoài để làm giảm nhiệt độ phòng, vì thế sẽ tiêu tốn nhiều điện nặng hơn.
Với chế độ Dry, máy điều hòa sẽ hút ẩm ra khỏi phòng, trả lại không khí trong lành mát mẻ nên tiêu thụ ít điện năng hơn. Ở chế độ Dry, công suất tiêu thụ của điều hòa giảm khoảng 10 lần, nhiệt độ phòng không thấp quá 23 độ C, biên độ nhiệt không quá lớn nên sẽ hạn chế được tình trạng sốc nhiệt. Nếu thời tiết không quá nắng nóng, bạn nên sử dụng chế độ này.
Tuy nhiên, nếu nền nhiệt cao, nắng nóng lên tới 40 độ C thì nên bật điều hòa ở chế độ làm mát Cool. Về đêm, bạn có thể chuyển sang chế độ Dry khi thời tiết bên ngoài đã mát mẻ hơn, độ ẩm cao hơn.
Hẹn giờ tắt điều hòa, không sử dụng 24/24
Hẹn giờ điều hòa tắt về đêm không chỉ giúp tiết kiệm điện năng hiệu quả mà còn tránh cơ thể bị lạnh dẫn tới các bệnh về hô hấp như sổ mũi, ho, viêm họng... Trước khi ngủ, bạn nên hẹn giờ tắt điều hòa, tùy nhu cầu và điều kiện thời tiết cụ thể, bạn có thể hẹn giờ tắt máy lạnh vào khoảng 3-4 giờ sáng.
Kinh nghiệm cho thấy, bạn không nên bật điều hòa làm mát 24/24 giờ ngay cả những ngày nắng nóng nhất. Việc bật điều hòa suốt cả ngày không tốt cho sức khỏe. Đặc biệt, với những gia đình có trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, việc sử dụng điều hòa quá lâu, sử dụng liên tục rất không nên vì độ ẩm trong phòng bị giảm mạnh, không khí lưu thông kém.
Thay vì dùng điều hòa triền miên, bạn nên sử dụng quạt làm mát vào các khoảng thời gian không quá nóng trong ngày để tiết kiệm điện năng, lưu thông không khí, giúp căn phòng thoáng đãng hơn, hạn chế các vấn đề về da, hô hấp...
|
Không nên sử dụng điều hòa liên tục cả ngày. Hãy sử dụng quạt vào những khung giờ không quá nóng, đồng thời mở cửa phòng để không khí lưu thông. |
Cách nhiệt cho phòng, hạn chế tối đa khe hở
Như chúng ta đã biết, nhiệt độ môi trường bên ngoài sẽ ảnh hưởng đến quá trình hoạt động của điều hòa. Do đó, để sử dụng điều hòa tiết kiệm điện, bạn cần đảm bảo hạn chế tối đa tác động của nhiệt độ bên ngoài đến nhiệt độ trong phòng.
Trước hết, khi sử dụng điều hòa, bạn cần bịt kín, che kín các ô thoáng, khe hở, đồng thời đóng kín cửa sổ để giúp điều hòa làm lạnh nhanh hơn và không khí lạnh không bị thất thoát nhiều ra ngoài.
Bên cạnh đó, bạn nên sử dụng các giải pháp cách nhiệt cho căn phòng như dùng vật liệu cách nhiệt (xốp, tôn lạnh) cho mái, dán giấy cách nhiệt cho tường, sơn tường bằng những tông màu trắng, sử dụng nội thất màu sáng để giảm hấp thu nhiệt, bố trí rèm cửa cho cửa sổ, trồng thêm cây xanh...
Sử dụng loại kính 2 lớp ở giữa bơm khí trơ cũng giúp cách nhiệt hiệu quả. Nếu vách kính, cửa sổ đúng hướng nắng chiếu trực tiếp, gia chủ nên thiết kế ô văng, sử dụng lam chắn nắng và rèm cửa dày để giảm thiểu bức xạ nhiệt vào phòng.
Kết hợp tất cả những mẹo nhỏ này sẽ giúp tiết kiệm đáng kể năng lượng điện mà điều hòa cần tiêu thụ để làm mát phòng.
