Xu hướng bài trí cây xanh trong phòng bếp ngày càng trở nên phổ biến, được nhiều gia đình lựa chọn bởi những ưu điểm vượt trội như giúp thanh lọc không khí, tăng cường oxy, tạo cảm giác gần gũi với thiên nhiên, mang lại phong thủy tốt... Tuy nhiên, nếu không biết cách lựa chọn, bài trí cây xanh thì chúng khó có thể phát huy hết hiệu quả tích cực.
Về cây xanh trang trí gian bếp gia đình, nhiều người vẫn băn khoăn không biết nên lựa chọn loại cây nào, đặt chúng ở đâu, chăm sóc ra sao... Bài viết này sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc đó.
Lợi ích của việc trồng cây xanh trong nhà ở
Chúng ta đều biết, cây xanh trồng trong nhà mang lại rất nhiều lợi ích, trước hết là tính thẩm mỹ. Những chậu cảnh nhỏ xinh, xanh mướt sẽ tạo điểm nhấn sinh động cho không gian sống, giúp "làm mềm" đường nét thô cứng của tường bê tông trong nhà phố hoặc căn hộ chung cư, đồng thời tạo sự hài hòa và cân bằng về màu sắc.
Với cây xanh trang trí nhà ở, các thành viên gia đình sẽ có được cảm giác thư thái, gần gũi với thiên nhiên, đặc biệt là trong bối cảnh "đất chật người đông", các mảng xanh ngày càng bị thu hẹp.
Mặt khác, cây xanh được ví là những chiếc máy lọc không khí hiệu quả, mang lại bầu không khí trong lành, tươi mát. Những chất độc hại như amoniac, benzene, trichloroethylene đều được cây xanh lọc sạch bởi khả năng hút khí độc của một số loại cây trồng trong nhà lên đến 85%.
|
Trang trí nhà ở với cây xanh không chỉ mang lại bầu không khí trong lành, tươi mới mà còn giúp hài hòa phong thủy, mang lại vượng khí tốt. |
Bên cạnh đó, nhiều loại cây trồng còn có khả năng hút các tia bức xạ phát ra từ các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại di động, giúp hạn chế ảnh hưởng của các tia gây hại lên da, mắt,... Chưa kể, khi làm việc hoặc học tập căng thẳng, bạn có thể nhìn vào các loại cây xanh trong nhà để mắt được thư giãn, nghỉ ngơi.
Một số loại cây trồng có mùi thơm dịu nhẹ giúp các thành viên thư giãn đầu óc sau một ngày làm việc vất vả. Trong khi đó, với các loại côn trùng như gián, muỗi, chuột, gián... loại cây này lại là sát thủ, xua đuổi chúng tránh xa ngôi nhà của bạn.
Ngoài ra, cây trồng trong nhà nếu hợp hướng, hợp mệnh, đặt đúng vị trí còn mang lại phong thủy tốt, giúp gia chủ gặp nhiều may mắn, sự nghiệp thăng tiến, buôn bán thuận lợi, thu hút tài lộc...
Vậy có nên bài trí cây xanh trong phòng bếp?
Ngày nay, việc bài trí cây xanh trong phòng bếp được nhiều người nội trợ quan tâm, đặc biệt là chị em phụ nữ. Hầu như ai cũng muốn sự hiện diện của mảng xanh thiên nhiên tươi mát ngay trong khu vực nấu nướng. Thế nhưng, nhiều người vẫn thắc mắc rằng, phòng bếp có phải là nơi thích hợp để trồng cây xanh.
|
Xu hướng bài trí cây xanh trong phòng bếp ngày càng được ưa chuộng. |
Trong nhà ở, phòng bếp là một trong những không gian chức năng quan trọng nhất, nơi cả gia đình quây quần sum họp sau một ngày dài bận rộn, giúp gia tăng tính kết nối các thành viên. Về mặt phong thủy, bếp nấu có vai trò quyết định sự thịnh vượng, nguồn tài lộc của cả nhà.
Xét về Ngũ hành, nhà bếp thiên về yếu tố Hỏa, không phải là nơi lý tưởng để trồng cây bởi hoạt động nấu nướng hàng ngày tạo ra nhiệt độ cao, ảnh hưởng tới sự sinh trưởng của cây cối. Song, điều đó không có nghĩa là bạn từ bỏ ý tưởng bài trí cây xanh trong phòng bếp.
Cây xanh trồng trong phòng bếp vừa có tác dụng thanh lọc không khí (bếp nấu là nơi có nhiều mùi nhất trong nhà), vừa góp phần giúp phong thủy bếp tốt hơn nếu được lựa chọn và bài trí đúng cách. Vì vậy, bạn nên tận dụng triệt để những góc trống, diện tích còn bỏ ngỏ trong bếp để bố trí cây xanh phù hợp.
Loại cây trồng nào phù hợp với phòng bếp?
Như đã nói ở phần trên, để cây xanh trồng trong phòng bếp phát huy được hiệu quả về mặt thẩm mỹ cũng như mang lại phong thủy tốt, gia chủ cần lựa chọn được loại cây phù hợp.
Chọn theo đặc tính của phòng bếp
Việc nấu nướng hàng ngày thường xuyên liên quan tới lửa, gas, khói, điện... khiến phòng bếp là nơi dễ bắt cháy nhất trong nhà. Do đó, để tránh hỏa hoạn, bạn không nên bài trí ở đây những loại cây lớn, cây dây leo, tán lá rậm rạp. Gia chủ nên chọn các loại cây cảnh có kích thước nhỏ nhắn và đặt xa bếp nấu.
Mặt khác, phòng bếp thường bị ám khói, mùi thức ăn, dầu mỡ không tốt cho sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Thế nên, bạn hãy chọn loại cây dễ sống và có mùi thơm như hương thảo, bạc hà, húng quế... để có thể khắc phục tình trạng này. Ngoài ra, bạn nên căn cứ vào diện tích phòng bếp để chọn cây có kích cỡ phù hợp.
|
Lô hội là một trong những loại cây trồng phù hợp với không gian phòng bếp. |
Chọn theo tuổi, mệnh của gia chủ
Khi bài trí cây xanh trong phòng bếp, gia chủ nên lưu ý tới yếu tố màu sắc khi chọn cây. Màu sắc cây phong thủy nhà bếp cần tuân theo nguyên tắc chọn màu sắc cây cho từng mệnh Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ. Chẳng hạn, Người mệnh Kim nên trồng cây dây nhện, lan lý, trầu bà đế vương, lưỡi hổ, lan hồ điệp... Trong khi đó, cây kim tiền, hồng môn, bạch mã hoàng tử phù hợp với gia chủ có bản mệnh Hỏa. Người mệnh Thủy nên chọn những loại cây trồng trong nước như vạn niên thanh, lan như ý.
Gia chủ cũng có thể lựa chọn cây trồng theo tuổi, ví dụ cây dứa cảnh nến đỏ phù hợp với người tuổi Sửu; ngũ gia bì dành cho tuổi Dần; cây kim tiền cho người tuổi Tý... Đối với khu bếp ăn, những loại cây trồng có màu sắc tươi vui như đỗ quyên, tía tô cảnh... được khuyến khích bài trí bởi ngoài tác dụng thẩm mỹ, sắc đỏ còn giúp kích thích hệ tiêu hóa, tạo cảm giác ngon miệng hơn.
Lưu ý, nếu phòng bếp có quá nhiều tông màu nóng như đỏ, cam vàng thì bạn nên chọn những loại cây có màu sắc nhẹ nhàng hơn để cân bằng bảng màu. Trong trường hợp này, bạn có thể chọn cây trầu bà cẩm thạch, cây lan chi (cây dây nhện)...
|
Ngoài tác dụng trang trí, cây xanh còn giúp cân bằng bảng màu trong phòng bếp sử dụng tông trắng chủ đạo. |
Chọn theo hướng bếp
Gia chủ nên chọn cây trồng phòng bếp theo hướng bếp cụ thể. Hướng bếp ở đây chính là hướng ngược lại với người đứng nấu, tức hướng lưng người nấu.