Định kỳ vệ sinh, bảo dưỡng điều hòa
Điều hòa nếu không được vệ sinh, bảo dưỡng định kỳ sẽ ảnh hưởng công suất hoạt động, tuổi thọ thiết bị và sức khỏe của người dùng, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ. Do đó, bạn nên vệ sinh và bảo dưỡng điều hòa đúng theo định kỳ để loại bỏ vi khuẩn, nấm mốc, bụi bẩn tích tụ trong máy.
Thông thường, sau khoảng 2-3 tháng sử dụng, bạn sẽ vệ sinh làm sạch điều hòa một lần để giúp máy vận hành êm hơn, bền hơn cũng như bảo vệ sức khỏe của các thành viên gia đình. Điều hòa được vệ sinh, bảo dưỡng đúng cách còn giúp tăng hiệu suất làm lạnh, tiết kiệm điện trong quá trình sử dụng.
Nếu thường xuyên sử dụng điều hòa, bạn cần làm sạch dàn nóng và dàn lạnh 1 năm/lần và vệ sinh phin lọc không khí cho mặt nạ dàn lạnh 2 tuần/lần.
Hiện nay, một số dòng máy lạnh cao cấp được tích hợp tính năng tự động làm sạch bụi bẩn, vi khuẩn, nấm mốc, nếu có điều kiện bạn có thể cân nhắc lựa chọn cho gia đình mình.
|
Vệ sinh, bảo dưỡng điều hòa định kỳ và đúng cách giúp máy chạy êm hơn, bền hơn và góp phần tiết kiệm năng lượng điện tiêu thụ. |
Một số lưu ý khi sử dụng điều hòa mùa nóng
Ngoài những cách dùng điều hòa tiết kiệm điện nêu trên, bạn nên lưu ý thêm một số vấn đề sau khi sử dụng máy lạnh:
- Không vào phòng có điều hòa ngay khi mới đi ngoài nắng về, nên ngồi nghỉ ngơi một lát cho ráo mồ hôi để cơ thể thích nghi dần với nhiệt độ thấp hơn ngoài trời.
- Bật điều hòa trước khi ngủ khoảng 10-15 phút để làm mát phòng, tạo cảm giác thoải mái, dễ ngủ và ngủ ngon giấc hơn.
- Không để hướng gió điều hòa chĩa thẳng vào người nằm gây khô da, khô mũi họng, ngủ không ngon giấc, thậm chí gây viêm họng, viêm phế quản, cảm lạnh... Để khắc phục, có thể sử dụng chế độ quạt đảo chiều, tránh gió chỉ thổi vào một chỗ.
- Sau khi sử dụng điều hòa qua đêm, nên mở cửa phòng để không khí lưu thông, đẩy khí hại ra khỏi phòng, trả lại bầu không khí thoáng đãng, sạch sẽ, thơm tho.
- Sử dụng thêm máy tạo ẩm hoặc đặt một chậu nước trong phòng để khắc phục tình trạng thiếu độ ẩm, tuy nhiên phải vệ sinh máy, phòng ốc sạch sẽ để vi khuẩn, nấm mốc không có điều kiện sinh sôi.
- Tránh để đồ ăn, thức uống nặng mùi vào phòng có điều hòa, nếu không căn phòng sẽ bị ám mùi khó chịu, gây phiền phức trong quá trình sinh hoạt và thư giãn của các thành viên gia đình.
- Không để trẻ nhỏ ra/vào phòng điều hòa đột ngột hoặc liên tục để tránh tình trạng sốc nhiệt, không tốt cho sức khỏe.
- Khi ở lâu trong phòng điều hòa, cần uống đủ nước (2-2,5l/ngày tùy cân nặng, cơ địa), bổ sung nhiều rau xanh và trái cây tươi để tăng sức đề kháng, tránh bị khô da, mất nước cũng như các bệnh về hô hấp.
Với các cách dùng điều hòa tiết kiệm điện mà Dothi.net chia sẻ trên đây, bạn đọc có thể tham khảo và áp dụng linh hoạt tùy từng trường hợp cụ thể. Theo đó, vào những ngày hè nắng nóng điểm điểm, không gian sống nhà bạn vẫn luôn mát mẻ, dễ chịu mà không tiêu tốn quá nhiều điện năng cho việc làm mát nhà.
Lam Giang
>> Mẹo "giải nhiệt" cho phòng bếp mùa hè
>> Tắt quạt trần giúp nhà mát hơn trong đợt nắng nóng đỉnh điểm
>> Mẹo làm mát nhà đơn giản trong những ngày nắng nóng 40 độ