- Bếp hướng Bắc: Trong Ngũ hành, đây là hướng Thủy, không tốt cho nhà bếp vì Thủy khắc Hỏa. Do đó, gia chủ nên bài trí những loại cây cảnh màu nóng như đỏ, hồng, cam để tăng thêm tính Hỏa, tạo cảm giác tươi mới cho phòng bếp.
- Bếp hướng Tây: Hướng Tây thuộc hành Thổ, trong khi Hỏa sinh Thổ nên không có lợi cho bếp nấu. Bạn có thể bài trí các loại cây hoa màu vàng như thủy tiên, păng-xê, hoa lan từ 3 màu để chặn dương khí quá mạnh từ ánh nắng hướng Tây gay gắt.
|
Cây trồng phù hợp với hướng bếp giúp mang lại phong thủy tốt cho không gian nấu nướng. |
- Bếp hướng Đông: Đây là hướng Mộc, hướng đại cát cho phòng bếp. Chủ nhà có thể bài trí những chậu cảnh nhỏ trên bàn bếp hoặc cây vừa tầm đứng ở góc trống trong phòng, nơi tận dụng được ánh sáng tự nhiên nếu có cửa sổ.
- Bếp hướng Nam: Hướng này thuộc hành Hỏa nên sẽ nhận được luồng năng lượng khá mạnh. Để giảm bớt nguồn năng lượng đó, gia chủ hãy đặt một chậu cây nhiều lá, lá rộng trong phòng bếp.
Chọn theo loại cây trồng
Căn cứ vào những yếu tố như cách bố trí nội thất, không gian, độ ẩm, ánh sáng của phòng bếp, bạn sẽ lựa chọn được loại cây phù hợp. Sau đây là 5 loại cây được khuyến khích trồng trong khu vực bếp nấu.
- Cây dễ sống: Do đặc tính của phòng bếp khó trồng cây nên bạn hãy chọn loại cây có sức sống mạnh mẽ, tồn tại được ở nơi có nhiệt độ cao, thiếu sáng. Những loại cây có thể kể đến gồm lan ý, trầu bà, lô hội, lưỡi hổ.
- Cây ăn được: Những loại cây gia vị (rau thơm) như húng quế, cỏ chanh, mùi tây, rau ngổ, ngò rí, hành lá... không chỉ có tác dụng trang trí phòng bếp thêm sinh động mà còn được sử dụng để chế biến món ăn hàng ngày. Mặt khác, bạn cũng có thể trồng các loại cây thực phẩm nhỏ như rau bina, gừng, tỏi, cà chua bi...
|
Những loại cây gia vị dễ sống như bạc hà, húng chanh, ngò rí... phù hợp để trồng trong phòng bếp, tạo cảm giác gần gũi thiên nhiên. |
- Cây thảo mộc: Phòng bếp là một trong những nơi thích hợp để trồng một số loại cây thảo mộc như lavender, hoa phong tử, hương thảo, bạc hà,... Hương thơm dịu nhẹ từ các loại cây này tạo cảm giác thư giãn cho người nội trợ, đồng thời giúp khử mùi thức ăn, dầu mỡ trong phòng bếp.
- Cây thanh lọc không khí: Việc trồng những loại cây có tác dụng thanh lọc không khí trong phòng bếp là điều cần thiết bởi nơi đây thường bị bám mùi dầu mỡ, thức ăn. Các loại cây trầu bà, lưỡi hổ, thường xuân, dương xỉ, lan ý, hành tây, cây đa búp đỏ vừa hấp thụ khí cacbonic vừa lọc được cả khí gas và một số khí độc từ các chất tẩy rửa.
Kết hợp các loại cây
Trong phòng bếp nếu trồng quá nhiều cây sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho côn trùng, nấm mốc, vi khuẩn gây bệnh phát triển. Tuy nhiên, nếu biết cách kết hợp các loại cây với nhau sẽ khắc phục được điều này. Ví dụ, nhiều người thường kết hợp trồng húng quế - hẹ - hạt tiêu nhằm gia tăng vị cay nồng của hạt tiêu, ngăn chặn cỏ dại phát triển trong chậu. Hoặc bạn có thể kết hợp trồng cà tím - đậu - húng tây - rau bina. Cây họ đậu sẽ cung cấp nitơ cho cà tím, trong khi húng tây giúp xua đuổi côn trùng, rau bina triệt tiêu cỏ dại. Chưa kể, rau bina cũng phát triển tốt dưới bóng râm của cà tím.
|
Bạn có thể trồng kết hợp các loại cây như cà chua, húng quế, hành, tỏi trong nhà bếp. |
Loại cây nên tránh
Đối với nhà ở nói chung và phòng bếp nói riêng, bạn nên tránh trồng những loại cây có thể phát triển quá lớn, dễ lan rộng và cây chứa thành phần độc hại trong thân, lá, hoa, nhựa như hồng môn, xương rồng bát tiên, trúc đào, đỗ quyên, lan quân tử... Mặt khác, bạn cũng nên hạn chế trồng loại cây có gai nhọn, dễ rụng lá như mai vạn phúc, trúc Nhật... để đảm bảo an toàn khi nấu nướng, dễ dàng chăm bón, vệ sinh.
Vị trí đặt cây phù hợp
Sàn bếp
Nếu sàn bếp đủ rộng, bạn có thể đặt một vài chậu cảnh ở đây. Để tránh vướng víu, các chậu cây cần được xếp ngay ngắn ở góc trống hoặc sát tường - nơi ít đi lại. Lưu ý, bạn hãy chọn những loại cây có kích thước vừa phải, thân mảnh để đặt dưới sàn bếp, nếu không chúng sẽ đụng chạm vào đồ nội thất hoặc cản trở lối đi.
Kệ bếp
Đây là nơi người nội trợ thường xuyên sử dụng tới trong phòng bếp để chuẩn bị thức ăn, dọn đồ, lau rửa bát đĩa... Để khu vực này trở nên sinh động, bắt mắt hơn, xua tan cảm giác nhàm chán, buồn tẻ của người dùng, bạn có thể bài trí một vài cây cảnh nhỏ xinh trồng trong bình, chậu màu sắc tươi sáng. Sự hiện diện của cây xanh có thể giúp khơi gợi, gia tăng nguồn cảm hứng nấu nướng trong bạn.
|
Cây xanh trang trí giúp kệ bếp đỡ đơn điệu, nhàm chán trong sinh hoạt hàng ngày. |
Trên tường
Một mảng tường hoặc bức tường nhỏ trong phòng bếp ngập tràn sắc xanh là giải pháp lý tưởng để mang thiên nhiên vào không gian sống chật hẹp. Gia chủ thường tận dụng các khoảng tường trống, đóng lên đó giá treo chắc chắn để móc chậu cây, hoa điểm tô nét duyên dáng, mềm mại cho khu vực bếp nấu.
|
Gia chủ khéo léo treo móc những chậu cây nhỏ gọn lên tường phòng bếp. Đây là giải pháp hoàn hảo để mang thiên nhiên vào không gian sống nhỏ chật. |
Trên bàn ăn
Nếu không gian ăn uống được tích hợp ngay trong gian bếp thì bạn hoàn toàn có thể tận dụng khoảng trống trên bàn ăn để bài trí một vài chậu cảnh mini hoặc lọ hoa tươi tắn. Ngoài tác dụng trang trí, cây hoa còn góp phần gia tăng cảm giác ngon miệng của các thành viên gia đình.
Bậu cửa sổ
Bệ cửa sổ phòng bếp cũng là vị trí lý tưởng để bài trí cây xanh bởi chúng sẽ tận dụng được tối đa ánh sáng tự nhiên, sinh trưởng tốt. Gia chủ cũng dễ dàng tưới tắm, chăm bón cho cây mà không lo ảnh hưởng tới khu vực bếp nấu. Những chậu cây gia vị, rau mầm, thảo mộc nhỏ xinh sẽ mang đến cho bạn nguồn năng lượng tươi mới mỗi ngày.
|
Bệ cửa sổ kính ngập tràn ánh sáng tự nhiên là nơi lý tưởng để đặt chậu cây xanh nhỏ xinh. |
Quan tâm tới khâu chăm sóc
Ánh sáng
Ngoài một số loại cây sống được ở nơi thiếu sáng, trong bóng râm thì phần lớn cây trồng đều cần ánh sáng mặt trời để quang hợp và sinh trưởng. Do đó, bệ cửa sổ là nơi lý tưởng để bài trí cây xanh trong phòng bếp. Nếu không có cửa sổ, gia chủ nên bổ sung hệ thống chiếu sáng cho cây. Chẳng hạn, các loại rau lá xanh, thảo mộc cần 1-2 bóng đèn halogen 50 Watt. Cùng với đó, thi thoảng bạn cũng nên mang cây ra ngoài tắm nắng để chúng phát triển tốt hơn.
Lưu ý, đối với những loại cây, rau chỉ ưa bóng râm, không cần nhiều ánh sáng như lan ý, lưỡi hổ, dứa cảnh nến đỏ, trầu bà vàng, tỏi rừng..., bạn nên đặt ở nơi khuất nắng hoặc có thêm rèm cửa sổ che chắn.
Nước tưới
Cây trồng trong phòng bếp không nên tưới nhiều nước, chỉ cần đảm bảo đủ độ ẩm cho đất là được. Ngoài tưới nước ở gốc nên sử dụng thêm bình phun đều đặn hàng ngày để hỗ trợ quá trình quang hợp của cây và làm sạch lá. Bên cạnh đó, bạn cũng cần chú ý tới việc thoát nước của chậu cây. Nếu chậu trồng không thoát được nước sẽ gây ngập úng không tốt cho cây, nhưng nếu thoát nước quá dễ, tràn ra nhà gây mất vệ sinh. Do đó, chậu trồng cây nên có lỗ thoát nước dưới đáy chậu và được đặt trên dĩa/khay để hứng nước thoát qua lỗ.
|
Gia chủ sử dụng thêm bình phun đều đặn hàng ngày để hỗ trợ quá trình quang hợp của cây, làm sạch lá. |
Chất dinh dưỡng
Để cây luôn tươi tốt, bạn cần bổ sung chất dinh dưỡng cho cây. Với cây cảnh trồng trong nhà, gia chủ không nên sử dụng quá nhiều phân bón bởi sẽ gây mất dáng. Thông thường, cứ khoảng nửa tháng sẽ bổ sung phân tổng hợp/phân vi sinh một lần. Ngoài ra, bạn có thể tận dụng nước vo gạo để tưới cho cây.
Phòng, chữa bệnh cho cây
Để phòng bệnh cho cây trồng trong phòng bếp, bạn cần căn cứ vào đặc tính từng loại cây để đảm bảo yếu tố ánh sáng, nước tưới, chất dinh dưỡng phù hợp. Trong trường hợp cây bị bệnh, gia chủ nên dùng biện pháp thủ công (bắt sâu, lau sạch lá...) để xử lý, tránh sử dụng các chất độc hại như thuốc trừ sâu bởi sẽ gây hại cho con người. Hiện nay có nhiều loại thuốc hữu cơ giúp trừ sâu bệnh cho cây cảnh trồng trong nhà.
Xem thêm: